Trong cuộc chiến chip, Trung Quốc vốn luôn ở thế bị động trước Mỹ, tuy nhiên việc mới đây Huawei ra mắt điện thoại di động 5G Mate60 Pro được ví là “phá vỡ thế phòng thủ”. Sự kiện trọng đại này được cộng đồng công nghệ Mỹ và giới truyền thông đều hết sức chú ý, hiện đang tập trung vào một số vấn đề cốt yếu liên quan đến bố cục tương lai của cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc.

shutterstock 2357388449
Điện thoại Huawei Mate60 Pro tại Thượng Hải. (Nguồn: Robert Way/ Shutterstock)

1. Mate60 Pro dùng chip tự nghiên cứu phát triển hay chip nhập khẩu?

Ngay khi điện thoại di động Mate60 Pro của Huawei ra mắt, Bloomberg đã ủy quyền cho TechInsights của Canada tháo dỡ điện thoại di động này và công bố kết quả: Huawei Mate60 Pro được trang bị con chip mới nhất là Kiri 9000s do SMIC sản xuất tại Trung Quốc.

Sau đó nhiều tổ chức công và tư ở nhiều nước đã tháo dỡ điện thoại di động Huawei và công bố kết quả.

Theo BBC trong bài “Huawei: Điện thoại di động 5G mới cho thấy Trung Quốc phá vỡ thế phong tỏa của Mỹ về chất bán dẫn?”công bố ngày 12/9 cho biết, hầu hết kết quả tháo lắp cho thấy ngoài việc sử dụng chip 7 nanomet Kiri 9000S do công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc SMIC phát triển, nhiều kết quả kiểm nghiệm cũng cho thấy điện thoại mới Huawei 60 Pro có thể chạy được nhanh như iPhone 5G mới nhất. Tính đến nay đây là sản phẩm được đánh giá là phiên bản tiên tiến nhất được sản xuất theo công nghệ bản địa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, BBC đặc biệt dẫn lời các chuyên gia cho rằng chip 7 nanomet do Huawei hợp tác với SMIC sản xuất vẫn còn khoảng cách thua kém không nhỏ so với các đối thủ thiết kế và đúc chip hàng đầu thế giới khác. Mấu chốt của bài viết này là 4 từ “sản xuất trong nước”, có thể hiểu “sản xuất” không phải là “nghiên cứu và phát triển”, nói cách khác là vẫn còn nghi ngờ về nguồn gốc công nghệ của Huawei.

2. Ai đã bán chip cho Trung Quốc?

Vì không phải là “tự nghiên cứu và phát triển” nên vấn đề lại liên quan đến câu hỏi: Công ty nào đã bán chip cho Trung Quốc?

Cả Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan và Bộ Thương mại Mỹ đều cho biết họ sẽ điều tra chip và quá trình lắp ráp điện thoại mới của Huawei.

Người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng lại vụ việc bằng cách nói rằng Mỹ chính trị hóa thương mại, nhưng “các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn và đàn áp sẽ không ngăn được sự phát triển của Trung Quốc mà chỉ nâng cao khả năng tự lực và đổi mới công nghệ của Trung Quốc”.

Sau đó, truyền thông Trung Quốc đăng 2 bài báo: “Mỹ phát lệnh truy nã trên toàn cầu khiến ông chủ chip Chen Zhengkun giúp Huawei đột phá 5G, chuyện gì đang xảy ra?”, và bài “Đảo ngược lớn, Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh cấm! Đã đến lúc ‘ông trùm huyền thoại’ hậu trường Trung Quốc lên tiếng” (bài viết nói về “tướng phản loạn” Liang Mengsong của TSMC Đài Loan hiện đang làm việc tại SMIC Trung Quốc).

Thực tế, việc hai người nêu trên đóng góp to lớn cho ngành sản xuất chip của Trung Quốc khiến họ “lâm nạn”: ông Chen Zhengkun đã bị Mỹ truy nã toàn cầu; còn ông Liang Mengsong (một trong những người sáng lập TSMC) bị TSMC kiện sau khi rời TSMC gia nhập SMIC, hiện ông ta đang ở Trung Quốc và Mỹ không có cách nào trừng phạt ông ta.

Chắc hẳn Mỹ không “mắc bẫy” từ những bài viết nhằm giễu cợt này!

Ngoài ra, thông tin rò rỉ bị thế giới bên ngoài nghi ngờ đáng chú ý là SK Hynix của Hàn Quốc. Kể từ đầu năm nay khi nhu cầu về bộ nhớ băng thông cao (HBM) cho AI tăng lên, iPhone của Apple và chất bán dẫn Nvidia AI cũng được trang bị bộ nhớ của SK Hynix khiến giá cổ phiếu của SK Hynix tăng vọt 53%. Sau khi có thông tin gần đây cho rằng Mate60 Pro do Huawei của Trung Quốc phát hành được trang bị chất bán dẫn của SK Hynix thì hãng này đã có bước nhảy vọt trên thị trường chứng khoán.

Mặc dù SK Hynix tuyên bố rằng họ “tuân thủ nghiêm ngặt các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc”, Huawei của Trung Quốc đã sử dụng chất bán dẫn SK Hynix được mua trước khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt đối với chiếc điện thoại mới này, nhưng phân tích của Bloomberg chỉ ra rằng Mỹ có khả năng sẽ xem đây như sự cố để một lần nữa kiểm tra chặt chẽ cấu trúc lưu thông chất bán dẫn đối với Trung Quốc, theo đó SK Hynix có thể trở thành nạn nhân của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, một khi tìm ra dấu vết thì SK Hynix chắc chắn sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Có phân tích cho rằng Mỹ đã cho SK Hynix và Samsung Electronics gia hạn thời gian miễn trừ đối với việc đưa thiết bị bán dẫn vào các nhà máy Trung Quốc cho đến tháng 10, nhưng biến cố này có thể tác động tiêu cực đến việc gia hạn thời gian miễn trừ. Trong trường hợp đó, khi không thể tiếp tục có được thiết bị mới, các nhà máy Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục sản xuất dựa vào nền tảng bán dẫn cũ.

Một thông tin gây chú ý từ tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) qua bài “Sự thật ‘cải trang thành phụ nữ mang thai’ trong hoạt động nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn độc lập của Trung Quốc” (ngày 11/9). Bài viết trích dẫn quan điểm của giới bán dẫn cho rằng Huawei nhập khẩu chip DRAM của SK Hynix không phải thông qua Hàn Quốc mà thông qua một nước thứ ba, đây gọi là “nhập khẩu đường vòng”.

Các công ty Trung Quốc từ cách đây vài năm vốn gặp khủng hoảng do lệnh trừng phạt của Mỹ đã xây dựng một cách có hệ thống các kênh nhập khẩu đường vòng nhắm vào chất bán dẫn của Hàn Quốc và Mỹ. Điện thoại thông minh mới của Huawei cũng có thể được trang bị các sản phẩm của Micron hoặc Samsung Electronics. Trung Quốc đã thành lập các pháp nhân ở các quốc gia và khu vực lân cận như Ấn Độ, Đài Loan và Singapore, sử dụng chúng như một cửa ngõ để nhập khẩu chất bán dẫn từ nước ngoài. Bài viết ví dụ: Năm 2022, Trung Quốc thông qua qua Malaysia để nhập khẩu thiết bị bán dẫn tổng trị giá 580 triệu USD từ 3 nước xuất khẩu thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới là Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản, tăng hơn 120% so với năm trước đó. Kiểu nhập khẩu vòng vèo này khiến Mỹ khó điều tra, xử lý. Ngoài ra, để có được công nghệ nguồn bán dẫn, một số vốn của nhà nước Trung Quốc cải trang thành quỹ cổ phần tư nhân để cố gắng mua lại các công ty bán dẫn ở Hàn Quốc và Mỹ.

Mục đích của bài viết trên Chosun Ilbo rất rõ ràng: Trung Quốc có nhiều kênh nhập khẩu đường vòng, chỉ trừng phạt SK Hynix không thể đạt được các biện pháp trừng phạt hiệu quả đối với Trung Quốc.

3. Tác động từ Huawei nghiêm trọng đến mức nào đối với Apple?

Về điện thoại di động/iPhone/máy tính, Apple là công ty số 1 tại Mỹ, trong khi Huawei là công ty số 1 được hỗ trợ bởi các chính sách Chính phủ Trung Quốc. Tất nhiên Trung Quốc coi Mate60 Pro là bước đột phá lớn trong công nghệ chip nội địa, hiển nhiên phải thổi phồng chiến thắng này. Điều đó dĩ nhiên cũng làm Mỹ lo lắng, chỉ nhìn vào các tin liên tục gần đây của tờ WSJ có thể hiểu Mỹ đã không đánh giá thấp tác động của Huawei Mate60 Pro đối với Apple.

Như bài “Apple có thể gặp đối thủ mạnh ở Trung Quốc: Chống lại đối thủ cũ Huawei trên thị trường 5G” (08/9/2023), bài viết chỉ ra tác động tới giá cổ phiếu Apple dẫn lời chuyên gia phân tích Wamsi Mohan tại BofA Securities cho hay, điện thoại di động Mate60 và Mate60 Pro mới ra mắt của Huawei sử dụng chip tự phát triển đáp ứng được tiêu chuẩn 5G, qua đó mang tới hy vọng quay trở lại trỗi dậy trên thị trường điện thoại thông minh. Theo tính toán của Mohan, nếu Huawei giành lại thị phần 10 triệu điện thoại di động, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của Apple trong năm tài chính 2024 sẽ bị ảnh hưởng khoảng 11 cent; nếu Apple mất thị phần điện thoại (30 triệu chiếc) mà hãng đã giành được kể từ khi lệnh trừng phạt chống lại Huawei bắt đầu, thì tác động tài chính có thể lớn hơn nhiều, có thể là 0,34 USD [trên mỗi cổ phiếu].

Một bài khác, “Huawei có thể lấy lại thị trường Trung Quốc đã mất vào tay Apple?” (08/9/2023), chỉ ra rằng chiếc điện thoại di động mới này của Huawei đi cùng lệnh hạn chế của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với iPhone của Apple có thể tác động lớn đến doanh số bán hàng của Apple, một lần nữa làm nổi bật những căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, gây rủi ro cho nhiều công ty đa quốc gia. Bài viết dẫn ước tính của nhà phân tích Abhilash Kumar của TechInsights cho rằng trong quý II năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ và thậm chí toàn bộ Bắc Mỹ để trở thành thị trường iPhone lớn nhất thế giới, theo đó cao hơn mức 21% thị phần tại Mỹ khi chiếm 24% tổng số lô hàng iPhone trong quý này.

Tương tự, trong bài viết “Sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc bị thử thách bởi lệnh cấm của Trung Quốc, khiến nhà đầu tư lo ngại” (13/9/2023) cho biết, kể từ khi Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhân viên chính phủ sử dụng iPhone của Apple, có tin đồn rằng giá cổ phiếu của Apple đã giảm hơn 6% từ phiên mở ngày 6/9 khiến giá trị thị trường của hãng này giảm khoảng 190 tỷ USD. Trước khi tin đồn về lệnh cấm nói trên lan rộng, giá cổ phiếu của Apple đã tăng vọt gần 50% trong năm, trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có giá trị thị trường hơn 3000 tỷ USD.

Theo hiểu biết của tôi về truyền thông hai nước, trong vấn đề ra mắt Huawei Mate60 Pro thì nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ chơi con bài yêu nước khiến đánh giá quá cao những thành tựu của họ; còn Mỹ là nước hùng mạnh nhất thế giới về khoa học công nghệ, khi chịu chút thất vọng thách thức thì họ sẽ càng trở nên đặc biệt mạnh mẽ. Vì vậy, tôi nghĩ sự cạnh tranh của Huawei và Apple là một cuộc đua đường dài, còn quá sớm để đưa ra kết luận vào lúc này về việc ai sẽ dẫn đầu về mặt công nghệ.

Tuy nhiên trong cuộc chiến chip này không có gì ngạc nhiên khi Chính phủ Mỹ và Trung Quốc thực hiện mọi biện pháp nhằm kiềm chế nhau, Mỹ tập trung hạn chế công nghệ, còn Trung Quốc tập trung giảm thiểu cho tiếp cận thị trường, bên nào mềm yếu thì bên đó sẽ chịu thiệt.

Hà Thanh Liên
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên VOA.)