Thành công đòi hỏi phải tư duy. Bạn phải lên được kế hoạch của cuộc đời, lấy mục tiêu và ước muốn đó làm trung tâm. Nhưng trước khi có sự bứt phá ngoạn mục, bạn nhất định phải loại bỏ một số thói quen xấu để luôn ở trong tư thế sẵn sàng khi cơ hội đến.

Dưới đây là 12 thói quen mà ông Renzo Costarella, một doanh nhân thành đạt ở Thung lũng Silicon (Silicon Valley) khuyên bạn cần loại bỏ khỏi cuộc sống càng sớm càng tốt. Vứt bỏ những thói quen này không chỉ giúp bạn thành công trong kinh doanh, mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian, có thể quan tâm nhiều hơn tới bạn bè và gia đình, về lâu về dài, nó sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn.

1. Đừng sớm thỏa mãn, đều bước vươn tới đỉnh cao

Bất cứ thứ gì đáng để làm trên đời thì đều đáng được nỗ lực hết sức để làm. Khi muốn theo đuổi mục tiêu của bạn thì đừng dừng lại khi bạn mới đạt được ở mức tối thiểu. Hãy tiếp tục cho đến khi bạn đã vượt qua những mục tiêu cơ bản, và sau đó tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Khi bạn nhận thức được điểm này và thực hành nó đúng quy cách, thì người duy nhất có thể ngăn cản bạn bước đến thành công chính là bạn.

Nếu bản thân mỗi người luôn đặt ra mục tiêu cho mình và nỗ lực thực hiện, thì có lẽ thành công sẽ luôn mỉm cười. Có tham vọng thật tuyệt vời, nhưng nếu bạn liên tục vấp ngã, nó có thể làm mất tinh thần và giết chết động lực của bạn.

2. Thôi dàn trải, hãy làm từng việc một

sự tập trung
(Ảnh: Shutterstock)

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 98% chúng ta không thể cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ. Thông thường, những người tin rằng họ có thể đa nhiệm thực tế có khi lại là yếu điểm tồi tệ nhất. Các nhà khoa học Stanford cho hay nhân viên làm nhiều nhiệm vụ thường gặp rắc rối khi phải sàng lọc ra rất nhiều thông tin không liên quan, phải tổ chức lại tư duy của họ và khi chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác.

Lần tiếp theo khi bạn đang cố gắng để có hiệu quả làm việc tốt, hãy thử tắt tất cả các ứng dụng đang mở (các tab) trên máy tính của bạn, ngoại trừ những tab liên quan đến công việc hiện tại. Tắt thông báo tin nhắn, email,… của bạn và dành 100% sự tập trung của đầu não vào công việc đó. Bạn sẽ thấy một sự gia tăng to lớn trong năng suất lao động của mình.

3. Bỏ thói quen kiểm tra các phương tiện truyền thông xã hội khi đang làm việc

Các phương tiện truyền thông xã hội tạo ra các “mê cung” liên kết, và những thứ đăng tải trên đó được thiết kế để giữ chân bạn ở đó. Bạn dễ dàng có thể bị ‘chìm’ vào nó lúc nào không hay. Khoảng thời gian đó khiến bạn hao tâm tổn sức, và nó không đóng góp gì cho thành công của bạn.

Bởi vậy, thay vì kiểm tra Instagram hay Facebook trong thời gian nghỉ ngơi, hãy đọc những tờ báo uy tín hoặc các kiến thức chuyên ngành để có thể nâng cao kiến thức và chuyên môn, hoặc có được điều gì đó thực sự có ý nghĩa trong cuộc trò chuyện tiếp theo.

4. Chấm dứt việc so sánh mình với bất cứ ai

So bì sẽ không bao giờ kết thúc có hậu. Hãy nhìn thực tế là sẽ luôn có ai đó trong xã hội thông minh hơn, giàu có hơn, thành công hơn, và đẹp hơn bạn. Mãi hướng ngoại, so sánh bản thân với họ sẽ làm bạn phân tâm, trong khi điều quan trọng là bạn cần tập trung vào bản thân. Hãy suy xét mọi thứ như thể thế gian này chỉ có mình bạn. Quan trọng nhất là tập trung vào để đạt được các mục tiêu ngắn hạn và thành công sẽ đến dồn dập.

