Xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam hầu hết hiện đang phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Khi được giá, người dân tăng diện tích trồng, nhưng khi “bên kia” làm khó thì hàng loạt hệ lụy xảy ra. Năm ngoái, thanh long có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg, nhiều lần giải cứu đã diễn ra nhưng chỉ có thể giải quyết tạm thời.

sau rieng khanh son trai sau sieng xuat khau sau rieng trung quoc
Trong 8 tháng/2023, có tới 90% sầu riêng xuất khẩu là sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Những tháng đầu năm 2023, nông nghiệp Việt Nam khởi sắc nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại sau COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) và tăng nhập khẩu rau củ quả. Do đó chỉ sau 8 tháng, giá trị xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đạt 4 tỷ USD (năm 2022 xuất được 3,3 tỷ USD).

Thế nhưng sự thất thường của thị trường Trung Quốc vẫn luôn ẩn chứa những rủi ro khó lường khiến hàng hóa Việt Nam xuất qua thị trường này vẫn luôn phập phồng, lo lắng.

8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt khoảng 1,2 tỷ USD thì có đến 90% là xuất khẩu vào Trung Quốc.

Cả nước có đến 34 tỉnh trồng sầu riêng và nhiều tỉnh có diện tích trên 10.000 ha, sản lượng sầu riêng tăng cao lên hơn 863.000 tấn.

Riêng tại Đắk Lắk, diện tích trồng sầu riêng đã lên đến 28.000 ha, có mặt ở hầu hết các huyện, thị của tỉnh này. Khi thị trường Trung Quốc hút hàng, lập tức nhà vườn ở Việt Nam lên cơn sốt, việc người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích sang trồng sầu riêng đang nói lên điều đó.

Nhưng khi thị trường này thay đổi đột ngột thì hậu quả của việc phụ thuộc này mang đến thiệt hại lớn nhất thường là ở người nông dân.

Đơn cử như trái thanh long trước đây giá trị xuất khẩu cao nhất trong các loại trái cây, đạt trên 1 tỷ USD nhưng hiện nay đã giảm dần diện tích lẫn sản lượng vì giá và sản lượng đều sụt giảm.

Hay như chanh leo, một mặt hàng gây sốt khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch, nhiều nơi ở vùng Tây nguyên mở rộng diện tích nhưng sau đó lại rớt giá.

Thời gian gần đây, Trung Quốc nhiều lần cảnh báo phía Việt Nam vi phạm mã số vùng trồng của các mặt hàng xuất chính ngạch.

Nghĩa là việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam gian lận mã số vùng trồng, mượn mã số vùng này để tiêu thụ sản phẩm nơi khác. Vấn đề này xảy ra trên rất nhiều mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, nếu chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời thay đổi thì sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.

Trọng Minh