Đầu năm mới, mọi người đều hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn và tài lộc. Trong giới chuyên gia Phong thủy có đề cập đến “phương pháp kết nối với thiên tâm” để cầu sự may mắn. Ngoài việc “du Xuân” trong ngày đầu tiên của năm, thì một số điều cần làm từ đêm giao thừa đến mùng 5 Tết dưới đây cũng được xem như là những bước khởi đầu quan trọng để có một năm mới đầy may mắn và phước lành.

dem giao thua 4 1
Những điều bạn cần làm từ đêm giao thừa đến mùng 5 Tết để gặp nhiều may mắn, tài lộc. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Đêm giao thừa được gọi là “Trừ tịch”, “Trừ” tức trừ bỏ, “tịch” chỉ ban đêm. “Trừ tịch” là đêm “tuế trừ”, cũng gọi là “đại niên dạ” (đêm giao thừa), “trừ tịch dạ” (đêm trừ tịch)… là đêm cuối cùng của năm. Ngày cuối cùng của năm được gọi là “tuế trừ”, ý nghĩa là năm cũ đến đây là trừ bỏ, đổi sang năm mới.

Đón giao thừa đối với các dân tộc nói chung và người Việt Nam nói riêng là thời khắc đặc biệt thiêng liêng. Vào lúc này, mọi gia đình sẽ thắp hương để cúng Thần linh và tổ tiên. Các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để chào đón sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong lòng mỗi người đều hy vọng và cầu chúc cho chính mình và gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, bình an và may mắn.

Những điều nên làm từ đêm giao thừa cho đến mùng 5 Tết

Cúng giao thừa

Cúng giao thừa là một nghi lễ quan trọng vào dịp Tết Nguyên đán trong mỗi gia đình Việt. Mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ cúng tươm tất cho đêm giao thừa. Mỗi vùng miền, địa phương, gia đình sẽ có cách bày trí, cúng lễ vật khác nhau.

Theo văn hóa truyền thống, vào đúng giờ Canh Tý (từ 23h đêm ngày cuối năm âm lịch đến 1h sáng ngày mùng Một), các gia đình sẽ cúng giao thừa tại hai nơi là: cúng Thần linh ngoài trời và cúng gia tiên ở trong nhà.

dem giao thua 5
Theo phong tục của dân tộc Việt Nam từ cổ xưa, bàn cúng Giao thừa được chia làm 2 mâm, mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Đón mời Thần Tài vào lúc nửa đêm giao thừa

Thời xưa, “Tam Nguyên” là tên hiệu cho người đỗ đầu cả ba kỳ là thi hương, thi hội, thi đình trong hệ thống thi cử Nho học. Về sau này người hiện đại coi “Tam nguyên” mang nghĩa là những điều tốt đẹp nối tiếp nhau và may mắn sẽ đến.

“Nguyên” cũng tượng trưng cho một sự khởi đầu tốt đẹp. Vào lúc 0 giờ đêm giao thừa chính là thời khắc của “tam khởi” bao gồm: Đầu năm, đầu tháng giêng và ngày đầu tiên. Đồng thời, Tam nguyên còn có nghĩa là tam quang (nhật, nguyệt, tinh), tức là Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao, đây cũng là thời điểm tốt lành để mang lại sự thịnh vượng. Vì vậy, trong lúc đón Thần tài, hãy dâng lên 3 đồng tiền, ngoài việc giúp cho gia đình hưng thịnh thì còn có thể tạo ra hình tượng cát tường nhân dịp đêm giao thừa.

Đây là hoạt động quan trọng nhất trong dịp năm mới, dù ở bất kỳ đâu, ở nhà hay ngoài đường, bạn cũng đừng quên nghi thức này. Vì nó có thể giúp đem lại những điều may mắn cho cả năm.

Ai không có nơi linh thiêng thì chỉ cần quay mặt về hướng Đông Bắc và thầm cầu nguyện. Lúc này, việc cúng Thần Tài trước miếu có thể mang lại tài lộc và sự nghiệp. Nếu trong nhà không có nơi thờ Thần, bạn có thể đến chùa hoặc chắp tay im lặng thờ cúng trước cửa hoặc trên ban công trước nhà và tốt nhất vẫn là quay mặt về hướng Đông Bắc, hãy chân thành cầu nguyện và chào đón Thần Tài vào nhà. Nếu có nhang thì hãy để vào nơi để tiền vàng trong nhà, hoặc lư hương trên bàn thờ Phật.

Làm ấm năm mới và nối tiếp thịnh vượng: Đèn nên được thắp sáng rực rỡ từ đêm giao thừa đến hết ngày mùng 5 âm lịch

Từ thời xa xưa, đèn luôn được thắp sáng rực rỡ để ngăn chuột ăn đồ ăn ngày Tết. Sau này người ta phát hiện ra rằng làm như vậy cũng có thể khiến cho gia đình gặp nhiều may mắn hơn. Từ đêm giao thừa đến hết mùng 5 Tết, đèn cần được thắp sáng khắp nhà cả ngày lẫn đêm, ngoài việc nhà sáng sủa sạch sẽ thì Thần Tài sẽ ghé thăm. Vậy nên nếu muốn mang lại sự thịnh vượng thì đừng tiết kiệm điện vào những ngày này. Còn sau mùng 5 Tết thì hãy thắp một bóng đèn với ý nghĩa “Ánh sáng thịnh vượng vĩnh cửu” ở lối ra vào và phòng khách.

dem giao thua 3
Để mang phúc khí cho gia trạch, bạn nên bật đèn sáng cả ngày trong đêm giao thừa đến mùng 5 Tết. (Ảnh: Sheila Say/ Shutterstock)

Đặt chổi ra bên ngoài ngay khoảnh khắc giao thừa

Một trong những phong tục truyền thống vào đêm giao thừa mà đến nay vẫn được nhiều gia đình thực hiện là bỏ chổi quét nhà ra bên ngoài ngay thời khắc giao thừa. Điều này nhằm xua đuổi những thứ xui xẻo và năng lượng xấu ra khỏi nhà.

Mặc áo quần mới, màu tươi sáng, rực rỡ

Mặc quần áo sáng màu vào đêm giao thừa để đem lại may mắn, tốt lành và tài lộc. Màu sắc tươi sáng tượng trưng cho sức sống, sự may mắn và điềm lành lớn lao vào đầu năm mới.
Diện một bộ trang phục mới vào những ngày đầu năm cũng giúp bạn tự tin hơn. Đồng thời mang lại tinh thần phấn chấn, thể hiện sự nhiệt huyết và không ngừng tiến bộ trong năm mới.

dem giao thua 1
Mọi người quan niệm rằng mặc quần áo mới tượng trưng cho những điều mới mẻ, may mắn hơn sẽ đến. (Ảnh: szefei/ Shutterstock)

Ngày mùng 4 âm lịch đón thần: Nhớ đốt “áo giáp và ngựa”

Ngày mùng 4 Tết là ngày chào đón các vị Thần trở lại trần gian để tiếp tục phán xét thiện ác tại trần gian. Tục ngữ có câu “Đưa Thần sớm, tiếp Thần muộn”. Vì vậy, thời gian rước thần phần lớn là vào buổi tối. Khi này nếu đốt giấy vàng thì cũng phải nhớ thêm “áo giáp và ngựa” để cho thần uy càng rõ ràng hơn.

Cần đổ rác vào ngày mùng 5 Tết

Ngày mùng 5 Tết thường được gọi là “Ngày tiễn bần”, cho nên hãy nhớ vứt rác tích lũy trong ngày Tết ra khỏi nhà. Theo truyền thống, mùng 5 Tết là ngày rước Thần Tài, vì vậy, mỗi gia đình đều bắt đầu rước Thần Tài từ rất sớm.

Những điều kiêng kỵ không nên làm vào đêm giao thừa

Bởi vì đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng nên dân gian xưa cũng có những kiêng kỵ nhất định. Kiêng kỵ đập vỡ đồ vật, bởi vì điều này đại biểu cho việc phá vận, rủi ro. Tránh quét nhà đổ rác, bởi vì cho rằng sẽ đổ đi may mắn. Thời xưa, vào đêm giao thừa, người ta thường ngồi quanh bếp lửa ăn cá. Khi ăn cá, để lại phần đầu và đuôi với ngụ ý là năm mới có đầy đủ, dư thừa…

Mâm cúng đêm giao thừa

Mâm cúng giao thừa không cần quá lớn nhưng cũng đừng quá sơ sài. Tùy vào sản vật, phong tục của mỗi vùng miền; hay điều kiện kinh tế của gia đình mà gia chủ thành tâm làm mâm cúng giao thừa chu đáo. Mâm cúng giao thừa cần có những lễ vật cần thiết như: gà; bánh chưng; xôi; mâm ngũ quả; hương – nhang; đèn – nến; rượu; trà; muối; gạo…

Tránh làm rơi, vỡ đồ

Tránh gây ồn ào, làm vỡ các vật dụng vào đêm giao thừa. Bởi vì việc làm vỡ đồ đạc sẽ làm hỏng đi sự giàu có và may mắn của bạn. Tương truyền, nếu không may làm vỡ một vật gì, thì nên bọc nó vào giấy đỏ, rồi thầm niệm câu “Năm mới bình an”, để trên bàn thờ Thần, chờ năm ngày rồi mới vứt đi.

dem giao thua 2
Không làm đổ vỡ các vật dụng trong gia đình để tránh mang lại điềm xấu cho năm mới. (Ảnh: Pixel-Shot/ Shutterstock)

Tránh soi gương

Tránh soi gương vào đêm 30 Tết vì người xưa tin rằng làm như vậy sẽ dễ nhìn thấy ma quỷ, gây hoảng loạn và không đem lại may mắn cho năm mới.

Tránh phơi đồ, đổ rác vào đêm giao thừa

Theo truyền thống, nhà nào cũng có phước. Nếu vẩy nước, quét nhà, đổ rác vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ xua đuổi Thần Tài, phú quý và may mắn cuốn đi. Vì vậy, bạn không nên vứt rác vào ngày này.

Phong tục ngày Tết đã được dân gian truyền từ xa xưa, thực hư không thể nào khảo cứu. Tuy nhiên, trong cuộc sống có rất nhiều điều “thà rằng tin là có, còn hơn không tin”. Vì vậy, bạn hãy thực hiện những điều cần làm và tránh những điều kiêng kỵ trên đây vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới để đón chào một năm an lành, vui vẻ nhé!

Tuệ Nhi t/h