Cậu bé Mỹ 11 tuổi tái chế hàng triệu chiếc vỏ lon, chai nhựa
- Minh Ngọc
- •
10 năm trước có một cậu bé cùng bố đi bán những chiếc vỏ lon nước cho một trung tâm tái chế ở địa phương, sau này việc nhặt những chiếc vỏ lon đã trở thành sứ mạng giữ môi trường xanh sạch đẹp của cậu, đồng thời cậu còn khích lệ mọi người thực hiện việc tái chế rác thải.
Vào năm 2012, cậu bé Ryan Hickman sống ở thành phố San Juan Capistrano thuộc bang California khi đó chỉ mới 3 tuổi rưỡi nên cậu nghĩ rằng việc tái chế rác rất vui, nhưng không ngờ rằng sau này cậu lại thành lập một công ty tái chế rác thải ở địa phương.
Ngày hôm sau khi trở về từ trung tâm tái chế rác, Ryan nói với bố mẹ rằng mình muốn tặng túi ni-lon cho những người hàng xóm để họ đựng rác thải tái chế rồi trả lại cho cậu.
Chẳng bao lâu sau, không chỉ hàng xóm mà cả bạn bè, người thân đều mang những chiếc vỏ lon và chai đến cho cậu bé và “Công ty tái chế của Ryan” đã khởi đầu như thế.
Khi trả lời phỏng vấn với tạp chí Shoutout LA, cậu bé Ryan cho biết: “Bố đã làm cho em rất nhiều chiếc tem và danh thiếp công ty, em đã bắt đầu phát chúng cho các khách hàng tiềm năng.”
Tháng 12/2016, câu chuyện tái chế rác của cậu bé Ryan đã được chia sẻ khắp thế giới và thu hút được sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu cũng như xuất hiện trên rất nhiều những chương trình talkshow nổi tiếng thế giới.
Trong những năm gần đây, cậu bé Ryan đã giành được nhiều giải thưởng danh dự như “Giải kỳ tích thanh niên” của đài CNN năm 2017, lọt vào danh sách “15 đứa trẻ thay đổi thế giới” của trang MSN năm 2018 và có tên trong danh sách “Những đứa trẻ hàng đầu thay đổi thế giới trong vòng 10 năm” của tạp chí Reader’s Digest năm 2020.
Đối với Ryan thì “sự nổi tiếng” đã giúp em tiếp xúc được với nhiều người hơn. “Điều này rất có ích cho công ty của em, em thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại từ họ.”
Ryan chia sẻ rằng bản thân mình rất may mắn vì mỗi tuần bố Damion đều sẽ lái xe đến hạt Orange của California để gặp khách hàng và mang về những chiếc vỏ chai và lon vốn dĩ đã nằm trong bãi rác suốt mấy chục năm. Mục tiêu chính của Ryan là ngăn chặn những chiếc vỏ chai và lon này đổ ra biển gây nguy hại cho môi trường.
Hiện nay, Ryan đã tái chế được 1.160.574 chiếc vỏ chai và lon cũng như quyên góp 12.373 đô la cho Trung tâm động vật có vú biển Thái Bình Dương. Cơ quan này là trung tâm cứu trợ và chăm sóc động vật biển thuộc bãi biển Laguna. Số tiền kiếm được từ việc bán những chiếc áo thun “đặc biệt” này được Ryan quyên góp để cứu sư tử biển, những chiếc áo này dùng để tuyên truyền cho ý thức tái chế rác thải.
Ryan cho hay: “Tuy công việc khá vất vả, nhưng rất xứng đáng.”
Câu chuyện về cậu bé Ryan đã thu hút sự chú ý của người sáng lập công ty Sambazon, đây là thương hiệu sản xuất quả acai hữu cơ đông lạnh. Người sáng lập công ty này muốn giúp đỡ Ryan.
Vào tháng 9 vừa qua, công ty Sambazon đã tặng 93.000 chiếc vỏ lon nước tăng lực Amazon để giúp Ryan vượt qua cột mốc tái chế 1 triệu chiếc vỏ chai và lon. Nhưng Ryan nói rằng cậu không có ý định giảm tốc độ tái chế.
Ngoài việc tái chế, Ryan thường đi diễn thuyết và thực hiện các hoạt động giáo dục về tái chế trong trường học và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về việc tái chế.
Ngoài ra, Ryan còn tổ chức các hoạt động vệ sinh cộng đồng và hợp tác với các cơ quan tái chế cũng như cứu hộ sinh vật biển khác để cải thiện môi trường.
Ryan cũng bắt đầu dọn dẹp bãi biển hàng tuần: “Việc này không phải để kiếm tiền, nhưng sẽ giúp giữ cho bãi biển sạch sẽ và em chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ mỗi tuần.”
“Em muốn thế giới biết rằng ai cũng có thể thay đổi môi trường cộng đồng mà không nhất thiết phải đầu tư hết tâm huyết giống như em. Mỗi sản phẩm tái chế đều có thể tạo ra sự khác biệt.”
Minh Ngọc (Theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa cậu bé trẻ em bảo vệ môi trường tái chế Tái chế rác