Khoảng một tháng nay, tôm hùm bông tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) bị chết khá nhiều nhưng chưa rõ nguyên nhân.

khanh hoa nguyen nhan ban dau khien hang loat tom hum bong chet
Người dân bán tháo tôm ngộp cho thương lái với giá rẻ. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Nói với báo Khánh Hòa ngày 12/4, ông Nguyễn Văn Tiên (thôn Hà Già, xã Vạn Hưng) cho hay gia đình ông có bè nuôi tôm với 35 ô lồng, tôm nuôi được khoảng 5 – 6 tháng, kích cỡ từ 150 đến 200g/con. Theo ông Tiên, mỗi ngày, bè nuôi tôm của gia đình chết khoảng 20 – 30 con, gây thiệt hại lớn. Gia đình ông phải bán gấp tôm ngộp với nửa giá (khoảng 350 – 600.000 đồng/kg tùy loại) cho các thương lái.

Vùng nuôi thuộc xã Vạn Hưng có khoảng 4.200 ô/lồng (211 hộ nuôi), nuôi chủ yếu là tôm hùm xanh. Mật độ thả nuôi khoảng 200 – 300 con/lồng. Tôm hùm nuôi tại khu vực này đã được 5 tháng, kích cỡ từ 150 đến 200g/con.

Theo ghi nhận từ các hộ nuôi trong vùng, hiện tượng tôm hùm chết nhiều diễn ra khoảng 20 – 30 ngày gần đây, một ngày chết từ 3 đến 30 con/hộ nuôi. Trong vùng nuôi có hơn 50% hộ nuôi có hiện tượng tôm chết với dấu hiệu phần bụng tôm có màu hồng trắng, tôm giảm ăn hoặc bỏ ăn, kém hoạt động, chậm chạp, yếu dần rồi chết. Người nuôi cho rằng, nhiệt độ nước khu vực nuôi năm nay nóng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Dựa trên các dấu hiệu trên tôm, người nuôi nghi ngờ tôm hùm chết do bệnh sữa.

Hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt cũng diễn ra ở xã Vạn Thạnh. Vùng nuôi phát hiện tôm hùm chết thuộc khu Mũi Núi Nai, thôn Khải Lương. Theo ghi nhận từ các hộ nuôi, tôm hùm có hiện tượng chết khoảng 30 ngày gần đây và chỉ xảy ra trên tôm hùm bông, không xảy ra ở tôm hùm xanh. Ông Phan Ngọc Nam cho biết gia đình có 40 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm khoảng 5 tháng, bị chết khoảng 10%. Khi thấy có dấu hiệu tôm hùm chết, ông đã dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiều lần nhưng không thuyên giảm.

Theo ông Võ Văn Thái – Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và du lịch Vân Phong, hiện nay, tình trạng tôm hùm khoảng 0,2 – 0,25kg/con bị đen mang chết khoảng 40%. Còn 6 tháng nữa mới xuất bán được, nhưng tình trạng tôm chết vẫn diễn ra, người nuôi có nguy cơ lỗ nặng.

Nguyên nhân ban đầu và biện pháp phòng tránh

Nguyên nhân ban đầu được Cục này xác định là do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hòa tan thấp làm suy giảm sức đề kháng trên tôm nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Để hạn chế thiệt hại cho người nuôi, Cục Thủy sản đề nghị địa phương sớm xác định nguyên nhân gây chết tôm hùm bông; hướng dẫn người nuôi thu gom toàn bộ xác tôm chết lên bờ xử lý không để ô nhiễm môi trường.

Địa phương cần áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm bông và các giống thủy sản nuôi khác, vệ sinh, sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi, treo túi vôi xung quanh lồng/bè (khoảng 2kg/túi) nhằm hạn chế mật độ Vibrio.spp; tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi.

Các địa phương có tôm hùm bông được yêu cầu chủ động xây dựng phương án khi có thời tiết chuyển mùa, từ tháng 4 đến tháng 6 như che lưới trên bề mặt ô/lồng nuôi, hạ lồng đến mức nước phù hợp; dự phòng oxy tươi nguyên chất phòng khi tôm hùm nuôi thiếu ôxy cục bộ.

Với vùng có nguy cơ cao về môi trường, Cục Thủy sản khuyến cáo nên di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ 3 tháng đầu năm cho thấy nhiệt độ nước trung bình tại các điểm quan trắc vùng nuôi tôm hùm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thông số về môi trường cũng vượt giới hạn cho phép, chất lượng môi trường nước tiếp tục có xu hướng suy giảm.

Dự báo đến hết tháng 6, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi, mật độ vi khuẩn Vibrio tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phù dưỡng thủy vực, nguy cơ dẫn đến tảo nở hoa, làm ôxy hòa tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.

Từ tháng 9 đến tháng 12, thông số COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các thành phần ô nhiễm trong nước thải ) và coliform cũng có nguy cơ tăng cao, đặc biệt các vùng chịu ảnh hưởng của nước ngọt như Đông Điền, Vinh Quang (Bình Định), cầu Đà Nông, Xuân Thành (Phú Yên), Tân Thủy, Trí Nguyên (Khánh Hòa), Khánh Nhơn, Hòa Thạnh 1 (Ninh Thuận). Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản nuôi trồng trên biển.

Khánh Vy (t/h)