Chính phủ vừa tiếp tục gia hạn niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) do doanh nghiệp này không có nguồn vốn đầu tư. Sau 2 lần gia hạn kể, vào năm 2018 và 2023, thời hạn sử dụng các phương tiện đường sắt được “nới” nhiều nhất là thêm 12 năm.

dau may toa xe duong sat het nien han tu 2018 tiep tuc duoc gia han toi 2030
Một đoàn tàu hỏa đi trên đường sắt qua TP. Nha Trang, tháng 2/2023. (Ảnh: Andrey_Vasiliskov/Shutterstock)

Theo tin từ TTXVN, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP; có hiệu lực thi hành từ ngày 30/1/2024.

Nghị định số 91/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị định số 01/2022/NĐ-CP về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.

Theo quy định hiện hành – Nghị định số 01/2022/NĐ-CP – lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt như sau:

1. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023;

2. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024;

3. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025;

4. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 01/01/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.

Lộ trình trên được sửa đổi tại Nghị định số 91/2023/NĐ-CP như sau: “Các phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này [tức Nghị định số 01/2022/NĐ-CP – chú thích] được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030″.

Điều này có nghĩa kể từ ngày 30/1/2024, niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe đường sắt hết niên hạn sử dụng từ hết năm 2023, 2024, 2025 và đầu năm 2026 được phép hoạt động đến hết năm 2030.

Đây là lần thứ hai đầu máy, toa xe đường sắt của Việt Nam được “nới” niên hạn. Lần đầu quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 (có hiệu lực từ tháng 7/2018). Trong đó,

1. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2020.

2. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2019 đến trước ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2021.

3. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến trước ngày 31/12/2020 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2022.

4. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2023 không được kéo dài thời gian hoạt động.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt nhằm hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện khó khăn không có nguồn vốn đầu tư.

Về yếu tố an toàn, Bộ Giao thông vận tải cho rằng các phương tiện giao thông đường sắt sắp hết niên hạn sử dụng được tận dụng “vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn”.

Giải thích về thời gian kéo dài niên hạn (tới năm 2030), Bộ Giao thông vận tải cho biết tới tháng 10/2025 sẽ trình dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) để Quốc hội thông qua. Dự luật dự kiến có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2027. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.

Từ đó, thời gian đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 là khi Luật Đường sắt (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành được 3 năm. Việc này để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới.

Tại hội nghị tổng kết năm 2022 diễn ra vào chiều 5/1/2023, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết với khoảng 60 đầu máy và hơn 500 toa xe sẽ hết niên hạn vào cuối ngày 31/12/2023, VNR cần khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư mới.

Con số này gặp bế tắc khi tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 của VNR – đã tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước – chỉ hơn 7.718 tỷ đồng.

Sơn Nguyên