Hôm 12/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận có công dân Trung Quốc thương vong trong đợt tấn công của phiến quân Hamas vào Israel hôm 7/10, với tổng số 3 người chết và 2 người mất tích. Hiện nay ở Trung Quốc Đại Lục đang có một trào lưu “bài Do Thái” kỳ lạ, nhiều ‘tiểu phấn hồng’ đã chế nhạo Israel tự chuốc vạ vào thân, khiến xã hội lo ngại.

W020230712757323128287 image image
Người phát ngôn BNG Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: BNG Trung Quốc)

Từ hôm phiến quân Hamas bất ngờ tấn công Israel (7/10), liên tục có thông tin cho rằng có người Trung Quốc tại Israel bị thương và thiệt mạng. Phía Hamas cũng tung tin trong số các con tin bắt về từ Israel có cả người Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chỉ tuyên bố “đang xác minh thông tin liên quan”.

Trước áp lực của dư luận, truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Thời báo Hoàn Cầu đã đặt câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 12/10: “Phát ngôn viên liệu có nắm rõ tình hình thương vong của công dân Trung Quốc không?”

Phát ngôn viên Uông Văn Bân cho biết, hiện đã xác nhận 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột Israel – Palestine, 2 người mất tích và một số người khác bị thương. “Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến các nạn nhân và gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình các nạn nhân và những người bị thương.” Ông Uông cũng cho biết, các cơ quan ngoại giao liên quan của Trung Quốc ở nước ngoài đang nỗ lực hết sức để phối hợp điều trị những người bị thương, làm tốt công việc khắc phục hậu quả, đồng thời kêu gọi các bên nước ngoài nỗ lực hết sức để tìm kiếm và giải cứu những người mất tích, thực hiện mọi biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người và tổ chức của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến danh tính chi tiết của các nạn nhân, cũng không đề cập đến cô gái lai Israel – Trung Quốc (Noa Argamani), người đã nhận được sự quan tâm và cảm thông lớn từ thế giới bên ngoài.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại Israel trước đó xác nhận ít nhất 3 người Trung Quốc bị bắn và 4 người khác mất tích, trong đó có nhân viên Công ty Xây dựng Bắc Kinh. Mặt khác, Noa Argamani, một nữ sinh viên đại học người Israel gốc Hoa sinh ra ở Bắc Kinh, bị Hamas bắt cóc và đưa đến Gaza. Trang tin Ifeng.com đã đăng đoạn video phỏng vấn bố của Noa vào ngày 10/10. Trong video, ông nghẹn ngào khóc và kêu gọi Hamas thả con tin.

Tuy nhiên cùng ngày, ông Uông Vân Bân vẫn nói đang tìm hiểu xác minh thông tin.

Điều đáng chú ý là mặc dù đến nay, Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thừa nhận có một số công dân Trung Quốc đã thiệt mạng, bị thương và mất tích, nhưng không trực tiếp nêu tên Hamas mà chỉ đề cập đến đợt tấn công mới nhất của xung đột Israel – Palestine.

Công dân Trung Quốc bị Hamas bắn chết, ĐCSTQ xử lý một cách im ắng

Trước đó, một nữ giáo viên Trung Quốc dạy tại một trường đại học Israel tiết lộ trong cuộc phỏng vấn rằng sau vụ tấn công, khi cô đến siêu thị mua đồ, một đồng nghiệp đã bảo cô quấn lá cờ năm sao để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, nam nhân viên họ Vương (Wang) thuộc Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh của Trung Quốc làm việc tại Israel cho biết, khi anh và đồng nghiệp bị quân Hamas tấn công, anh có nói với họ mình là người Trung Quốc rồi ngay lập tức giơ tay nằm xuống đất, nhưng anh vẫn bị bắn hai phát súng và bị thương.

Theo tin tức từ Phòng Thương mại Trung Quốc tại Israel hôm 10/10, 2 trong số 4 người Trung Quốc mất tích được xác nhận đã chết, 1 trong số đó là công nhân 35 tuổi họ Trâu (Zou) đến từ Giang Tô. Gia đình anh đã được thông báo về vụ việc và đang chờ tổ chức tang lễ cho anh. Về vấn đề này, phía chính quyền Trung Quốc không đưa ra hồi đáp.

Tính đến trưa ngày 11/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về xung đột Israel – Hamas. Reuters đưa tin, điều này đã thu hút sự chỉ trích từ các quan chức Mỹ và Israel. Một số nhà bình luận cho rằng thái độ “khiêm tốn” của Trung Quốc làm suy yếu tuyên bố của Bắc Kinh về việc mình là nhà hòa giải trung lập ở Trung Đông, và cho thấy những hạn chế trong tham vọng ngoại giao của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Theo báo cáo từ cả Palestine và Israel, số người chết trong vòng xung đột mới giữa Hamas và Israel đã tăng lên 2.400. Hiện tại có rất ít thông tin về nơi ở của các con tin, cũng không có danh sách đầy đủ, cũng không chắc những người này còn sống hay không, ngoài Israel, các con tin còn bao gồm công dân của các quốc gia khác. Ngày 12/10, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, danh tính của 97 con tin đã được xác định. Về phần Hamas, họ thường coi con tin là tài sản quý giá, hiếm khi công bố tình trạng, nơi ở của con tin và từ chối cho phép Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế xác nhận tình trạng của con tin.

Người phát ngôn của IDF Jonathan Conricus nói với CNN hôm 11/10 rằng số lượng lớn con tin bị Hamas bắt giữ có khả năng sẽ bị giữ dưới lòng đất. Đồng thời, có lý do để tin rằng trước khi lên kế hoạch tấn công và bắt giữ con tin, Hamas đã lên kế hoạch chọn địa điểm giấu con tin để tránh tình báo Israel. Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc hôm 9/10 xác nhận Hamas đã bắt 150 con tin sau khi đột kích miền nam Israel vào ngày 7/10.

Đài BBC đưa tin, Mỹ hiện đang cung cấp hỗ trợ tình báo và thậm chí có thể cung cấp hỗ trợ bằng lực lượng đặc biệt của chính họ. Nhưng Hamas đã chứng tỏ mình có khả năng tiến hành chiến tranh bất đối xứng. Hamas cũng khiến Israel mất cảnh giác vào ngày 7/10 bằng cách tránh để lại dấu vết kỹ thuật số trong thông tin liên lạc của mình và giữ những thông tin liên lạc này ở mức tối thiểu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các tay súng hiện đang giữ hơn 150 con tin ở xa hầu hết các thiết bị kỹ thuật số. Ông Michael Milstein, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách và Chiến lược thuộc Đại học Reichman ở Israel, thẳng thắn nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tình huống bắt giữ con tin khó khăn nhất mà Israel từng gặp phải”.

‘Tiểu phấn hồng’ phấn chấn, cuồng ngôn rằng Israel tự chuốc vạ vào thân

Vào thời điểm thế giới bên ngoài đang lên án mạnh mẽ Hamas và hết sức chú ý đến sự sống chết của các con tin, một số lượng lớn bài đăng ủng hộ hành động tàn bạo của Hamas và lên án Israel đã xuất hiện trên các nền tảng xã hội ở Trung Quốc Đại Lục như Weibo và WeChat.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, các tài khoản của Israel trên nền tảng xã hội tại Trung Quốc Đại Lục đã bị cư dân mạng bao vây. Bên dưới bài đăng trên mạng xã hội Weibo từ Lãnh sự quán Israel tại Quảng Châu liên quan đến các cuộc tấn công của Hamas, có một bình luận có số lượt thích cao nhất viết rằng “Đả đảo chủ nghĩa khủng bố Do Thái và chủ nghĩa phát xít mới của Israel.” Hiện tài khoản Weibo của Sứ quán Israel tại Trung Quốc đã đóng hoặc lọc khu vực bình luận dưới mỗi bài đăng.

