Một nhóm các nhà khoa học công bố hôm 15/8, họ đã tái tạo được một đoạn trong một bài hát của Pink Floyd từ cách đọc các tín hiệu não của người từng nghe bản nhạc này, mặc dù đoạn tái tạo đó chỉ là “có thể nhận ra được” và “tậm tịt” tựa như được nghe dưới nước. Tờ New York Times đưa tin và bình luận rằng đột phá khoa học này có thể mở ra khả năng chế tạo “máy nói có giọng điệu” có thể nói thay cho những người bị hỏng bộ máy phát âm bằng cách tạo giọng nói giả trực tiếp từ cách nhận tín hiệu từ dây thần kinh, tức là không chỉ nói được nội dung kiểu như robot mà còn truyền đạt được nhịp độ và biểu cảm trong lời nói.

nghien cuu nao
(Nguồn: Gorodenkoff/ Shutterstock)

Theo báo cáo, trước hết các nhà khoa học phải đào tạo chương trình máy tính cách nhận dạng âm nhạc trong tín hiệu của hệ thống thần kinh.

Họ cũng nghiên cứu các bản ghi hoạt động não của 29 bệnh nhân động kinh của Trung tâm Y tế Albany, ở bang New York trong những năm 2009–2015.

Theo công bố, bài nhạc được tái tạo từ người đã từng nghe nó là bài “Another Brick in the Wall (Phần 1)”  năm 1979 của Pink Floyd.

“Bạn thực sự có thể lắng nghe bộ não và khôi phục bản nhạc mà người đó đã nghe,” theo Gerwin Schalk, nhà thần kinh học, người chỉ đạo một phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Thượng Hải và thu thập số liệu cho nghiên cứu này.

Là một phần trong quá trình điều trị bệnh động kinh, các bệnh nhân được cấy một mạng lưới các điện cực giống như móng tay vào não của họ. Điều này tạo ra một cơ hội hiếm có cho các nhà thần kinh học ghi lại hoạt động não bộ của họ khi họ nghe nhạc.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một điểm trong thùy thái dương của não phản ứng khi các tình nguyện viên nghe phần nhạc ghi-ta của bài hát. Họ đề xuất rằng khu vực đặc biệt này có thể liên quan đến nhận thức của chúng ta về nhịp điệu.

Nhóm đã chọn bài hát Pink Floyd một phần là bởi vì bệnh nhân lớn tuổi thích nó. “Nếu như họ [bệnh nhân] nói “Tôi không thể nghe thứ rác rưởi này,” thì số liệu sẽ rất tệ,” theo tiến sỹ Schalk.

Robert Knight, một nhà thần kinh học tại Đại học California, Berkeley, và là trưởng nhóm, đã yêu cầu một trong những nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của ông, Ludovic Bellier, cố gắng sử dụng bộ số liệu để tái tạo lại âm nhạc “vì anh ấy từng tham gia một ban nhạc.”

Bằng cách phân tích số liệu từ mọi bệnh nhân, Tiến sĩ Bellier đã xác định được phần nào của não sáng lên khi nghe bài hát và tần số mà các khu vực này phản ứng.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra một điều khiến âm nhạc khác với lời nói.

Khi những người tình nguyện tham gia nghiên cứu nghe một bài hát, bán cầu não phải của họ có xu hướng hoạt động nhiều hơn bán cầu não trái, trong khi điều ngược lại xảy ra khi mọi người nghe những lời nói đơn giản.

Phát hiện này giúp giải thích tại sao một số bệnh nhân đột quỵ không thể nói tốt nhưng lại có thể hát rõ ràng các câu.

Nhật Tân