Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng siêu máy tính Fugaku có tốc độ nhanh nhất thế giới để mô phỏng cách mà virus corona lây lan giữa những người ngồi ăn gần nhau. Cuộc nghiên cứu này cho thấy việc sắp xếp chỗ ngồi và độ ẩm trong không khí sẽ ảnh hưởng đến sự lây lan của virus.

Virus Corona
Hình ảnh virus corona nhìn qua kính hiển vi. (Ảnh: Tushar Gatre/Shutterstock)

Fugaku là siêu máy tính được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Vật lý và Hóa học Nhật Bản (RIKEN) và công ty Fujitsu của Nhật. Viện nghiên cứu này và các chuyên gia đến từ trường đại học Kobe đã sử dụng Fugaku để mô phỏng cách mà virus corona lây lan giữa những người ngồi ăn cùng bàn với nhau.

Lần mô phỏng này cho thấy khi 1 trong số 4 người không đeo khẩu trang ngồi cùng nhau nói chuyện thì giọt bắn của người này sẽ phát tán đi xung quanh và đặc biệt là lượng giọt bắn sẽ bắn nhiều gấp 4 lần vào người đối diện.

Nếu so sánh thì người ngồi bên cạnh người mắc bệnh là có nguy cơ cao nhất. Khi người bị nhiễm nghiêng đầu sang để nói chuyện với người ngồi bên cạnh thì lượng giọt bắn về phía người này sẽ nhiều gấp 5 lần.

Ngoài vấn đề chỗ ngồi sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm ra, cuộc nghiên cứu này còn cho thấy rằng việc đeo khẩu trang trong lúc nói chuyện trước và sau bữa ăn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm.

Điểm chính thứ hai của cuộc nghiên cứu này là độ ẩm. Yếu tố này có sự ảnh hưởng rõ rệt đến mức độ lây lan của virus. Theo lần mô phỏng này của Fugaku, số lượng các hạt chất lỏng khí phân tán trong không khí có độ ẩm dưới 30% nhiều gấp 2 lần so với trong môi trường có độ ẩm trên 60%.

Hay nói cách khác, độ ẩm càng cao thì số lượng các hạt chất lỏng khí phân tán càng ít. Các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên rằng nên tăng độ ẩm trong nhà bằng máy phun hơi nước sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus.

Trước đây, các chuyên gia của Viện nghiên cứu RIKEN đã từng sử dụng siêu máy tính Fugaku để mô phỏng cách mà virus lây lan trên xe lửa, nơi làm việc và lớp học. Trong đó, kết quả mô phỏng đáng lưu ý nhất đó là việc thường xuyên mở cửa sổ của các toa tàu có thể tăng mức độ thông gió từ 2-3 lần, nhờ đó sẽ làm giảm nồng độ vi sinh vật trong không khí.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc

Xem thêm: