Tập đoàn dầu khí khổng lồ BP cho biết hôm thứ Hai (18/12) rằng họ sẽ đình chỉ mọi hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ do phiến quân Houthi của Yemen tăng cường tấn công các tàu thương mại. Giá dầu và khí tự nhiên do đó cũng tăng. Quyết định của BP là bằng chứng nữa cho thấy hoạt động thương mại qua tuyến đường thủy quan trọng này đang bị đình trệ.

dau khi BP
Logo dầu khí BP. (Ảnh: Shutterstock)

Đây cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất về tác động của cuộc chiến giữa Israel và Hamas đối với hoạt động vận tải năng lượng. Công ty Dầu khí Quốc gia Na Uy (Equinor) cho biết qua đêm hôm thứ Hai rằng họ đã chỉ thị cho “một số tàu chở dầu thô và khí hóa lỏng (LPG)” chuyển hướng khỏi Biển Đỏ.

BP cho biết trong một tuyên bố: “Trước tình hình an ninh vận tải biển ở Biển Đỏ ngày càng xấu đi, BP đã quyết định đình chỉ tất cả hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét việc đình chỉ mang tính phòng ngừa này căn cứ sự thay đổi tình hình trong khu vực này.”

Các nhà phân tích tin rằng các quyết định của BP và Equinor sẽ khiến các công ty khác làm theo. Theo Bloomberg, người phát ngôn của Equinor, bà Ellen Maria Skjelsbaek, cho biết trong email rằng Equinor đã chọn định tuyến lại các tàu trong khu vực nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định về các hoạt động tiếp theo.

Equinor cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và đang đối thoại với các chủ tàu vận chuyển hàng hóa cho công ty họ và “các công ty khác trong ngành”.

Kể từ khi chiến tranh giữa Israel và Hamas nổ ra, các cuộc không kích vào tàu thương mại của lực lượng Houthi, những người ủng hộ Hamas, trở nên thường xuyên hơn. Các phần tử vũ trang này tuyên bố các cuộc tấn công là để trả đũa các cuộc tấn công của Israel vào Gaza.

Đường vòng Châu Phi làm chậm trễ việc giao hàng

Vào ngày 15/12, Maersk, hãng vận tải container lớn thứ hai thế giới, thông báo rằng do các cuộc tấn công vào các tàu của họ, họ đã chỉ thị cho tất cả các tàu Maersk sắp đi qua eo biển Bab el-Mandeb tạm dừng ra khơi cho đến khi có thông báo mới. Eo biển Bab el-Mandeb là một tuyến đường thủy hẹp nối Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Bất kỳ con tàu nào sử dụng kênh đào Suez làm đường tắt giữa châu Á và châu Âu đều phải đi qua đây.

Hãng vận tải khổng lồ Hapag-Lloyd của Đức cũng tuyên bố cùng ngày rằng họ sẽ đình chỉ vận chuyển qua Biển Đỏ. Công ty cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã chỉ đạo một số tàu đi vòng tới miền nam châu Phi thay vì đi qua kênh đào Suez. Người phát ngôn của công ty cho biết việc này sẽ tiếp tục cho đến khi an ninh được khôi phục ở Kênh đào Suez và Biển Đỏ.

Ryan Petersen, người sáng lập công ty logistic (hậu cần) Flexport, cho biết trên mạng xã hội X rằng 46 tàu container đã được định tuyến lại quanh cực nam châu Phi thay vì đi qua Biển Đỏ và 78 tàu khác đang chờ chỉ dẫn.

Các tàu buôn tránh Biển Đỏ sẽ phải đi vòng quanh châu Phi, khiến hành trình của họ phải đi thêm hàng nghìn dặm và việc vận chuyển hàng hóa bị trì hoãn, điều này cũng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển. Mỹ và các đồng minh hiện đang xem xét liệu có nên mở rộng lực lượng đặc nhiệm hàng hải hiện có ở Biển Đỏ để bảo vệ các tàu thương mại hay không.

Giá sẽ tăng?

Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development), hơn 80% thương mại hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển. Quyết định hiện tại của ‘gã khổng lồ’ vận tải biển trong việc định tuyến lại các tàu buôn có nghĩa là họ không thể sử dụng Kênh đào Suez.

Ông Marco Forgione, Giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại Quốc tế (Institute of Export & International Trade), cho biết khoảng 12% thương mại toàn cầu phụ thuộc vào Kênh đào Suez và 5% vào Kênh đào Panama. Trong hai năm qua, Kênh đào Suez đã trở thành một tuyến đường chính cho thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu, được thúc đẩy bởi nhu cầu nhiên liệu của châu Âu là nguồn thay thế chính cho khí đốt qua đường ống của Nga. Nhưng năm nay Kênh đào Panama đã bị hạn hán nghiêm trọng trong khu vực và hoạt động vận chuyển qua kênh cũng bị ảnh hưởng. Hàng hóa vận chuyển đến châu Á cần phải đi những tuyến đường dài hơn, điều này khiến kênh đào Suez càng trở nên quan trọng hơn.

BP là một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích cảnh báo rằng quyết định của BP có thể gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa.

Giá dầu tăng hôm thứ Hai (18/12)sau khi BP tuyên bố tạm dừng vận chuyển ở Biển Đỏ. Tính đến 11:15 sáng theo giờ miền đông nước Mỹ, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng 2,7% lên 78,64 USD/thùng; giá dầu thô Mỹ tăng 2,8% lên 73,44 USD/thùng.

Tin tức cũng ảnh hưởng đến thị trường khí đốt tự nhiên. Giá nhiên liệu chuẩn của châu Âu tăng 7,7% lên hơn 35,75 euro (39,04 USD) mỗi megawatt giờ.

Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát trong đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp chuyển chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên cho người tiêu dùng.

Theo CNN, sự gián đoạn mới nhất có thể sẽ tấn công các công ty hàng tiêu dùng ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Ông Chris Rogers, giám đốc nghiên cứu chuỗi cung ứng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Mặc dù tình trạng gián đoạn vận chuyển hiện tại không xảy ra trong mùa vận chuyển cao điểm, nhưng hàng tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tác động lớn nhất”.

Ông Rico Luman, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng ING của Hà Lan, nói với CNN rằng còn quá sớm để biết liệu giá có tiếp tục tăng hay không, việc này phần lớn sẽ phụ thuộc vào thời gian gián đoạn kéo dài bao lâu.

Ông cho biết: “Một điểm khác biệt lớn so với thời kỳ đại dịch (COVID) là cân bằng cung cầu (hiện tại) lỏng lẻo hơn. Ngành vận tải container hiện đang dư thừa năng lực, điều này có thể ngăn giá cước một lần nữa tăng trở lại”.

Ông Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty hậu cần Freightos, đồng ý với quan điểm này. Ông cho biết các chủ hàng có thể dự kiến thời gian giao hàng lâu hơn do hành trình dài hơn, nhưng hoạt động kinh doanh có lẽ sẽ tiếp tục tốt.