Võ Trọng Bình người làng Mỹ Lộc, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là trọng thần thời nhà Nguyễn, làm quan trải 9 đời vua, nhưng dù làm quan đời nào thì ông cũng có tiếng là thanh bạch, nhân ái và cương trực.

Võ Trọng Bình: Vị trọng thần trụ cột trải 9 đời vua Nguyễn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Vị quan vì dân

Võ Trọng Bình đỗ kỳ thi Hương năm 1834 thời vua Minh Mạng và được bổ nhiệm làm Tri huyện Hòa Đa (Quảng Nam). Dù mới làm quan nhưng ông đã có tiếng nên triều đình vời ông về giữ chức Giám sát Ngự sử.

Chức Ngự sử phải kiểm tra quan lại, nên người làm chức vụ này cần phải công minh, chính trực. Võ Trọng Bình thường dâng sớ bẩm báo công việc của mình rõ ràng, trong đó nổi tiếng nhất là việc hạch tội Nguyên Chấn tham ô với chứng cớ rõ ràng. Sau đó ông được thăng chức Án sát sứ tỉnh Thái Nguyên.

Võ Trọng Bình không chỉ giỏi việc hành chính, ông cũng quan tâm đến đời sống người dân, vì thế mà có tiếng là vị quan nhân ái.

Năm 1848, vua Tự Đức lên ngôi, Võ Trọng Bình được cử làm Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Ông đi các nơi quan sát đời sông dân chúng, có nhiều biểu tấu về triều đình giúp dân chúng như khơi sông Lợi Nông để đưa nước tưới cho các huyện phía nam Kinh thành Huế; đắp đê ngăn mặn. Ông cũng xin triều đình giảm thuế công cho những nơi gặp khó khăn.

Trong kỳ xét công tội của các quan trong cả nước vào năm 1853, Võ Trọng Bình được xem là quan thanh liêm lại mẫn cán. Ông được thưởng một kim khánh hạng lớn có khắc 4 chữ “liêm, bình, cần, cán” (nghĩa là thanh liêm, công bằng, siêng năng, tháo vát).

Khi Võ Trọng Bình đang giữ chức Tổng đốc Ninh – Thái, năm 1856 có bão lũ, dân chúng gặp khó khăn, ông tâu về triều đình xin hoãn việc truy thu thuế thiếu và binh lính bỏ trốn, được triều đình chuẩn y. Năm này đê điều bị vỡ nhiều nơi, triều đình giao cho ông phụ trách việc đê điều, ông đã tìm hiểu cho làm các công trình thủy lợi nhằm làm giảm thế nước mạnh, đắp đê chống lũ ở Bắc hà, giúp dân chúng yên tâm.

Năm 1861, ông đưa ra những chính sách vỗ yên dân chúng. Năm 1863, ông được phong làm Thượng thư bộ Hộ kiêm bộ Công, sung cơ mật đại thần.

Giữ yên vùng biên giới

Lúc này quân Pháp đánh Nam bộ, triều đình thua trận và liên tục phải nhượng bộ. Lợi dụng tình hình đó, năm 1864, quân thổ phỉ từ Trung Quốc sang cướp phá vùng Lạng Sơn. Vua cử Võ Trọng Bình làm tổng đốc hai tỉnh Ninh – Thái sung kinh lược những đạo Ninh, Thái, Lạng, Bình cùng 1.500 quân chống thổ phỉ. Cuộc chiến chống thổ phỉ khá gian nan, nhưng cuối cùng ông đều thắng, các thủ lĩnh thổ phỉ xin hàng.

Các tỉnh biên giới đều bị đám thổ phỉ và cướp quấy nhiễu nên tỉnh nào cũng xin được xây dựng thành trì phủ huyện phòng bị, nhưng Võ Trọng Bình không dùng cách này vì không muốn tổn hại đến sức dân. Ông tâu với vua rằng:

“Thành trì là hiểm hữu hình mà nhân tâm là hiểm vô hình, không nên bắt dân đã nhọc sức lâu rồi nay thêm lực dịch nữa, sợ có hại đến sức dân”, “Nay phủ, huyện các tỉnh thành trì quan yếu đều xây đắp, nên cứ theo cũ tu bổ cho bền vững”, “chỗ quan yếu mà chưa có thành trì, xin do quan tỉnh khám xét nơi nào cách xa tỉnh thành, mà có đóng quân thì đều đem tiền thóc và muối chứa sẵn ở đấy”, “không nên lấy dân nhọc mệt đã lâu, lại phải làm việc, cho thêm nhọc khổ làm gì.”

(Đại Nam thực lục, tập 7)

Nhà vua chuẩn tấu, nhờ đó mà lòng người củng cố.

