Khi Mỹ tìm cách chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và giảm thiểu phụ thuộc vào nước này, thì một quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á là Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng. Vào “thời điểm mấu chốt”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã định vị Việt Nam là “đối tác quan trọng”. Tại sao Việt Nam lại quan trọng đối với Mỹ? Bài phân tích chỉ ra có 5 lý do chính.

Biden in Vietnam
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự buổi lễ chào mừng cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ tịch của Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 10/9/2023. (Nguồn ảnh: SAUL LOEB/AFP qua Getty Images)

Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Biden tới Việt Nam, hai quốc gia từng có xung đột trong Chiến tranh Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện”, khiến mối quan hệ từng thù địch trở nên thân thiết hơn bao giờ hết.

CNN dẫn lời chuyên gia cho rằng bước đi mang tính biểu tượng nhưng rất quan trọng này sẽ củng cố lòng tin giữa hai nước. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm đồng minh ở châu Á để giải quyết căng thẳng chính trị với Trung Quốc.

Nhà Trắng cho biết ông Biden đã gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác để “thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lấy công nghệ làm trung tâm của Việt Nam”, đồng thời thảo luận các biện pháp cải thiện ổn định trong khu vực.

Tại sao Việt Nam là mắt xích quan trọng?

Trước hết, sau khi chấm dứt tình trạng thù địch ban đầu giữa Mỹ và Việt Nam, quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây không ngừng nóng lên và khối lượng thương mại tăng vọt. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy trong năm 2022 Mỹ nhập khẩu gần 127,5 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, so với 101,9 tỷ USD năm 2021 và 79,6 tỷ USD năm 2020. Năm 2022 Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, tăng hai bậc so với vị trí thứ 10 trước năm 2020.

Thứ hai, chi phí lao động thấp và cơ cấu dân số tốt là một trong những lợi thế rõ ràng của Việt Nam so với Trung Quốc. CNN dẫn lời chiến lược gia toàn cầu Michael Every của Rabobank cho rằng nhìn từ góc độ công nghiệp, nhiều năm qua Việt Nam không ngừng phát triển bùng nổ. Mức lương tương đối thấp và dân số trẻ mang lại cho Việt Nam một nguồn lực lao động vững chắc cùng nền tảng tiêu dùng, đó là lý do nguồn đầu tư vào Việt Nam tăng cường.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết dự kiến ​​vào cuối năm 2023, dân số Việt Nam sẽ vượt 100 triệu người. Việt Nam đang trong thời kỳ vàng về dân số với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Theo quy luật, thời kỳ vàng dân số là cơ hội “có một không hai” để phát triển kinh tế – xã hội, và cơ hội này [cho đến nay được biết] chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển của mỗi nước.

Ngược lại, Trung Quốc với tư cách là công xưởng sản xuất của thế giới đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số nghiêm trọng, tỷ lệ sinh thấp và tăng trưởng dân số âm.

Thứ ba, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt vấn đề khủng hoảng nhân khẩu mà tình trạng mất việc làm cũng có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt, theo đó nước láng giềng Việt Nam đã trở thành một trong những nước được hưởng lợi.

Một báo cáo năm 2022 của Rabobank ước tính có tới 28 triệu việc làm ở Trung Quốc phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu sang phương Tây, số việc làm đó có thể rời khỏi Trung Quốc do tình trạng “gói thầu bên bờ bằng hữu” (friend-shoring). Các nhà phân tích viết: Trong số đó khoảng 300.000 công việc dự kiến ​​sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Gói thầu bên bờ bằng hữu” là chính sách đối ngoại và thương mại do Mỹ thực hiện nhằm mục đích thúc giục các công ty rút khỏi các nước có căng thẳng địa chính trị với Mỹ, qua đó chuyển chuỗi cung ứng sang các nước mà Mỹ có thể tin tưởng. Chính sách này được thiết kế nhằm giúp Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến thăm Việt Nam, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Việt Nam và tăng cường đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Bà Yellen gọi Việt Nam là đối tác kinh tế thân thiết và là “đối tác quan trọng thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Yellen nói rõ rằng Việt Nam là đối tác trong sáng kiến ​​“gói thầu bên bờ bằng hữu” của chính quyền Tổng thống Biden.

Bà Yellen cho biết trong một bài phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) vào năm ngoái rằng, “Thay vì phụ thuộc nhiều vào các nước có căng thẳng địa chính trị không thể tin tưởng vào nguồn cung, chúng ta cần thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.

Thứ tư, Việt Nam đã thiết lập được năng lực chuỗi cung ứng ở nhiều ngành và có lợi thế thay thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh của Trung Quốc ngày càng bất ổn và căng thẳng địa chính trị gia tăng, các công ty Mỹ từ Apple đến Intel đã tiến sâu hơn vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Điều này đã cho phép nhiều nhà máy Việt Nam phát huy tối đa năng lực sản xuất và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giúp đất nước Việt Nam tiếp tục trụ vững trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, để tránh thuế do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu từ năm 2018, nhiều công ty thuộc mọi quy mô bắt đầu chuyển sản xuất sang các thị trường mới nổi như Việt Nam và Ấn Độ.

Nhà kinh tế trưởng Alicia García-Herrero tại Natixis (Ngân hàng Ngoại thương Pháp) chỉ ra cái mà bà gọi là “quá nóng”, cho biết nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong một số trường hợp đã vượt quá nguồn cung.

Bà nói với CNN: “Có quá nhiều công ty đang hướng tới Việt Nam”.

Bà giải thích rằng từ nhiều năm trước, Việt Nam có lợi thế là nước đầu tiên trong khu vực xây dựng năng lực chuỗi cung ứng cho “rất nhiều ngành công nghiệp”.

Cho dù một số doanh nghiệp vẫn còn dè dặt về các yếu tố như quy chuẩn kỹ thuật cũng như luật pháp của Việt Nam, tuy nhiên xu hướng quan trọng hơn vẫn là việc họ chỉ muốn có một cách hay hơn để phòng ngừa rủi ro. Nhà kinh tế trưởng Garcia-Herrero tại Natixis cho biết, Việt Nam là một lựa chọn hiển nhiên vì đây là giải pháp thay thế giá rẻ cho ngành sản xuất của Trung Quốc.

Bà giải thích rằng quá trình chuyển đổi này cũng thuận tiện vì nhiều nhà cung cấp Trung Quốc cũng đã chuyển đến Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Do đó, trên thực tế ở Việt Nam cũng có những nhà cung cấp giống như ở Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng có thể quan tâm đến việc tìm cách đảm bảo giải pháp thay thế này.

Thứ năm, xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông đã làm tăng thêm niềm tin của Mỹ trong hợp tác với Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại và đầu tư song phương Mỹ – Việt Nam ngày càng tăng, trong khi tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng nhạy cảm. Tuần trước, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào tàu cá Việt Nam. Ngoài ra, những hình ảnh vệ tinh công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng sân bay trên một hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tổng thống Biden đã nói rõ trong cuộc họp báo ở Việt Nam rằng chuyến thăm của ông là để đưa “Việt Nam đến gần Mỹ hơn”.

Vấn đề cốt lõi: Chuỗi cung ứng chất bán dẫn từ Việt Nam

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Biden đến Việt Nam vào Chủ nhật, Nhà Trắng đã công bố sáng kiến ​​hợp tác bán dẫn mới. “Mỹ ý thức được vai trò quan trọng của Việt Nam trong tiềm lực xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành nguyên nhân quan trọng gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đó Mỹ cũng đã hạn chế xuất khẩu công nghệ và thiết bị bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.

Chủ tịch Ted Osius của Hội đồng Thương mại Mỹ-ASEAN là cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, Mỹ cần đối tác đáng tin cậy cho chuỗi cung ứng chip và Việt Nam có được năng lực này.

Điều này cũng là quan điểm của tập đoàn Intel. Nhà sản xuất chip có trụ sở tại California đã đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng một khuôn viên rộng lớn bên ngoài Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam, nơi được cho là cơ sở thử nghiệm và lắp ráp đơn lẻ lớn nhất thế giới của Intel.

Ông Osius dự kiến, trong bối cảnh Mỹ tăng cường quan hệ với Việt Nam thì sẽ có nhiều đầu tư hơn vào khu vực này.

“Tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sẽ tăng lên”, ông dự đoán, “Chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự tăng tốc trong hợp tác công nghệ”.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ sư trong ngành chip tại Việt Nam, Mỹ và Việt Nam công bố triển khai kế hoạch phát triển lực lượng lao động toàn diện tại Việt Nam nhằm cùng phát triển các phòng thí nghiệm giảng dạy thực hành và các khóa đào tạo về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn.  Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp 2 triệu USD tài trợ ban đầu để triển khai các sáng kiến ​​này, động thái này được ủng hộ từ chính phủ Việt Nam cùng khu vực tư nhân.

Natixis cho biết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây: “Cho dù nhiều khu vực của châu Á cho thấy tình hình khá ảm đạm, Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất”.

Điều này rất hấp dẫn đối với các công ty đang tìm kiếm điểm sáng trong môi trường ảm đạm của Trung Quốc. Sự quan tâm này được thể hiện vào tháng 3 năm nay khi Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ ​​trước đến nay tới Việt Nam. Phái đoàn bao gồm 52 công ty Mỹ, trong đó có những tập đoàn đặc biệt quan trọng như Netflix và Boeing.