Sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel cuối tuần trước, cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các mạng xã hội xử lý thông tin sai lệch và bạo lực trực tuyến liên quan, đặc biệt từ tài khoản các nhóm khủng bố.

shutterstock 2194565687
Các nền tảng truyền thông xã hội lớn như X (trước đây là Twitter), Facebook và TikTok gần đây đã được yêu cầu xóa nội dung kích động thù địch của các nhóm khủng bố (Ảnh minh họa: Primakov / Shutterstock)

X xóa hàng trăm tài khoản vi phạm

Giám đốc điều hành Linda Yaccarino của nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) ngày 12/10 tuyên bố, nhằm hạn chế “nội dung khủng bố” lan truyền trên Internet kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel cuối tuần trước, nền tảng xã hội này đã xóa “hàng trăm” tài khoản và hàng chục nghìn video đồ họa và văn bản có chứa ngôn từ căm thù liên quan đến tổ chức khủng bố Palestine

Theo tin từ đài truyền hình Mỹ CBS, động thái này chủ yếu nhằm đáp lại tối hậu thư 24 giờ do ông Thierry Breton là Ủy viên Thị trường Nội bộ của Ủy ban Châu Âu – một trong những cơ quan quản lý hàng đầu của EU – đưa ra cho ông chủ Elon Musk của X để tuân thủ các quy định mới về nội dung trực tuyến của EU, theo đó yêu cầu xử lý thông tin sai lệch trực tuyến liên quan xung đột Israel-Palestine.

Breton cho biết văn phòng của ông phát hiện “dấu hiệu” cho thấy có những nhóm đang truyền bá thông tin sai lệch và “khủng bố bạo lực” về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas trên nền tảng truyền thông xã hội X. Ông nói rằng một số hình ảnh chỉnh sửa được lưu hành rộng rãi, bao gồm việc sử dụng các hình ảnh cũ không liên quan đến cuộc xung đột vũ trang này hoặc cảnh quay quân sự bắt nguồn từ trò chơi điện tử, đó đều thông tin trắng trợn giả mạo hoặc gây hiểu lầm.

Trả lời email cảnh báo, bà Yaccarino phản hồi rằng cũng đang theo dõi các bài phát biểu bài Do Thái trên nền tảng này và đã trả lời hơn 80 yêu cầu xóa từ EU trong thời gian quy định: “Nền tảng mạng xã hội X không có chỗ cho các tổ chức khủng bố hoặc các nhóm cực đoan bạo lực”.

Hiện tại công ty đang phối hợp với các nền tảng truyền thông xã hội khác thông qua Diễn đàn toàn cầu về chống khủng bố trên Internet (GIFCT) để ngăn chặn lan truyền nội dung khủng bố trên Internet.

Trong bức thư ngỏ bà Yaccarino gửi ông Breton trên nền tảng X cho biết, họ hoan nghênh ông Breton và nhóm của mình tham gia sâu hơn, như tham dự các cuộc họp nhằm giải quyết bất kỳ mối quan ngại cụ thể nào, và mong muốn nhận được thêm thông tin chi tiết mà họ có thể phản hồi.

Tháng 8 năm nay, EU đã đưa ra quy định toàn diện mang tên Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), yêu cầu các công ty truyền thông xã hội có hơn 45 triệu người dùng phải tích cực hơn trong việc giám sát các nội dung bất hợp pháp, nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức phạt khổng lồ tương đương 6% tổng số doanh thu hàng năm của công ty.

Meta giám sát 24/24

Ngoài nền tảng X, CEO công ty mẹ Meta của Facebook là Mark Zuckerberg và CEO Shou Zi Chew của TikTok phiên bản ngoài Trung Quốc cũng đã nhận được những lá thư tương tự.

Bức thư kêu gọi các công ty “luôn cảnh giác” trong cuộc xung đột đang diễn ra và trước các cuộc bầu cử sắp tới ở nhiều nước châu Âu.

Người phát ngôn của Meta nói với giới truyền thông rằng công ty sau ngày 7/10 đã ngay lập tức thành lập “Trung tâm Điều hành Đặc biệt”, bố trí các chuyên gia thành thạo tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập để theo dõi chặt chẽ và ứng phó với diễn biến tiếp theo của tình trạng khẩn cấp này.

“Nhóm của chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để thực hiện hành động đối với nội dung vi phạm chính sách nền tảng hoặc luật pháp địa phương. Chúng tôi cũng làm việc với các bên xác minh dữ kiện bên thứ ba để hạn chế lan truyền thông tin sai lệch”, người phát ngôn của Meta cho hay.

Ngoài cảnh báo về nội dung liên quan xung đột Israel-Palestine, Ủy viên EU Breton lưu ý rằng gần đây cũng đã nhận được những báo cáo liên quan cuộc bầu cử ở Slovakia có các các nội dung bị thao túng và ‘deepfake’ trên nền tảng Meta. Ông yêu cầu Meta cung cấp thông tin chi tiết về cách giải quyết vấn đề ‘deepfake’. Ông cũng lưu ý nhiều cuộc bầu cử khác cũng sắp diễn ra như tại Ba Lan, Romania, Áo, Bỉ… Ông cho biết DSA cũng “rất nghiêm túc” trong vấn đề thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử.