Theo bảng xếp hạng chuỗi cung ứng pin lithium-ion toàn cầu do “Bloomberg New Energy Finance” (BNEF) công bố hôm thứ Hai (5/2), Canada vượt qua Trung Quốc vào năm 2023 và trở thành quốc gia có tiềm năng nhất thế giới để thiết lập nền tảng Lithium an toàn, đáng tin cậy và bền vững. 

r shutterstock 1290208480
Công nhân trên dây chuyền sản xuất lá đồng cho pin Lithium điện tử ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 19/1/2019 (Ảnh: humphery / Shutterstock)

BNEF, một tổ chức nghiên cứu tập trung vào thị trường hàng hóa và công nghệ carbon thấp, nhận thấy rằng nguồn nguyên liệu thô của Canada, có sự hội nhập mạnh mẽ với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, và các cam kết chính sách rõ ràng mang lại lợi thế cho Canada so với đối thủ.

Xếp hạng của BNEF dựa trên đánh giá của 30 quốc gia. BNEF đã xem xét 46 chỉ số riêng biệt để theo dõi tiềm năng của chuỗi cung ứng theo 5 hạng mục có trọng số bằng nhau: nguyên liệu thô, sản xuất pin, nhu cầu hạ nguồn, các yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) cũng như “công nghiệp, cơ sở hạ tầng và đổi mới”. Mỗi danh mục sau đó được xếp hạng và cuối cùng được kết hợp để đưa ra thứ hạng tổng thể.

Canada đứng đầu bảng xếp hạng tổng thể, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc mất vị trí dẫn đầu trong xếp hạng chuỗi cung ứng pin lithium toàn cầu.

Canada có lợi thế về nhiều mặt, chuỗi cung ứng Trung Quốc kém bền vững

Theo một tuyên bố do BNEF đưa ra, Canada không ngừng tiến bộ trong chế tạo và sản xuất, cũng như khả năng quản trị doanh nghiệp (ESG) mạnh mẽ, những điều này sẽ giúp nước này trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc định hình chuỗi cung ứng pin trong tương lai. Kết hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ có nghĩa là Canada cũng là nước thắng lớn trong sáng kiến friend-shoring (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu) trong “Đạo luật Giảm lạm phát” (Inflation Reduction Act) của Mỹ.

Ngoài ra, thứ hạng của Canada trong BNEF được thúc đẩy bởi các cam kết chính sách ở cấp tỉnh và liên bang. Các chính sách này nhằm mục đích thu hút các nhà máy sản xuất pin và các nhà cung cấp liên quan. BNEF nhấn mạnh các khoản đầu tư gần đây vào Canada của các công ty đa quốc gia lớn như Ford, Stellantis, Volkswagen, LG Energy Solutions và Umicore.

BNEF cho biết, mặc dù chuỗi cung ứng hiện có của Trung Quốc vẫn là chuỗi cung ứng mạnh nhất, nhưng “tầm quan trọng ngày càng tăng của tính bền vững trong toàn bộ vòng đời của pin lithium-ion có nghĩa là khu vực (Trung Quốc) phải thực hiện cách tiếp cận tích cực hơn để giải quyết các vấn đề ESG, để chuỗi cung ứng của họ có thể thu được lợi ích lâu dài.”

Tổ chức nghiên cứu này cũng nhận thấy uy tín của Trung Quốc đối với ESG rất yếu. Trong khi đó Canada nhìn chung mạnh hơn.

Ông Kwasi Ampofo, người đứng đầu bộ phận kim loại và khai thác mỏ tại BNEF, cho biết: “Đầu tư toàn cầu vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch, bao gồm các nhà máy sản xuất thiết bị và sản xuất pin kim loại, đã đạt kỷ lục mới 135 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, quan hệ thương mại sẽ là một yếu tố thú vị cần theo dõi vào năm 2024, bởi vì các nỗ lực chính sách đối ngoại của Mỹ và EU tiếp tục gây khó khăn cho các công ty quốc tế khi hoạt động tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc.”

Tờ Globe and Mail của Canada dẫn lời ông Ampofo nói rằng, từ năm 2023, biểu hiện của Canada tốt hơn Trung Quốc. Thứ hạng này phản ánh tiềm năng của Canada trong 6 đến 10 năm tới.

Ông nói thêm rằng, các chính sách của chính phủ, dù là về các khoáng sản quan trọng, thúc đẩy việc sử dụng xe điện tại địa phương hay thúc đẩy đổi mới hoặc trợ cấp, đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến thứ hạng tương đối của các quốc gia, “và đó chính là những gì chúng tôi đang thấy ở Canada”.

Chuỗi cung ứng Bắc Mỹ nhìn chung hoạt động tốt, tăng trưởng chuỗi cung ứng ở Ấn Độ và Indonesia thu hút sự chú ý

Nhìn chung, chuỗi cung ứng của Bắc Mỹ đang hoạt động tốt nhờ cam kết và thực thi chính sách mạnh mẽ, trong đó Canada và Mỹ chiếm hai trong số ba vị trí hàng đầu. Mexico là quốc gia duy nhất đạt được tiến bộ trong tất cả các hạng mục chuỗi cung ứng được BNEF đánh giá, tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng lên vị trí thứ 19.

BNEF cho biết Nam Á và Đông Nam Á cho thấy sự cải thiện lớn nhất so với năm ngoái, trong đó Ấn Độ và Indonesia dẫn đầu về tăng trưởng chuỗi cung ứng. Động lực trong khu vực dự kiến ​​sẽ tiếp tục khi các dự án đã công bố trước đó bắt đầu đi vào sản xuất trong năm nay, dẫn đến những điều chỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, tất cả các quốc gia châu Phi được xếp hạng, Nam Phi, Maroc và Cộng hòa Dân chủ Congo, đều đã cải thiện hoạt động thượng nguồn của mình. Nhận thức được những cơ hội tiềm ẩn trong trữ lượng khoáng sản khổng lồ của mình, các nước châu Phi đang hợp tác với các đối tác toàn cầu để mở rộng khai thác và triển khai các cơ sở sản xuất mới.