Bộ trưởng Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công thương
- Đức Minh
- •
Trước thực trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt mà theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, nhiều nguyên nhân đằng sau như: chậm điều chỉnh chi phí, doanh nghiệp cần hỗ trợ tín dụng, xăng dầu lậu,… cũng như cần sự phối hợp của 6 Bộ, ngành khác. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc quyết định giá, chi phí cho Bộ Công thương; còn Ngân hàng Nhà nước cho biết đang dư hạn mức tín dụng mà doanh nghiệp xăng dầu chưa sử dụng hết.
Tại phiên thảo luận chiều ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình vấn đề đặt ra từ Đại biểu Quốc hội rằng “xăng dầu thiếu thật hay giả” trên thị trường. Ông Phớc cho biết nguồn cung xăng dầu có thiếu hụt.
Cụ thể, nhu cầu xăng dầu của Việt Nam mỗi năm khoảng 19,2 triệu tấn, sản lượng cung ứng từ Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn trong 9 tháng đầu năm sản xuất đạt 4,4 triệu m3/tấn, đạt 70% kế hoạch. Nhưng với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ sản xuất 6,8 triệu tấn, tức mới đạt 43%.
Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu m3/tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho các đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới có 19/33 đầu mối nhập được 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Riêng quý 3 nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu.
Theo ông Phớc, đây là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung.
Ông Phớc cho biết thêm để rà soát chi phí kinh doanh xăng dầu làm căn cứ điều chỉnh, Bộ Tài chính đã hai lần có văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ nhận được văn bản của 6 thương nhân đầu mối (chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu), trong khi ý kiến Bộ Công Thương chưa nhận được.
Do đó, theo ông Phớc đề nghị sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương” gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định “Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu” và dư luận cho rằng thiếu hụt là hoàn toàn không chính xác.
Liên quan đến khó khăn về tín dụng ngân hàng mà Bộ Công thương đề cập, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đề nghị Bộ Công Thương đưa ra chi tiết, phân tích nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp xăng dầu khó tiếp cận vốn vay.
Bà Hồng cho hay số liệu từ các ngân hàng thì hiện tổng hạn mức tín dụng cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng, sử dụng được 58.000 tỷ đồng. Điều này tương đương còn 44.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng cho xăng dầu chưa được sử dụng, không phải đã hết như Bộ Công thương phản ánh.
Thống đốc NHNN nói luôn đảm bảo cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp xăng dầu, trong 9 tháng đầu năm đã bán 10 tỷ USD cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Bình Sơn…
Tình hình xăng dầu phía Nam hiện vẫn thiếu hụt trên diện rộng và ảnh hưởng cuộc sống người dân rất lớn. Sở Công Thương TP.HCM hôm 27/10 cho biết hiện có khoảng 10% cửa hàng xăng dầu bán lẻ trong tình trạng hết hàng, đóng cửa hay bán nhỏ giọt.
Tương tự, nhiều cửa hàng bán lẻ ở miền Tây vẫn kêu khó khăn về nguồn cung, báo lỗ buộc phải xin đóng cửa như: Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, v.v…
Từ khóa bộ công thương bộ tài chính Xăng dầu