Bộ Công thương Việt Nam vừa quyết định đình chỉ giấy phép hoạt động kinh doanh thêm 5 doanh nghiệp đầu mối xuất – nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho rằng doanh nghiệp không vi phạm và phản hồi văn bản nêu ra một số hệ lụy nếu bị dừng hoạt động như: doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng, mất an ninh nguồn cung xăng dầu tại hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ, v.v…

saigon petro bị tước giấy phép cây xăng saigon petro bị phạt 1
Saigon Petro cho rằng doanh nghiệp không vi phạm và kiến nghị dừng quyết định tước giấy phép hoạt động kinh doanh. (Ảnh: dẫn qua Thanh Tấm/Facebook)

Tính từ tháng 7/2022 đến nay, Bộ Công thương quyết định tạm đình chỉ giấy phép hoạt động kinh doanh của 12 doanh nghiệp đầu mối xuất – nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, có 7 doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động từ 1-2 tháng (5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép, 2 doanh nghiệp còn lại sẽ được trả vào ngày 14/9).

Ngày 5/9 vừa qua, Saigon Petro cùng 4 doanh nghiệp khác tiếp tục bị xử phạt hành chính và áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động kinh doanh có thời hạn, gồm: Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty Dầu khí Đông Phương.

Trong công văn, Thanh tra Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp phải ban hành văn bản gửi thông báo đến các đơn vị liên quan để giám sát, xử lý việc thực hiện quyết định xử phạt.

Đồng thời, yêu cầu 5 doanh nghiệp vi phạm thực hiện việc bàn giao giấy phép kinh doanh xuất – nhập khẩu xăng dầu cho thanh tra Bộ Công Thương tại trụ sở các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương tại TP.HCM.

Theo báo Tuổi Trẻ, Công ty Saigon Petro đã có văn bản phản hồi, nêu ra một số hệ lụy mà doanh nghiệp này đối mặt trong trường hợp bị tước giấy phép hoạt động.

Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.

Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả không tốt tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.

Bên cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000m³ xăng dầu.

Hơn nữa, công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái.

Do vậy, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng Việt Nam, Bộ Công Thương xem xét “dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu”.

Về phía Bộ Công thương, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc rút giấy phép kinh doanh có thời hạn không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu, nguồn cung của cả nước, theo Zing.

“Trong khi, trên thực tế, số lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam không lớn chỉ 20-28% nhu cầu trong nước, trong khi Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy, 7 hay 10 doanh nghiệp vi phạm bị rút giấy phép trong thời hạn nhất định thì cũng không ảnh hưởng”, ông Diên nói và khẳng định việc thiếu nguồn cung do một số doanh nghiệp bị rút giấy phép là sai sự thật.

Nguyên nhân Saigon Petro trình văn bản kiến nghị trên:

Tại khoản 5 điều 7 Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: “Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.

Saigon Petro cho biết năm 2021, công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ nên đoàn thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận Công ty có hành vi vi phạm hành chính do không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.

Tuy vậy, doanh nghiệp này lý giải hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối…

Thiên Vũ