Theo dữ liệu mới công bố của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), xuất khẩu sản phẩm xăng dầu của Hoa Kỳ lập kỷ lục mới trong nửa đầu năm 2023.

Theo EIA, xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu của Mỹ tăng 2%, lên gần 6 triệu thùng mỗi ngày trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Sự gia tăng xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nửa đầu năm 2023 là mức xuất khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm mà EIA từng báo cáo kể từ khi cơ quan này bắt đầu công bố báo cáo Hàng tháng về Nguồn cung Xăng dầu vào năm 1981. Xuất khẩu khí propan và các chất khí hóa lỏng hydrocarbon khác đã thúc đẩy sự gia tăng, báo cáo cho biết.

Xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu chính yếu khác như xăng động cơ, dầu nhiên liệu chưng cất, nhiên liệu máy bay đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng ở các sản phẩm vừa nêu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng vọt để đáp ứng nhu cầu gia tăng ở châu Âu.

Các chuyên gia năng lượng giải thích rằng các nước châu Âu đã trải qua tình trạng thiếu năng lượng do chính sách “năng lượng xanh” thất bại và cắt giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga. Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Texas, đã mang lại cho các nước châu Âu một “cứu cánh”, Hiệp hội ‘Người Texas vì khí đốt tự nhiên’ giải thích.

Kết quả là Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022, EIA trước đó đưa tin.

Mỹ cũng là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng nhóm đầu trong nửa đầu năm 2023, dẫn đầu vẫn là các quốc gia vùng Vịnh.

EIA lưu ý rằng xuất khẩu dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay, lên 4 triệu thùng/ngày, cao hơn 19% so với nửa đầu năm ngoái.

Theo dữ liệu EIA, xuất khẩu khí propan của Mỹ trong nửa đầu năm 2023 đạt trung bình 1,5 triệu thùng/ngày, tăng 8% (119.000 thùng/ngày) so với nửa đầu năm 2022. 

Báo cáo lưu ý rằng khí propane là sản phẩm dầu mỏ được xuất khẩu nhiều nhất của Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2023, tiếp tục xu hướng đã bắt đầu từ năm 2020. 

EIA cho biết xuất khẩu khí propan “là yếu tố chính khiến tổng lượng xuất khẩu sản phẩm xăng dầu của Mỹ tăng cao hơn từ đầu năm đến nay”. Các mặt hàng khí hóa lỏng hydrocarbon khác cũng là yếu tố đáng kể góp phần tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023, tăng 9% (85.000 thùng/ngày) so với nửa đầu năm 2022.

Theo báo cáo, trong khi xuất khẩu khí propan sang các nước châu Âu, Trung và Nam Mỹ giảm trong nửa đầu năm 2023 so với nửa đầu năm 2022, thì xuất khẩu sang các nước châu Á lại tăng nhanh. Theo EIA, gần 60% lượng xuất khẩu khí propan của Hoa Kỳ là xuất sang châu Á trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu là sang Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tổng xuất khẩu sản phẩm chưng cất sang châu Âu tăng trong nửa đầu năm 2023 so với nửa đầu năm 2022 sau khi EU áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các sản phẩm xăng dầu của Nga vào đầu năm 2023. 

Xuất khẩu dầu nhiên liệu chưng cất của Mỹ sang các nước châu Âu đạt trung bình 138.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023 so với 56.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2022, trong đó Vương quốc Anh và Hà Lan nhận được nhiều nhất.

EIA lưu ý: “Sự gia tăng xuất khẩu sản phẩm chưng cất sang châu Âu ngay cả khi xuất khẩu sang các điểm đến khác giảm một phần phản ánh các dòng thương mại đổi hướng để đối phó với lệnh trừng phạt nhập khẩu sản phẩm xăng dầu từ Nga”. 

“Xuất khẩu sang châu Âu từ Hoa Kỳ đang thay thế nguồn cung sản phẩm chưng cất trước đây đến từ Nga. Nguồn cung từ Nga hiện thiếu khả năng tiếp cận thị trường ở châu Âu và do đó đang được xuất khẩu sang các điểm đến xa hơn ở nước ngoài.”

Ông Ed Longanecker, và các Hiệp hội ‘Người Texas vì khí đốt tự nhiên’, ‘Các nhà sản xuất độc lập và chủ sở hữu nhượng quyền Texas’, nói với trang tin tức The Center Square rằng: “Năng lượng của Texas – từ các giếng của chúng tôi ở Tây Texas đến các cảng của chúng tôi dọc theo Vịnh Mexico – đã giúp Mỹ đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng” vào năm ngoái. 

Năng lượng Texas cung cấp đảm bảo năng lượng cho Hoa Kỳ và các đồng minh, ông Ed Longanecker và những người khác trong ngành khẳng định và cho biết thêm rằng: “Nếu không có khí đốt tự nhiên của Mỹ, châu Âu đã phải chịu sự chi phối của các cường quốc hung hãn nước ngoài”.