5. Đừng lãng phí thời gian cho những người chỉ mang lại cho bạn điều tiêu cực

Những trận cãi vã hoặc làm hỏng tình bạn là điều không nên. Vì vậy, không phải lúc nào bạn cũng cần dành thời gian của mình cho những người chỉ mang lại tiêu cực cho cuộc sống của bạn. Hãy hạn chế số lần chạm trán với họ, bởi một ảnh hưởng tiêu cực có thể khiến bạn mất tập trung vào những gì thực sự quan trọng.

tranh cai 1
(Ảnh: Shutterstock)

6. Không bao biện

Nếu bạn muốn gì đó, hãy bắt tay làm nó ngay lập tức. Đừng đưa ra những lời bao biện. Những lý do đưa ra để biện minh cho hạn chế sẽ là một chướng ngại khiến ý tưởng của bạn không thể trở thành hiện thực. Đừng trở thành nạn nhân của chính mình, bạn sẽ không bao giờ thành công.

7. Đừng trở thành một người cầu toàn

Hãy là một người thực tế. Đừng lãng phí thêm năm giờ làm phông chữ và phối màu một cách quá tiểu tiết cho một bản thuyết trình mà những điều đó lại quá nhỏ nhặt đến mức chỉ bạn mới nhận thấy. Đây là điều thuộc về quản lý thời gian. Hãy chú trọng đến hiệu quả và… hiệu quả. Đừng trì hoãn bằng cách bị cuốn theo các chi tiết nhỏ không quan trọng trong thời gian dài (hoặc ngay cả trong thời gian ngắn).

8. Thôi phàn nàn

Nói thì nghe có vẻ đơn giản. Nếu bạn suy nghĩ tích cực và nói những lời tích cực, điều tích cực sẽ đến với bạn. Hãy luôn lạc quan. Mức độ lạc quan và bi quan có tương quan trực tiếp với sự vững mạnh tổng thể. Luôn để nụ cười thường trực trên môi, đừng cau mày, nhăn nhó.

9. Chấm dứt ngay suy nghĩ mọi thứ đều là lỗi của bạn

Đừng để sự tức giận của ông chủ thiêu rụi bạn, hay canh cánh trong lòng suy nghĩ về việc ai đó chê cà vạt của bạn không đẹp,… Họ có vấn đề riêng của họ, và đó là những gì họ nghĩ, chứ không phải bạn!

Bạn sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi ngưng giả định rằng tất cả những lời nói đó là nhắm vào con người bạn.

10. Đừng mang thêm gánh nặng trên lưng

Nguyên nhân, tác hại và cách đánh bại sự căng thẳng
(Ảnh: Pixabay)

Chắc chắn bạn phải có trách nhiệm với những gì mình làm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn cần đảm nhận mọi thách thức và từng thời từng khắc nhìn chằm chằm vào nhân viên của mình. Hãy học cách ủy thác/ủy quyền. Câu hỏi bạn nên tự hỏi mình không phải là “làm thế nào tôi có thể làm được điều này”, mà phải là “làm thế nào để giao xuống cho người quản lý cấp dưới một cách hiệu quả nhất có thể”. Điều bạn cần là kết quả “đủ tốt”.

11. Ngừng ưu tiên hàng đầu cho các cuộc họp

Mark Cuban từng nói: “Đừng bao giờ họp hành trừ phi ai đó viết cho bạn một tấm séc”. Các cuộc họp thường bắt đầu muộn, diễn ra quá lâu và nhiều khi không hiệu quả. Chúng là những kẻ giết thời gian. Tốt hơn hết là trong ngày, bạn giữ liên lạc với những người có trách nhiệm xử lý công việc.

Renzo Costarella cho hay ông luôn yêu cầu một chương trình nghị sự chi tiết khi được đề nghị tham gia một cuộc họp. Nếu không thấy có thể đạt được giá trị nào rõ ràng thì ông sẽ không lãng phí thời gian của mình. Ông luôn sẵn lòng nói “Không”.

12. Dừng liệt kê việc cần làm

Hãy sắp xếp những việc cần làm một cách khoa học thay vì liệt kê một danh sách dài. Công việc của bạn nên được tích hợp vào một bảng thời gian để nâng cao hiệu quả. Dành thời gian cần thiết lên kế hoạch, và sau đó triển khai theo nó.

Sống và tuân theo các quy tắc này bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ ràng chỉ trong vài tuần. Vào cuối mỗi ngày, hãy ngồi và suy ngẫm về những gì bạn đã làm đúng và những gì bạn có thể làm tốt hơn vào ngày mai. Quan trọng nhất là hãy mường tượng sự thành công; và thành công sẽ đến.

Theo Entrepreneur
Tác giả: Doanh nhân Renzo Costarella
Thanh Ngân

Xem thêm: