Cho rằng tình hình kinh doanh thua lỗ năm 2022 có nguy cơ khiến tập đoàn mất cân đối tài chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất “cơ chế thị trường cho giá điện” tương tự như xăng dầu, đồng nghĩa khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.

dien luc viet nam evn evn thua lo evn tang gia dien 1995162590
EVN dự báo lỗ hơn 31.300 tỷ đồng năm 2022 và đối diện nguy cơ mất cân đối tài chính. (Ảnh minh họa: thelamephotographer/Shutterstock)

Tại hội nghị diễn ra ngày 12/12, Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN cho hay năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng cao. Điều này dẫn đến việc EVN dự kiến thua lỗ hơn 31.300 tỷ đồng và đối diện mất cân đối tài chính trong năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, EVN cũng có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện, xếp hạng tín dụng kém, các ngân hàng cắt giảm hạn mức tín dụng, v.v…

Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017, dựa trên biến động đầu vào của tất cả khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Theo Quyết định 24, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3 – 5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5 – 10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công thương và trên 10% Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.

Ông Nhân đề xuất thay đổi và kiến nghị được áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, tương tự giá xăng dầu.

Tính toán của tập đoàn này tháng trước cho thấy năm nay EVN có thể lỗ hơn 31.300 tỷ đồng và đã đề xuất cấp có thẩm quyền tăng giá điện. Phương án đề xuất của doanh nghiệp đang được Bộ Công thương cùng các cơ quan liên quan xem xét.

Cũng tại hội nghị của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện EVN kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Đây là cơ sở để doanh nghiệp, các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.

Tập đoàn này cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng.

Trước đó, Bộ Công thương đã công bố dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để lấy ý kiến nhằm sửa đổi Quyết định 24 của Thủ tướng được thực hiện từ năm 2017.

Thay vì giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện điều chỉnh khi biến động giá đầu vào tăng từ 3% trở lên như trước đây, EVN có thể tăng/giảm giá điện khi biến động đầu vào thay đổi từ 1%.

Đức Minh