Nếu muốn tuổi già được sống thảnh thơi, khi đến tuổi trung niên, dù nghèo hay giàu cũng chớ quên lưu lại “4 đường lui” cho bản thân.

tuổi trung niên
Khi bước vào tuổi trung niên, chúng ta đã cách tuổi lão niên không xa. Lúc này con người đều phải đối mặt với vấn đề “dưỡng già” rất hiện thực. (Ảnh: Lallanan/ Shutterstock)

Khổng Tử từng nói: “Tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi thuận nhĩ”, nghĩa là 40 tuổi không còn điều nghi hoặc, 50 tuổi biết thiên mệnh, 60 tuổi nghe điều gì cũng thấy thuận tai, để hình dung về những người trung niên và người cao tuổi.

Khi bước vào tuổi trung niên, chúng ta đã cách tuổi lão niên không xa. Lúc này con người đều phải đối mặt với vấn đề “dưỡng già” rất hiện thực. Chuẩn bị trước “4 đường lui” sẽ giúp cuộc sống khi về già hạnh phúc hơn.

1. Chỉ kết giao với “những người bạn hữu ích”

Khi đến tuổi trung niên, trải qua bao thăng trầm của xã hội, con người cũng trở nên sáng suốt hơn, có khả năng phân biệt được “bạn tốt” “bạn xấu”, nhìn thấu được bản chất con người và hiện thực.

Kết giao với nhiều bạn bè chi bằng giữ khoảng cách với những người bạn xấu. Những người bạn chân thành mới có thể cùng nhau đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống.

Một số người sẽ xuất hiện xung quanh chúng ta chỉ để đạt “lợi ích” mà họ mong muốn. Khi đối mặt với những người như vậy, nên hạn chế tiếp xúc, tránh để họ can thiệp vào cuộc sống của mình và mang đến “tai họa” trong tương lai.

Chỉ khi phân biệt được lòng người thiện ác, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống hạnh phúc hơn.

2. Học cách sống bình lặng

Có câu, làm người không bình lặng, mọi thứ sẽ tiêu tan; làm người nếu tĩnh lặng, vạn sự ắt sẽ thành.

Khi còn trẻ, con người đều tràn đầy nhiệt huyết và mong muốn đạt được những điều lớn lao. Cuộc sống hiện tại tất bật, bận rộn thường khiến chúng ta mất đi sự kiên nhẫn, mà “sống vội”, “sống gấp”, không thể tĩnh tâm tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống.

Có câu: “Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức”, nghĩa là sống tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dưỡng đức. Khi bước vào tuổi trung niên, con người nên học cách sống “tĩnh tại”. Bởi “tĩnh tại” không chỉ giúp trau dồi nhân cách đạo đức, mà trí tuệ cũng được sinh ra từ đó.

Những lúc thanh nhàn, chúng ta cũng có thể thử pha một ấm trà ngon, đọc một cuốn sách hay, nghe những bản nhạc yêu thích, hay cảm nhận sự “tĩnh lặng” và hương sắc của cuộc sống, để điều chỉnh tâm thái của bản thân.

Bằng cách này, chúng ta sẽ có được tâm thái an nhiên, nhờ vậy cuộc sống cũng trở nên khoáng đạt hơn.

3. Học cách tiết kiệm tiền dưỡng già

So với việc kiếm tiền, biết cách “tiết kiệm tiền” có thể giúp một người có thể ổn định cuộc sống hơn. Người có tầm nhìn càng rộng thì càng biết “lo xa”. Họ không chỉ nghĩ về cuộc sống hiện tại, mà là cả phần đời về sau.

Trước tình trạng kinh tế suy thoái và áp lực cuộc sống cao như hiện nay, cuộc khủng hoảng lương hưu rất nghiêm trọng, khó có thể trông chờ con cái phụng dưỡng lúc tuổi già như ngày xưa.

Vì vậy, dẫu thế nào cũng phải tiết kiệm một khoản tiền phòng thân, và lên kế hoạch cho cuộc sống sau này, để không phải nhìn sắc mặt của con cái lúc về già.

4. Giữ gìn sức khỏe

Tục ngữ có câu: “Bệnh lâu năm không có con hiếu thảo, nhà nghèo khó không có được vợ hiền”. Đối với những người lớn tuổi, chỉ cần ốm đau là có thể cảm nhận rõ ràng những “ấm lạnh” trong lòng người.

Khi đến tuổi trung niên, công việc của con người thường đã ổn định. Dù ở chức vụ nào cũng phải học cách hài lòng, tránh lao tâm lao lực vì những buổi ăn uống tiệc tùng xã giao. Bởi một người dù giàu có đến đâu mà không có sức khỏe, bệnh tật đầy mình thì mọi chuyện cũng đều chỉ là lời nói suông.

Người có tầm nhìn xa cần “chuẩn bị áo mưa khi trời đang nắng” và lo liệu dần cho cuộc sống tương lai. Bằng cách này, dẫu bất kể điều gì xảy ra trong cuộc sống tương lai, chúng ta cũng đều có thể dễ dàng đương đầu với nó. Chừa lại cho bản thân những “đường lui” tốt nhất, thì cả đời mới được an yên.