Số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình tại nhà hàng, quán nhậu ở thành thị Việt Nam lên tới 7 lần/năm/khách hàng.

thit thu rung
Poster quảng bá chiến dịch “Ngừng ăn thịt thú rừng” được phát động vào ngày 15/03 /2024. (Hình ảnh: USAID Biodiversity Conservation (thuộc dự án VFBC)/ WWF-Việt Nam)

Ngày 15/3, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phát động chiến dịch truyền thông với thông điệp “Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời”.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) được thực hiện từ tháng 7/2021 – 6/2026 với mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng rừng và duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao.

Theo nhận định được đưa ra tại chiến dịch, trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã.

Theo khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) thực hiện năm 2021, khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị. Số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/năm/khách hàng.

Xu hướng tiêu thụ kể trên đã dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam, bao gồm những loài ăn cỏ lớn và mang lớn đặc hữu ở dãy Trường Sơn.

“Chúng tôi đồng hành cùng chính phủ Việt Nam và người dân trong nỗ lực chung về bảo tồn động vật hoang dã và hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích mọi người trở thành những nhân tố tích cực trong công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã thông qua giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã”, bà Annie Wallace, Giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sự kiện này là dịp mọi người cùng nhắc nhau sống thiện, hài hòa, có trách nhiệm với thiên nhiên và các loài hoang dã nhằm gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học, và cùng thực hiện cam kết quốc tế về bảo tồn.

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học nhận định để động vật hoang dã có cơ hội được sống và phục hồi sau hàng thập kỷ suy giảm nghiêm trọng, các cán bộ làm công tác bảo tồn sẽ tăng cường thực thi pháp luật và làm tốt công tác bảo tồn tại các khu vực dự án chính. Trong đó, “hành động ngừng ăn thịt động vật hoang dã là vô cùng cấp thiết”, ông Cox khẳng định.

Theo nguồn tin từ WWF Việt Nam năm 2022, Việt Nam, Lào và Campuchia là những quốc gia tiêu thụ thịt động vật hoang dã phổ biến. Theo nghiên cứu của Milica Sandaji và cộng sự, trung bình có khoảng 4.000 tấn thịt động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam hàng năm, trong đó khoảng 2.000 tấn phục vụ nhu cầu trong nước. 80% số này được đưa vào phục vụ tại các nhà hàng đặc sản thú rừng.

Người tiêu thụ thuộc nhóm có thu nhập, địa vị, trình độ học vấn cao, cho rằng thịt thú rừng giúp bồi bổ sức khỏe và đặc biệt là thể hiện đẳng cấp cá nhân.

Mặc dù vậy, WWF Việt Nam dẫn thống kê trong 30 năm trở lại, khoảng 75% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới ở người có nguồn gốc từ động vật, hai phần ba trong số này từ động vật hoang dã.

Nếu nguy cơ mầm bệnh được cho là vấn đề xác suất, loạt phóng sự điều tra đăng trên Vietnamplus (TTXVN) hồi tháng 11/2023 ghi nhận các sản phẩm từ động vật hoang dã, bao gồm thức ăn, các loại cao, rượu ngâm… được làm từ thực phẩm nhiều ngày được bôi, tẩm, hoặc tiêm Formaldehyd – chất bảo quản gây ung thư nếu nhiễm độc.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học chú trọng 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ, liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam.

Hợp phần này gồm 4 tiểu hợp phần: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.

Chiến dịch tuyên truyền sẽ được triển khai tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị và Quảng Bình, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, có sự tham gia của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam năm 2017 H’hen Nie và vũ công Quang Đăng với video âm nhạc giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ thú rừng.

Nguyễn Quân