Không ai thích sự nhàm chán nhưng nó lại có thể là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Các chuyên gia cho rằng nhàm chán là động lực cần thiết để thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra những điều thú vị trong cuộc sống, đặc biệt là với trẻ em. Ngược lại, việc tốn thời gian cho các thiết bị điện tử có thể gây ra nhiều tác hại hơn chúng ta tưởng tượng.

su nham chan 1 1
Sự nhàm chán có mặt tích cực có thể đem đến những trải nghiệm phong phú. (Ảnh: Skolova/ Shutterstock)

Lợi ích của sự nhàm chán

Khi cảm thấy nhàm chán, chúng ta thường muốn tìm điều gì đó thú vị để làm. Như vậy, sự nhàm chán có thể được coi như là một “thử thách” giúp trẻ em tự tạo niềm vui, là “nền tảng” để sáng tạo ra những ý tưởng hay ho.

Vì khi buồn chán, chúng ta thường hay có xu hướng “thả hồn đi lang thang” nên khả năng tưởng tượng và sáng tạo sẽ phong phú hơn. Với “liều lượng vừa phải”, sự buồn chán có thể là tác nhân thúc đẩy hành động.

Thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề và khả năng tự phục hồi

Cho phép trẻ nhỏ trải nghiệm sự nhàm chán để đặt chúng vào tình huống cần phải phát huy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng để vượt qua nó. Theo Sandi Mann, giáo sư tâm lý học tại Đại học Central Lancashire ở Anh, sự buồn chán là “động lực hình thành các kỹ năng sống cơ bản”.

Tìm cách vượt qua sự nhàm chán bằng ý chí, trẻ nhỏ sẽ cảm thấy tự hài lòng với bản thân và trưởng thành hơn nhờ việc tự đối mặt với các vấn đề của mình. Giải quyết vấn đề một cách độc lập là cách giúp trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng khả năng tự chủ, lòng tự trọng và sự tự tin.

Hơn nữa, khả năng tự phục hồi để vượt qua những tình huống khó khăn trong cuộc sống cũng được phát triển thông qua việc tự giải quyết vấn đề.

Thúc đẩy sức khỏe tinh thần và hòa nhập xã hội

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Dự phòng Quốc tế cho thấy việc đối mặt và đối phó với sự nhàm chán có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần, thậm chí giúp ngăn ngừa trầm cảm và lo lắng.

Trong nhiều trường hợp, sự nhàm chán là chất xúc tác tuyệt vời để gắn kết trẻ em lại với nhau. Tương tác với bạn bè trong các trò chơi và các hoạt động khác sẽ củng cố khả năng giao tiếp và xây dựng các kỹ năng xã hội và tình bạn lâu dài.

su nham chan 2
(Ảnh: Ulza/ Shutterstock)

Những cạm bẫy của mạng xã hội

Trong thời đại thông tin kỹ thuật số, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều có quyền truy cập vào các nội dung trực tuyến không giới hạn. Mặc dù có vẻ như là một giải pháp đơn giản để giải tỏa sự nhàm chán, nhưng việc lướt mạng xã hội trên điện thoại thông minh lại là một thói quen gây nghiện với những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn.

Vì luồng nội dung vô tận (chưa kể đến những nội dung kém lành mạnh) khiến trẻ em mất đi cảm giác nhàm chán – làm tổn hại đến trí tưởng tượng của chúng.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Xúc tiến Giáo dục và Sức khỏe cho thấy thanh thiếu niên nghiện mạng xã hội có xu hướng thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng tự phục hồi; trong khi một nghiên cứu nhi khoa được công bố trên Tạp chí Nhi khoa Ý vào năm 2019 cho thấy mạng xã hội và điện thoại thông minh có thể liên quan đến “kết quả học tập thấp, giảm khả năng tập trung và sáng tạo”.

Bản chất gây nghiện của mạng xã hội là nhờ khả năng tăng cường sản xuất dopamine. Tuy nhiên, loại hormone “cảm thấy dễ chịu” này có nhược điểm: Do cơ thể chúng ta không ngừng tìm kiếm sự cân bằng nội môi, mức cao luôn được cân bằng với mức thấp. Do đó, việc cung cấp dopamine ổn định có thể dễ dàng dẫn đến trầm cảm. Ngược lại, việc giải quyết vấn đề cho phép chúng ta trải qua những cảm giác từ thất vọng đến thành công, mang lại cảm giác hài lòng và mãn nguyện.

su nham chan 3
Là người lớn, chúng ta có thể làm gương tốt hơn cho con mình và khuyến khích chúng vui vẻ giải quyết sự nhàm chán. (Ảnh: Liderina/ Shutterstock)

Những hoạt động lành mạnh để vượt qua sự nhàm chán

Bước đầu tiên để giải cứu con cái chúng ta khỏi vực thẳm kỹ thuật số là chính chúng ta phải làm gương tốt. Hãy đặt điện thoại sang một bên và lôi kéo con bạn vào những cuộc trò chuyện và hoạt động. Cho chúng thấy rằng có nhiều cách khác để kích thích não bộ.

Sắp xếp các buổi vui chơi để khuyến khích trẻ hoạt động thể chất và tăng cường giao tiếp xã hội. Giao cho trẻ những nhiệm vụ mở để khuyến khích tư duy sáng tạo. Ngay cả công việc nhà cũng có thể mang lại cho trẻ cảm giác hài lòng đồng thời hình thành thói quen có trách nhiệm. Hãy thể hiện sự tin tưởng của bạn bằng cách cho trẻ thời gian và không gian để chúng tự tìm ra giải pháp.

Hãy nuôi dưỡng tình yêu dành cho những cuốn sách hay bằng cách đọc sách cùng con bạn. Hoạt động lành mạnh này mở ra vô số kênh để tìm tòi và khám phá. 

Bằng cách chấp nhận sự nhàm chán thay vì dán một miếng băng kỹ thuật số lên nó, chúng ta học cách tận hưởng cuộc sống – ngay cả khi đối mặt với những thử thách và thất bại. Khi học cách vượt qua khó khăn, chúng ta mới có thể trưởng thành về tâm trí và tinh thần.