Quý 3/2022, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) báo lỗ hơn 370 tỷ đồng, lỗ nặng nhất trong 10 quý gần đây. Tuy vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, PVOil vẫn lãi sau thuế hơn 430 tỷ đồng, vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

PVOil cây xăng PVOil PVOil lỗ
Trong 9 tháng, doanh thu của PVOil đạt gần 79.620 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch cả năm 2022. (Ảnh: cmsc.gov.vn)

Cụ thể, doanh thu của PVOil trong quý 3/2022 đạt hơn 25.900 tỷ đồng, ghi nhận trong kỳ lỗ hơn 370 tỷ đồng. Lãnh đạo Công ty PVOil giải thích mức lợi nhuận này do ảnh hưởng bởi yếu tố giá dầu thế giới đảo chiều sau thời gian tăng vọt.

PVOil ghi nhận hơn 3.400 tỷ đồng hàng tồn kho vào cuối tháng 9, giảm 35% so với cuối tháng 6, nhưng tăng 34% so với đầu năm. Doanh nghiệp này trích lập dự phòng 150 tỷ đồng cho nguyên vật liệu và hàng hóa tồn kho, trong kỳ đầu năm chỉ trích hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn chịu hơn 13 tỷ đồng lỗ trong công ty liên doanh, liên kết. Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 38% và 25%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của PVOil đạt gần 79.620 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng. Như vậy, PVOil đã vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Sau giai đoạn đạt đỉnh, liên Bộ Công Thương – Tài chính liên tục điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Từ mốc 32.870 đồng một lít cuối tháng 6, giá xăng RON 95 giảm về 22.580 đồng/lít vào cuối tháng 9, giảm hơn 31%.

Gần đây, tình hình thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở phía Nam và Tây nguyên trở nên thường xuyên và kéo dài. Bên cạnh đó, điều này cũng khiến đời sống người dân bị đảo lộn, chật vật đi tìm mua xăng dầu trong hơn một tháng qua, còn chủ cây xăng cũng lao đao vì thua lỗ do chiết khấu thấp.

Ông Lê Văn Thanh ở TP Cần Thơ cho biết gia đình có 3 cửa hàng xăng dầu. Trước tình trạng thiếu xăng dầu, chiết khấu 0 đồng diễn ra từ tháng 7 đến nay, 3 cửa hàng của ông phải gánh khoản lỗ gần 300 triệu đồng mỗi tháng. “Gia đình tôi kinh doanh xăng dầu hơn 30 năm chưa gặp phải tình cảnh này bao giờ”, ông nói, báo Vnexpress dẫn lời.

Ông Thanh cho biết công ty có ký cam kết sản lượng với doanh nghiệp đầu mối nhưng mấy tháng qua, sản lượng không được nhập đủ 100% nên ngày bán, ngày nghỉ. Trong khi đó, giá chiết khấu (giao tại kho) hiện là 50-200 đồng một lít xăng, trừ chi phí vận chuyển, kinh doanh cầm chắc thua lỗ.

Chị Như Ý – chủ cây xăng ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết trước đây khan hiếm dầu, gần 2 tháng nay nguồn cung dầu đã cải thiện, giờ đến lượt khan hiếm xăng, theo Tuổi Trẻ.

“Tôi đặt một xe 6.000 lít, họ chỉ giao cầm chừng 1.000 – 2.000 lít, do vậy chỉ bán vài ngày thì hết xăng, tiếp tục đợi nhà phân phối cung ứng. Không chỉ chiết khấu giảm, phân phối nhỏ giọt khiến việc mua bán rất khó khăn”, chị Ý cho biết.

Tại phiên thảo luận chiều ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình vấn đề đặt ra từ Đại biểu Quốc hội rằng “xăng dầu thiếu thật hay giả” trên thị trường. Ông Phớc cho biết nguồn cung xăng dầu có thiếu hụt.

Cụ thể, nhu cầu xăng dầu của Việt Nam mỗi năm khoảng 19,2 triệu tấn, sản lượng cung ứng từ Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn trong 9 tháng đầu năm sản xuất đạt 4,4 triệu m3/tấn, đạt 70% kế hoạch. Nhưng với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ sản xuất 6,8 triệu tấn, tức mới đạt 43%.

Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu m3/tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho các đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới có 19/33 đầu mối nhập được 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Riêng quý 3 nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu.

Theo ông Phớc, đây là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung. Đồng thời, ông Phớc đề nghị sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương” gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động.

Tuấn Minh