Thật ra không phải đến lúc việc các cô giáo trẻ bị điều động đi tiếp rượu thì chuyện này mới ồn ào lên. Nói thẳng thắn ra, chúng ta ai cũng biết những chuyện kiểu thế này, chỉ ở mức độ nào đó và bối cảnh nào đó mà thôi. Từ giản đơn như vào cuộc ăn uống nào đó là phụ nữ chúng tôi hay bị yêu cầu đổi chỗ, “người ta” thường sắp xếp sao cho một nam một nữ ngồi xen kẽ để dễ “chăm sóc”!

Trước hết, cần phân biệt rõ phép lịch sự, tôn trọng phụ nữ và kiểu “tiếp rượu”. Văn minh là người phụ nữ nên được tự lựa chọn vị trí cô ấy thích ngồi trước. Đàn ông nên kiểm tra cái ghế ấy có an toàn không, và sắp xếp chỗ cô ấy ngồi không bị khói thuốc bay vào mặt, tốt nhất là hút thuốc thì ra chỗ khác. Chuyện ngồi xen kẽ tôi thường từ chối, còn nếu bắt tiếp rượu hay có hành động bất nhã thì… Nhưng người làm báo vẫn có chút gai góc và vị thế nhất định để thẳng thừng tỏ thái độ, hoặc người khác cũng có chút kiêng dè. Nhưng không chỉ có các cô giáo, mà rất nhiều phụ nữ đang đi làm và ở vị trí yếu thế đang phải chịu cái “văn hoá” đó, nó khá phổ biến chứ chẳng phải cá biệt gì.

Suy rộng ra, chúng ta đều là nạn nhân của kiểu văn hoá “tiếp rượu” này, không chỉ phụ nữ. Chuyện gặp gỡ đối tác, ký kết nọ kia trên bàn nhậu phổ biến đến nỗi, người đàn ông muốn thành công trong công việc thì không thể không luyện “tửu lượng”. Chỉ cần từ cấp phó trưởng phòng trở lên đã hiếm những bữa cơm ấm cúng bên gia đình vì lê la ở các cuộc tiếp khách. Bản thân mệt mỏi, gan thận ngâm trong rượu, tàn phá sức khoẻ và tiền bạc, chưa nói những việc mờ ám khác nếu bị phát giác có thể tan tành danh tiếng hay hạnh phúc gia đình.

Chính điều này cũng góp phần tạo ra sự bất bình đẳng về cơ hội thành công cho phụ nữ. Vì trong văn hoá vẫn nặng tư duy trọng nam khinh nữ ở Việt Nam, nếu người phụ nữ bỏ bữa cơm gia đình chạy theo các hợp đồng từ bàn rượu thì cuộc sống của họ dễ bị tan vỡ, đa phần họ chọn ở trong vòng an toàn. Điều này đã gây ra nhiều hệ luỵ khi phụ nữ bị lệ thuộc vào đàn ông, chúng ta đều biết rõ. Thực tế những người phụ nữ tự trọng cũng không bao giờ muốn đến những nơi nhậu nhẹt để bị nhìn chòng chọc hay biến thành những cặp (…) di động từ những người đàn ông mượn rượu.

Hơn nữa, ở đâu ra chuyện mặc nhiên một khoản ngân sách rất lớn được đưa ra cho việc “tiếp khách”, tạo ra bao nhiêu câu chuyện khóc cười không nổi như tỉnh Hải Dương phải xin bổ sung cả trăm triệu đồng cho việc tiếp khách; ở đâu trụ sở xã nợ cả tỷ đồng vì ăn nhậu chịu.. vv… Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng từng chia sẻ cận vệ của bà “uống rượu thay chị đã đủ chết rồi”.

“Điều động đi tiếp khách ngoài giờ (buổi tối) là sai. Dùng ngân sách để mua rượu và ăn nhậu ở nhà hàng gây lãng phí cũng là sai. Đại biểu Quốc hội không lên án những thứ đó là sai. Có lẽ phải đề nghị chính phủ cho luôn phương án cấm không ra quán đãi nhau. Đi công tác thì tự ăn không có lý do cấp dưới phải đãi vì ai cũng có công tác phí rồi”, một người bạn tôi chat với tôi như vậy trưa nay.

Sau vụ việc tiếp rượu ầm ĩ ở Hà Tĩnh, trưa nay Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã có công văn hoả tốc gửi UBND Hà Tĩnh “đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh”, chứ cũng chưa nói thẳng là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP điều động nữ giáo viên đi tiếp rượu; và còn các giáo viên ngoài Hà Tĩnh và các phụ nữ khác ngoài ngành giáo dục ai bảo vệ?