Nếu bạn thường xuyên tức giận vì điều gì đó một cách mất kiểm soát. Vậy đã đến lúc bạn cần nắm giữ 10 quan điểm này để hạn chế cơn giận dữ trong tương lai. 

tuc gian 1
Nổi giận là bản năng, nhưng nó lại không giải quyết được vấn đề, nó sẽ làm hỏng mối quan hệ giữa các cá nhân, thậm chí còn có thể khiến bạn mất đi phúc đức quý giá. (Ảnh: Ollyy/ Shutterstock)

1. Nguyên nhân của sự tức giận

Điều khiến bạn tức giận không phải là những gì xảy ra trên thế giới, mà là suy nghĩ tiêu cực của bạn. Ngay cả khi gặp phải tình huống tiêu cực, cách bạn diễn giải sự việc mới là yếu tố quyết định cảm xúc của bạn.

“Bạn phải chịu trách nhiệm về sự tức giận của mình”, việc này sẽ vô cùng có lợi cho bạn, bởi nó trao cho bạn quyền kiểm soát và lựa chọn cảm xúc của mình. Ngược lại, nếu để cảm xúc lấn át, bạn sẽ bị điều khiển bởi những yếu tố bên ngoài, mà đa phần là chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Tất nhiên có những sự kiện thật sự có liên quan chặt chẽ với bạn, nhưng bản chất của nó đa phần đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

2. Hầu hết lúc nào, sự tức giận cũng không mang lại lợi ích

Tức giận không mang lại lợi ích gì cho cả bạn và người khác. Hơn nữa nó còn khiến bạn mất đi tính tự chủ trong hành động và bị kìm hãm trong sự thù địch, điều này thực sự là rất vô nghĩa. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bạn tập trung tìm kiếm các giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề! Hãy suy nghĩ xem cần làm những gì để cải thiện tình hình hoặc ít nhất là giảm nguy cơ gặp phải vấn đề tương tự trong tương lai. Cách này có thể làm giảm bớt một số cảm giác bất lực và thất vọng khi bạn cảm thấy mình không thể xử lý vấn đề một cách hiệu quả. 

Nếu tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát và không có giải pháp nào khiến bạn khó chịu, bực bội, thì việc ôm giữ tức giận chỉ khiến bạn thêm đau khổ. Vậy sao bạn không buông bỏ sự oán giận này đi? Hãy chuyển hướng suy nghĩ của bạn, hãy nghĩ đến những giây phút khiến bạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Khi ấy, bạn đang ở trong trạng thái bình tĩnh và vui vẻ. Bây giờ hãy tự hỏi rằng bản thân có sẵn sàng đánh đổi khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc đó để đổi lấy sự thất vọng và tức giận?

3. Tức giận là kết quả từ các suy nghĩ tiêu cực

Những suy nghĩ khiến bạn tức giận thường xuất phát từ những suy nghĩ sai lệch về bản chất của sự việc. Việc điều chỉnh các suy nghĩ tiêu cực này sẽ giúp bạn giảm thiểu sự tức giận.

tuc gian 2
Điều chỉnh những suy nghĩ sai lệch này sẽ giúp bạn giảm bớt sự tức giận. (Ảnh: Dmitry Demidovich/ Shutterstock)

4. Tức giận khi có cảm giác bất công

Nói một cách dễ hiểu, bạn tức giận vì cảm thấy ai đó đã hành động không công bằng hoặc có một điều gì đó không vừa ý đã xảy ra. Mức độ tức giận của bạn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự bất công mà bạn cảm nhận được.

5. Bạn sẽ không thể tức giận nếu có thể đứng từ góc độ của người khác

Khi bạn có thể học cách nhìn thế giới từ quan điểm của người khác, bạn sẽ thường thấy rằng hành động của họ dường như không hề bất công đối với bạn. Trong những trường hợp này, “sự bất công” chỉ là ảo tưởng trong tâm trí bạn, nó giống như một chiếc gông cùm đang giữ chặt tâm hồn của bạn. Nếu bạn sẵn sàng buông bỏ quan niệm về sự bất công này và nghĩ rằng: “Mọi người đều có cùng quan điểm về chân lý, công lý và sự công bằng với mình”, thì sự oán giận và thất vọng của bạn đối với một số người hoặc một số sự việc sẽ biến mất hoàn toàn.

6. Hành động trả thù thường phản tác dụng

Người ta thường không cảm thấy bản thân đáng bị trừng phạt. Vì vậy, hành động trả đũa của bạn sẽ không giúp cho các mối quan hệ của bạn đạt được bất kỳ mục tiêu tích cực nào. Sự tức giận của bạn sẽ chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn và cũng khiến cho hai bên thêm căng thẳng. Ngay cả khi bạn tạm thời đạt được lợi ích ngắn hạn từ phương pháp thao túng độc hại này, thì cuối cùng bạn cũng sẽ phải chịu đựng những oán giận và trả thù lâu dài từ những người bị bạn trả đũa. Không ai thích bị người khác kiểm soát hoặc ép buộc, đây là lý do tại sao việc khen thưởng tích cực thường sẽ hiệu quả hơn.

7. Sự tức giận là biến tướng của “cái tôi quá cao”

Bạn nổi giận khi người khác chỉ trích, không đồng ý với ý kiến của bạn hoặc không làm những việc theo yêu cầu của bạn, đó là vì bạn đang muốn bảo vệ lòng tự trọng của mình. Tuy nhiên, đây là một kiểu tức giận không đúng chỗ, bởi chỉ có những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc của bản thân mới có thể khiến bạn đánh mất lòng tự trọng. Khi bạn đổ lỗi cho người khác vì cảm thấy không được đánh giá cao, về cơ bản bạn đang tự lừa dối chính mình.

8. Thất vọng thường đến từ những hy vọng hão huyền

Thất vọng đến từ những kỳ vọng không được đáp ứng. Bởi vì việc làm bạn thất vọng là một phần của “thực tế” và sự thất vọng của bạn đều xuất phát từ những kỳ vọng phi thực tế.

Tất nhiên, bạn có thể thử cố gắng thay đổi thực tế để làm cho nó phù hợp hơn với kỳ vọng của bạn, nhưng điều này có thể không phải lúc nào cũng hiệu quả, đặc biệt nếu kỳ vọng của bạn khác với quan điểm của người khác về cách nhìn nhận con người. Giải pháp đơn giản nhất là thay đổi những kỳ vọng của bạn. Dưới đây là một số kỳ vọng phi thực tế có thể khiến bạn thất vọng:

– Muốn có và phải có: Tình yêu, hạnh phúc, sự thăng tiến, sự giàu có…

– Chỉ cần làm việc chăm chỉ, nổ lực hết mình thì nhất định sẽ thành công.

– Những người khác nên cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn của bạn và chấp nhận quan niệm “công bằng” của bạn. 

– Bạn có thể giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng và dễ dàng.

– Nếu bạn là người vợ tốt thì chồng sẽ yêu thương tôn trọng bạn.

– Mọi người nên suy nghĩ và hành động theo cách bạn làm.

– Nếu đối xử tốt với người khác thì họ cũng nên đáp lại bằng cách đối xử tốt với mình.

9. Bạn là người quyết định sự tồn tại của tức giận

Bạn có quyền tức giận, nhưng đó chỉ là hành vi trẻ con bực bội. Việc tức giận sẽ có thể xảy ra nhưng bạn hãy tự hỏi: “Tức giận có mang lại lợi ích gì cho mình không? Sự tức giận này có khiến mình hay thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn không?”

10. Thoát khỏi tức giận để trở thành người “tự do”

Bạn không cần phải tức giận để chứng tỏ mình là con người có cảm xúc, đừng nghĩ rằng không tức giận nghĩa là bạn sẽ trở thành một con robot vô cảm. Ngược lại, khi thoát khỏi cơn tức giận đang gặm nhấm tâm hồn một cách đau đớn, bạn sẽ cảm thấy như được tái sinh lại một lần mới, được giải phóng, được tự tại và được truyền cảm hứng.

Theo Vương Hiểu Minh, Epochtimes

Trúc Nhi biên dịch