Một số cư dân mạng thậm chí còn ca ngợi Hitler và tiếc nuối vì ông ta đã không thể loại bỏ hoàn toàn người Do Thái: “Lịch sử cuối cùng sẽ xóa bỏ những tội danh mà ‘tiểu hồ tử’ (ria mép) không nên gánh chịu, không chừng còn có thể tẩy trắng”. “Tiểu hồ tử” (có nghĩa là ria mép) là biệt danh mà cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục gọi Hitler.

Ngoài ra, các thuyết âm mưu về người Do Thái đã lan truyền trên Internet ở Trung Quốc Đại Lục, cho rằng người Do Thái bí mật kiểm soát chính trị và hoạt động kinh doanh của Mỹ, và thậm chí cả thế giới, thông qua các tổ chức như Hội Tam điểm (Freemasonry). Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng đưa tin về sự kiểm soát của người Do Thái đối với Mỹ. Ví dụ, Tuần báo Kinh tế Trung Quốc thuộc chủ quản của Nhân dân Nhật báo đã đưa tin vào năm 2012 rằng người Do Thái, chỉ chiếm khoảng 3% dân số Mỹ nhưng kiểm soát nhiều hơn hơn 70% tài sản ở Mỹ. Họ có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế, tài chính, chính trị, ngoại giao và là nhóm dân tộc thiểu số quyền lực nhất ở Mỹ.

Hồ Bình: Chính quyền Trung Quốc dẫn dắt dư luận làm mờ nhạt hậu quả các cuộc đột kích của Hamas

Về vấn đề này, ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự của ấn phẩm chính trị “Mùa xuân Bắc Kinh” (tại hải ngoại) nói với Đài Á Châu Tự do rằng ông tin sự hỗ trợ ngoại giao lâu dài của Chính phủ ĐCSTQ đối với Palestine đã hạn chế các “lựa chọn phe” của Bắc Kinh trong lần xung đột này. Phía chính quyền ĐCSTQ đã tránh nói vào vấn đề chính lần này, khi nói về số thương vong của công dân Trung Quốc cũng là xuất phát từ việc né tránh này, làm mờ nhạt tội ác do Hamas gây ra để tránh bất kỳ sự lên án nào đối với Palestine. “Vì việc đưa tin về vụ việc này sẽ khơi dậy sự lên án của người dân đối với hành động của Hamas, nên phương châm đã được thiết lập của Chính phủ ĐCSTQ là cố gắng tránh bất kỳ sự lên án nào đối với Palestine.”

Ông Hồ Bình cũng chỉ ra rằng hiện tại trên mạng internet ở Trung Quốc Đại Lục xuất hiện sự ủng hộ dành cho Hamas và thái độ thờ ơ đối với cô Noa Argamani, cũng không loại trừ khả năng chính quyền Trung Quốc đứng sau dẫn dắt dư luận.

Tuy nhiên, so với việc ĐCSTQ không sẵn sàng lên án Hamas và thái độ ‘ba phải’ của họ, Chính phủ Mỹ lại rất lo ngại về thương vong của công dân mình trong cuộc xung đột này. Theo CNN, Chính phủ Mỹ xác nhận số công dân Mỹ thiệt mạng do các cuộc đột kích của Hamas đã tăng lên 22 người và có thể tiếp tục tăng trong tương lai, vẫn còn 17 công dân Mỹ mất tích. Tổng thống Mỹ Biden hứa sẽ nỗ lực hết sức để giải cứu con tin.

Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Schumer, người gần đây đã đến thăm Trung Quốc, đã chỉ trích lập trường ban đầu của Trung Quốc trong việc không lên án Hamas trong cuộc xung đột vừa qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã cập nhật cách diễn đạt chính thức, có thêm câu “phản đối và lên án những hành động gây tổn hại đến dân thường”, nhưng vẫn không đề cập đến Hamas.