Tạo dựng văn hóa đội nhóm là điều bạn phải làm hàng ngày, hàng tuần và suốt cả năm. Hãy đảm bảo rằng các nhân viên của bạn luôn được khích lệ, ghi nhận và truyền cảm hứng cho mọi công việc họ đang làm. 

đội nhóm
(Ảnh: G-Stock Studio/ Shutterstock)

Nếu muốn làm một quản lý, lãnh đạo, ông chủ tốt, bạn không thể chỉ đứng bên trên ra lệnh. Bạn phải bước vào đấu trường cùng với những người còn lại trong đội nhóm của mình. Dưới đây là 10 lời khuyên giúp bạn dẫn dắt đội nhóm của mình tốt hơn.

1. Làm gương trong mọi việc bạn làm

Để nhận được sự tôn trọng từ mọi người, bạn cần phải là một người sếp gương mẫu và có đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ. Bạn không thể đòi hỏi sự tôn trọng từ người khác nếu bạn không tôn trọng họ. Nhân viên sẽ tôn trọng, yêu quý và trung thành với bạn nếu bạn sống như một cấp trên đáng kính. 

2. Hãy tích cực trong mọi hoàn cảnh

Quản lý, lãnh đạo hoặc ông chủ nên là “đầu tàu” lan tỏa sự tích cực đến các nhân viên. Ngay cả khi công việc kinh doanh gặp khó khăn, bạn vẫn phải nhấn mạnh thông điệp “chúng ta có thể làm được” và “chúng ta sẽ làm điều đó một cách vui vẻ” với mọi người trong công ty.

3. Hãy luôn công bằng 

Nếu muốn nhận được sự tôn trọng, trước tiên bạn phải thể hiện điều đó – và điều đó bắt đầu từ cách bạn đối xử với những người mà bạn đang quản lý. Họ phải cảm thấy được trân trọng vì những gì họ đóng góp và được khen thưởng vì thành tích đạt được. Nếu họ có thái độ tiêu cực hoặc mất tinh thần thì bạn hãy khích lệ họ. Hãy đảm bảo nhân viên của bạn biết rằng họ luôn được đối xử công bằng trong mọi việc.

4. Hãy là một người biết lắng nghe và đặt câu hỏi trước khi đưa ra chỉ dẫn 

Hãy đảm bảo rằng bạn nhận được tất cả thông tin cần thiết trước khi bắt đầu một dự án hoặc đưa ra một quyết định quan trọng. Bạn không biết một vấn đề gì đó cũng không sao, nhưng đừng thể hiện điều đó một cách ngớ ngẩn trước mặt mọi người. Chắc chắn điều đó sẽ để lại ấn tượng xấu. Đừng bao giờ quên câu hỏi quan trọng nhất: “Tôi còn cần biết điều gì nữa không?”.

5. Truyền đạt những gì bạn muốn 

Sẽ thật tuyệt nếu bạn chẳng cần nói gì mà nhân viên của bạn vẫn hiểu và làm những gì bạn muốn. Nhưng điều đó là không thể. Vậy nên nếu bạn muốn công việc được thực hiện đúng như ý mình, hãy phổ biến điều đó với mọi người một cách rành mạch. Tất nhiên, bạn cũng nên tạo không khí thoải mái để nhân viên được tự do đặt câu hỏi. 

nhà lãnh đạo
(Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)

6. Hãy trung thực trong cuộc sống của bạn

Phẩm chất này không chỉ dừng lại trong lĩnh vực lãnh đạo mà nó là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn không thành thật với gia đình và cộng đồng thì bạn cũng không thể cư xử có đạo đức trong công việc.

7. Không ngừng học hỏi

Bạn không bao giờ nên ngừng học hỏi, dù đó là học để bắt kịp xu hướng trong ngành hay học một ngôn ngữ mới. Bạn không cần phải có nhiều bằng cấp học thuật. Bạn chỉ cần rèn luyện trí tuệ bằng cách đọc sách, nghe giảng hoặc thể hiện sự tò mò trong cuộc sống hàng ngày.

8. Luôn tìm kiếm con đường tốt hơn

Những gì hiệu quả hôm nay có thể không hiệu quả vào ngày mai. Và những gì mọi người vẫn luôn làm, vẫn cho là đúng, thực ra lại chẳng áp dụng được vào việc gì cả. Vì thế, bạn cần phải luôn có ý thức tìm cách cải thiện sản phẩm và quy trình làm việc ở công ty. Hãy luôn cởi mở đón nhận những ý tưởng mới từ tất cả mọi người và bất kỳ địa điểm nào.

9. Chấp nhận sự thay đổi, đặc biệt là công nghệ

Công nghệ có tốc độ thay đổi rất nhanh vì thế bạn đừng cố chống lại nó. Hãy luôn cởi mở với công nghệ mới và thường xuyên kiểm tra thông tin về những gì sắp xảy ra. Thái độ của bạn có thể là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách các nhân viên nhìn nhận bạn, đặc biệt là các nhân viên thuộc thế hệ Millennial (hay còn gọi là thế hệ Y, khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000).

10. Truyền cảm hứng cho đội của mình

Là một quản lý hoặc lãnh đạo, bạn hãy để nhân viên hiểu rằng không có việc gì là quá nhỏ hoặc quá lớn đối với bạn. Từ việc giúp thu dọn gian hàng sau một triển lãm thương mại đến thuyết trình dự án quan trọng, bạn hãy làm tất cả những việc đó và nói với nhân viên rằng họ cũng có thể làm được.