Thế giới hiện có khoảng 529 triệu bệnh nhân tiểu đường, theo đó hầu hết là tiểu đường loại 2 có liên quan béo phì. Nếu không có hành động kịp thời, dự kiến năm 2050 khoảng 1,3 tỷ người trên thế giới bị bệnh này, theo một thông tin từ Reuters dẫn nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ).

tiểu đường
Số lượng bệnh nhân tiểu đường tiếp tục tăng có liên quan đến tăng tỷ lệ người béo phì, trong đó tỷ lệ người già bị tương đối cao . (Ảnh: Ground Picture/Shutterstock)

Dữ liệu trên được Reuters dẫn nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (Institute for Health Metrics and Evaluation) của Đại học Washington (Mỹ), theo đó hầu hết người bệnh sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình không được chăm sóc y tế tương xứng.

Liên quan đến tỷ lệ béo phì gia tăng

Theo nghiên cứu, số bệnh nhân tiểu đường tiếp tục gia tăng có liên quan đến tỷ lệ béo phì ngày càng tăng, mặt khác do cơ cấu dân số thay đổi nên tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường tương đối cao. Nghiên cứu cho biết dữ liệu này đến từ 204 nước, không tính đến yếu tố COVID-19 vì hiện chưa có số liệu liên quan.

Mặc dù số người bệnh tiểu đường ngày càng tăng nhưng tốc độ gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh thường không đồng đều giữa các nước. Ví dụ, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường toàn cầu hiện nay là 6,1%, tỷ lệ này ước tính lên tới 9,8% vào trước năm 2050, nhưng ở Bắc Phi và Trung Đông có thể lên tới 16,8%, còn ở khu vực châu Mỹ Latin và vùng Caribê là 11,3%.

Liane Ong, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, bệnh tiểu đường có liên quan đến các bệnh về tim như đau tim và đột quỵ. Bà nói: “Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tăng nhanh không chỉ ở mức đáng ngạc nhiên, còn là thách thức đối với mọi hệ thống y tế trên thế giới”.

Chìa khóa phòng ngừa là giảm cân

Béo phì được ghi nhận là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi quan trọng nhất trong sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2. Béo phì gây nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe, ngoài bệnh tiểu đường thì béo phì còn liên quan đến các bệnh như gút, cao huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh túi mật…, không những khiến chất lượng sống người bệnh ngày càng giảm sút mà còn rút ngắn tuổi thọ.

Biến chứng của bệnh tiểu đường có rất nhiều: nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, mù lòa, lở loét…

Theo chuyên gia, một trong những chìa khóa để giảm khả năng bị bệnh tiểu đường loại 2 là phòng ngừa béo phì. Adrian Brown, chuyên gia dinh dưỡng quản lý cân nặng tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết: “Chìa khóa để ngăn ngừa bệnh tiểu đường là giảm cân, cộng với những thay đổi phù hợp trong chế độ ăn uống và vận động nhiều hơn, sau đó cần chú ý duy trì giữ mức cân nặng sau khi đã giảm. Người khi bắt đầu thực hiện chế độ giảm cân càng giảm được nhiều thì thời gian tránh xa bệnh tiểu đường càng lâu.”

Chế độ ăn uống và vận động phù hợp

shutterstock 2140730987
Những người mắc bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống và vận động phù hợp. (Ảnh: Krakenimages.com/ Shutterstock)

Những người mắc bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống và vận động phù hợp, vấn đề này đặc biệt quan trọng hơn đối với người béo phì bị tiểu đường. Bệnh tiểu đường là một bệnh do lối sống, bệnh nhân phải hỏi ý kiến ​​bác sĩ và có chế độ ăn uống cùng tập luyện hợp lý trên cơ sở dùng thuốc kiểm soát.

Chế độ ăn uống hợp lý đối với người bệnh cần được thực hiện nghiêm ngặt trong thời gian dài trên cơ sở đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng, tổng lượng calo cần xác định căn cứ vào mức độ béo phì và cường độ lao động của người bệnh. Bệnh nhân béo phì nên thực hiện chế độ ăn ít calo (1000-1400 kcal/ngày), tổng lượng calo nên hạn chế dần, không nên giảm cân quá nhanh. Dưới tiền đề tổng lượng calo, theo đó chất béo, protein và carbohydrate nên được kết hợp phù hợp cùng chế độ ăn nhiều chất xơ (như đậu, ngũ cốc và rau xanh…), giúp giảm hấp thụ glucose trong ruột, đồng thời làm giảm tình trạng kháng insulin.

Kiên trì tập thể dục vừa phải có lợi cho việc giảm cân và cải thiện độ nhạy insulin. Về vấn đề này, trước hết người bệnh nên tùy theo tình trạng thể chất chọn các môn thể thao phù hợp theo sở thích (với các yếu tố như địa điểm, thiết bị…) để tập luyện. Người béo phì bị bệnh tiểu đường có thể chọn những hoạt động cường độ vừa phải như chạy bộ chậm, leo cầu thang, leo núi…

Hướng dẫn ở Mỹ về vận động cho người bệnh tiểu đường khuyến nghị bệnh nhân nên tập thể dục cường độ vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần, khuyến khích thực hiện bài tập sức bền 3 lần một tuần đối với bệnh nhân không có chống chỉ định.