Vào ngày 7/12/2022, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo về việc chấm dứt các biện pháp “Zero-COVID”.

dich benh o trung quoc 3 1
Phòng cấp cứu của một bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 14/1/2023 (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Chỉ nửa tháng trước đó, vào ngày 22/11, Ủy ban Y tế Quốc gia đã tuyên bố rằng họ sẽ “kiên định kiên trì theo phương châm chung về ‘Zero-COVID linh động’”. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) ở Tân Cương ngày 24/11 đã châm ngòi cho Phong trào Giấy trắng lan rộng khắp Trung Quốc. Yêu cầu chính của phong trào là phản đối “Zero-COVID linh động” của chính quyền. Trong quá trình diễn ra phong trào này, nhiều người đã hô vang các khẩu hiệu tự do, nhân quyền, một số thanh niên dũng cảm thậm chí còn hô vang “Tập Cận Bình hạ đài”, “Đảng Cộng sản Trung Quốc hạ đài”. Cơ quan chức năng hoảng sợ đến mức phải vội vàng thông báo kết thúc “Zero-COVID”.

Tại họp báo ngày 7/12/2022, chính quyền Trung Quốc vẫn khoa trương, nói rằng “dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt, trong 3 năm qua, chúng ta đã ứng phó hiệu quả trước tác động của 5 làn sóng dịch bệnh toàn cầu, tỷ lệ lây nhiễm và số người chết vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới”. Tuy nhiên, những lời khoác lác của nhà chức trách ĐCSTQ còn chưa nguội, thì một trận sóng thần dịch bệnh chưa từng có đã quét qua cả nước. Hầu như tất cả mọi người đều bị nhiễm bệnh, hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, lò hỏa táng làm việc ngày đêm.

“Zero-COVID linh động” của Chính phủ Trung Quốc sử dụng xét nghiệm axit nucleic làm cạn kiệt bảo hiểm y tế, dùng lệnh đóng cửa thành phố để ngăn chặn sản xuất và hậu cần, dùng 3 năm để kiểm soát thuốc hạ sốt, phá hủy toàn bộ chuỗi sản xuất dược phẩm, không đưa vắc-xin nước ngoài vào, không tích trữ thuốc hạ sốt, không phổ biến kiến ​​thức tự cứu y tế, không có kế hoạch y tế phân cấp hoặc kế hoạch khẩn cấp về thuốc, hạn chế vào mùa hè khi cúm ít bùng phát và nới lỏng vào mùa đông khi cúm dễ bùng phát hơn. Cuối cùng, số người Trung Quốc nhiễm COVID-19 không ít hơn các nước khác, số người chết ở Trung Quốc cũng không ít hơn các nước khác, chỉ là đột nhiên người dân phải chịu đựng lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn bất kỳ quốc gia nào, đồng thời gây ra nhiều thảm họa thứ cấp nghiêm trọng hơn bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả suy thoái kinh tế.

Thật không may, mọi thứ không kết thúc ở đó.

Kể từ đầu mùa đông năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến ​​một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cực kỳ hiếm gặp. Đặc biệt ở miền Bắc, nhiều bệnh viện quá tải, đặc biệt là trẻ em, người nhiễm bệnh xuất hiện trên diện rộng. Chính phủ Trung Quốc cho biết cho đến nay không có mầm bệnh bất thường hoặc mới nào được phát hiện. Mong là như vậy. Tuy nhiên, trước tiếng xấu của Chính phủ Trung Quốc trong quá khứ, người dân không thể không hoài nghi và giữ cảnh giác đối với các thông tin mà ĐCSTQ đưa ra.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết không có gì ngạc nhiên khi thấy số ca nhiễm trùng đường hô hấp gia tăng sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, các quốc gia khác cũng từng gặp phải tình huống tương tự khi dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19. Theo giải thích của các chuyên gia, điều này là do trong thời gian kiểm soát dịch bệnh, người bình thường có ít cơ hội lây nhiễm loại virus corona mới hơn, đồng thời cũng có ít cơ hội lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác hơn. Do cơ thể con người được bảo vệ quá mức, nên khả năng tiếp xúc với các mầm bệnh khác nhau sẽ giảm đi rất nhiều, dẫn đến khả năng miễn dịch bị giảm. Các chuyên gia gọi đó là “miễn dịch không đầy đủ” (immunity gap).

Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhiều mầm bệnh khác nhau sẽ theo đó lây lan, mọi người dễ bị lây nhiễm hơn bình thường. Có người gọi đây là trả nợ, trả nợ miễn dịch. Bởi vì Trung Quốc đã thực hiện lệnh phong tỏa đặc biệt kéo dài và lực độ cũng rất lớn, nên một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác nhau sẽ dữ dội và nghiêm trọng hơn so với các quốc gia khác. Điều này có nghĩa, làn sóng bệnh truyền nhiễm đường hô hấp hiện nay ở Trung Quốc thực chất là di chứng từ việc “Zero-COVID linh động” của chính quyền.

Đã 4 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào mùa đông năm 2019. Nhưng cho đến hôm nay, do sự cố tình cản trở của Chính phủ Trung Quốc nên việc truy tìm nguồn gốc của virus vẫn chưa đạt được tiến triển nào. Trong 4 năm qua, Trung Quốc và thế giới đã trải qua một thảm họa. Thảm họa này có thể hoàn toàn tránh được. Điểm mấu chốt của toàn bộ thảm họa COVID-19 là trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, chính quyền ĐCSTQ, đứng đầu là ông Tập Cận Bình, không cho phép công bố dịch, từ chối kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp và bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn dịch bệnh từ trạng thái manh nha và ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng của nó.

Ngoài ra, chính quyền ĐCSTQ đã che giấu sự thật và công bố những thông tin dữ liệu sai sự thật, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho chính phủ và người dân các nước khác. Hơn nữa, để đảm bảo rằng mình sẽ tái đắc cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần bác bỏ những đề xuất hợp lý về việc tự do hóa dần dần mà các chuyên gia đưa ra từ lâu, nhất quyết đòi thực hiện “Zero-COVID”, một mực làm theo ý mình; sau đó, lại hành động liều lĩnh mà không có kế hoạch hay sự chuẩn bị nào cho việc gỡ bỏ phong tỏa, dẫn đến một cơn sóng thần dịch bệnh chưa từng có. Người dân Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề hơn về sức khỏe và tính mạng trong 2 tháng so với các nước khác trong vòng 3 năm và để lại di chứng nặng nề hơn các nước khác.

Do đó, chúng ta phải thể hiện lập trường vững chắc của mình trong việc buộc Chính phủ Trung Quốc và ông Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm. Đây ít nhất là một phán quyết đạo đức và chính nghĩa.

Hồ Bình
(Bài viết được đăng trên RFA, thể hiện quan điểm và lập trường của cá nhân tác giả.)