Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng các đối tác vừa ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B hôm 30/10, sau gần 20 năm đàm phán và chuẩn bị đầu tư.

PVN dau tu khi dien petrovietnam
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Theo Tổng giám đốc PVN – ông Lê Mạnh Hùng, chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỉ USD, theo Tuổi Trẻ.

Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỉ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.

Trải dài gần 20 năm với nhiều lần đàm phán, tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để PVN chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án.

Với sự kiện này, PVN và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng gồm thỏa thuận khung Lô B; biên bản thống nhất nội dung hợp đồng bán khí Ô Môn I; trao thầu hợp đồng EPC#1 – tạo tiền đề để PVN và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.

Trước đó, hồi tháng 6/2023, ông Chính đã giao Petrovietnam là chủ đầu tư để tiếp tục triển khai dự án nhà máy điện Ô Môn III và IV.

Ngoài ra, quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia cũng có quy định về khuyến khích việc đầu tư, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam; ưu tiên đưa khí tự nhiên khai thác từ thềm lục địa về cho sản xuất điện, công nghiệp, dân dụng.

Đối với đối tác Nhật Bản, Thái Lan, các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí Việt Nam và quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong các bên cùng hỗ trợ, phối hợp Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để triển khai các công việc đầy khó khăn và thách thức trong giai đoạn tiếp theo.

Trước đó, Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Mitsui (MOECO) của Nhật Bản – nhà đầu tư góp vốn trong dự án khí Lô B và đường ống khí Lô B – đã có thư khẩn tới nhiều cơ quan, đề nghị sớm giải quyết một số kiến nghị của chuỗi dự án khí – điện Lô B có quy mô lên tới 30 tỉ USD.

Theo nhà đầu tư này, để dự án có quyết định đầu tư cuối cùng và thực hiện gói thầu EPCI#1 trước ngày 30/6, cần phải hoàn tất và ký kết các thỏa thuận mua bán khí (GSPA), vận chuyển khí (GTA) trong tháng 6/2023.

Sau khi hoàn thành, dòng khí từ các mỏ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn đến các đơn vị tiêu thụ hạ nguồn, bao gồm 4 nhà máy điện (Ô Môn 1, 2, 3, 4) tại TP Cần Thơ, với tổng nhu cầu khí cho tổ hợp khoảng 5 tỉ m³/năm.

Đức Minh (t/h)