Trọng thần trụ cột

Khi kinh thành có loạn “Chày vôi” nhằm lật đổ ngôi vua, vua Tự Đức triệu ông về làm Thượng thư bộ Lại, kiêm quản Quốc Tử Giám, sung cơ mật đại thần nhằm ổn định triều chính.

Lúc nay Nguyễn Tri Phương mới từ bắc về tâu lên vua là quan lại vùng Bắc hà hủ bại, cần có người ra kiểm soát nhằm ổn lòng dân. Vua hỏi nên chọn ai thì Nguyễn Tri Phương chọn Võ Trọng Bình. Tuy nhiên vua lại cho rằng việc ở kinh sư còn quan trọng hơn nên cần Võ Trọng Bình ở lại nhằm giữ ổn định.

Tại kinh thành Võ Trọng Bình ra các chính sách hành chính nhằm giảm bớt phí tổn. Ông cùng Nguyễn Tri Phương và Phan Huy Vịnh tâu rằng:

“Điều cốt yếu trong việc hạn chế tiêu dùng của nhà nước, cốt ở liệu số thu vào để chi ra, nên phải châm chước ấn định nhân viên làm việc, giảm bớt các khoản thường chi, đã dụ sai các nha trong kinh và tỉnh ngoài đều chiểu nơi nhiều việc, nơi ít việc, tuỳ tiện xét tâu”.

(Đại Nam thực lục, tập 7)

Triều đình đã chuẩn cho liệu giảm ở kinh 24 nha, từ tứ phẩm thuộc viên đến vị nhập lưu thư lại là 139 viên; ở ngoài 25 phủ, tỉnh, đạo, từ hậu bổ đến thông lại thừa biện là 142 viên, để lại có số nhất định, chi lương ngạch nhất định, cho đều xứng với công việc.

Năm 1868 Cao Bằng có biến, vua cử Võ Trọng Bình đưa quân đến dẹp yên. Năm sau 1869, ông nhận chức Tổng đốc Lạng Sơn – Cao bằng đánh dẹp cướp nơi đây. Ông đã phối hợp được cùng tướng nhà Thanh là Phùng Tử Tài cùng diệt trừ được đám thổ phỉ biên giới.

Năm 1874 ông được giữ chức Tổng đốc Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, nhưng do tuổi cao ông xin được nghỉ hưu. Triều đình không đồng ý mà cử ông làm Tổng đốc Định Tường, An Giang.

Sau đó ông giữ chức Tổng đốc Nam Định. Năm 1883 quân Pháp tấn công vào đây, ông chỉ huy quân gắng sức chống đỡ khiến viên trung tá Pháp tên Carreau tử trận. Tuy nhiên trước hỏa lực hiện đại của quân Pháp, ông bị thương, thành Nam Định thất thủ.

Tưởng nhớ

Năm 1884, vua thuận cho ông nghỉ hưu, nhưng lại đồng thời khai phục nguyên hàm Tổng đốc Định – Yên. Đây là một ngoại lệ, bởi vua cho rằng ông có công lớn và là quan thanh liêm, cần mẫn. “Vua thương là người bầy tôi cũ, cho nên mới có mệnh này” (Đại Nam thực lục, tập 9).

Đến năm 1898, Võ Trọng Bình mất tại quê nhà, thọ 90 tuổi. Nhiều vị quan cùng thời với ông rất thương tiếc. Ông làm quan thanh liêm và chính trực nên nhiều người quý mến. Mẹ của vua Tự Đức là thái hậu Từ Dụ thường nói với con cháu và các quan văn võ rằng bà “ước mong đất nước được có nhiều ông quan như Võ Trọng Bình”.

Người dân Quảng Bình quê ông có câu: “Thanh liêm chỉ có Võ Trọng Bình”. Người dân cũng tận mắt nhìn thấy vị quan nhất phẩm trong triều khi về hưu thật giản dị thanh bạch với nhà tranh vách đất, ra đường bằng đôi guốc mộc.

Khi vua Tự Đức hỏi: “Ngươi trị dân thế nào mà được dân yêu?”

Ông đáp rằng: “Thần không dung túng cho quan lại dưới quyền, nghiêm bắt trộm cướp, không cho phủ huyện kéo dài các việc kiện tụng của nhân dân, gặp việc phải xét xử nhanh chóng, bản thân tự trông coi thuế lệ để chiếu cố cho dân, thu phát rõ ràng”. (Đại Nam thực lục, tập 8)

Trần Hưng

Tư liệu tham khảo:

  • Quảng Bình nhân vật chí
  • Đại Nam thực lục

Xem thêm:

Mời xem video: