2 người Nga và 1 người Ukraine theo phe ly khai bị định tội giết người và phải nhận bản án tù chung thân trong vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines năm 2014, phán quyết được công bố ở khu phức hợp tư pháp thị trấn Badhoevedorp, tỉnh Noord-Holland (Hà Lan).

1024px Schiphol Airport Memorial MH17 Victims July 2014 Photo by Persian Dutch Network
Sân bay quốc tế Amsterdam: Tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng trong chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines (Nguồn: PersianDutchNetwork/wikimedia)

Tòa án Hà Lan nói rằng vào ngày 17/7/2014, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị tên lửa do Nga sản xuất bắn hạ khi đang bay qua miền đông Ukraine. Vào thời điểm đó, khu vực này là nơi giao tranh giữa lực lượng ly khai thân Nga và lực lượng Ukraine, tiền thân của cuộc xung đột hiện nay. Vụ việc đã khiến tất cả 298 người trên máy bay đều thiệt mạng.

3 người bị kết án là cựu sĩ quan tình báo Nga Igor Girkin và Sergey Dubinskiy, và thủ lĩnh phe ly khai Ukraine Leonid Kharchenko.

Cả 3 đã giúp sắp xếp và vận chuyển hệ thống tên lửa BUK, loại bắn hạ máy bay, từ căn cứ quân sự Nga vào Ukraine, mặc dù họ không phải là người thực sự bóp cò. 3 người này hiện đang “lẩn trốn” và được cho là ở Nga – nước sẽ không dẫn độ họ.

Một nghi phạm người Nga khác là Oleg Pulatov đã được tha bổng. Trong số các nghi phạm, chỉ có Oleg Platov là thông qua luật sư để khẳng định không nhận tội.

Các đoạn ghi âm điện thoại thu được là chứng cứ quan trọng để cáo buộc các bị cáo, nó cho thấy họ tin rằng “mục tiêu” mà mình tấn công là một máy bay chiến đấu của Ukraine.

Chủ tọa phiên tòa Hendrik Steenhuis cho biết các bị cáo không được hưởng bất kỳ quyền miễn trừ truy tố nào vì họ không phải là thành viên  lực lượng vũ trang Nga.

Ông Steenhuis nói rằng “không có lý do hợp lý nào khác để nghi ngờ”, MH17 đã bị hệ thống tên lửa Buk của Nga bắn rơi.

Bản án bao gồm việc trả 16 triệu euro tiền bồi thường cho các nạn nhân, nếu người bị định tội không trả, số tiền này sẽ do Chính phủ Hà Lan trả.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu sau phán quyết rằng nghi phạm bị định tội là một bước quan trọng, nhưng không phải là kết luận cuối cùng.

Ông nói trong một tuyên bố: “Phán quyết về MH17 đã được chờ đợi từ lâu. Rất tốt, hiện giờ đã đến thời khắc này. Đây là một bước nữa trong hành trình tìm kiếm sự thật và công lý cho các nạn nhân và người thân của họ. Nhưng đây cũng là một ngày khó khăn đau khổ khác đối với nhiều người thân và bạn bè của 298 người đã thiệt mạng trong ngày kinh hoàng 17/7/2014.”

Ông cảnh báo rằng tất cả các bên đều có quyền kháng cáo. “Nhưng điều cần nhắc lại là, hôm nay đã tiến một bước quan trọng, hy vọng những người thân của nạn nhân cũng cảm thấy như vậy,” ông nói thêm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, phán quyết hôm thứ Năm của tòa án Hà Lan đánh dấu “thời khắc quan trọng của chính nghĩa và việc truy cứu trách nhiệm”.

Ông Stoltenberg viết trên Twitter: “Đối với loại tội ác này, không thể nào có tội mà không bị trừng phạt. Tôi biểu thị sự đồng tình với người nhà và những người thân yêu của 298 nạn nhân vô tội.”

“Gia đình các nạn nhân muốn sự thật, họ muốn công lý được nêu cao và những kẻ chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt, đó là sự thật. Tôi rất hài lòng,” ông Piet Ploeg, người đứng đầu một quỹ đại diện cho các nạn nhân, nói với Reuters. Ông cũng có người thân trong danh sách nạn nhân trên chuyến bay MH17.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi đây là một “quyết định quan trọng”.

“Nhưng điều cần thiết là những người đã ra lệnh [bắn hạ máy bay] cũng cần bị đưa ra vành móng ngựa,” ông Zelensky tweet.

Moscow đã phủ nhận mọi liên quan hoặc trách nhiệm đối với vụ việc này.

Tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm thứ Năm (17/11), Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev nói với các phóng viên rằng Chính phủ Nga sẽ nghiên cứu kết quả điều tra của tòa án.

Các nạn nhân của chuyến bay MH17, bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vào thời điểm xảy ra sự cố, họ đến từ 10 quốc gia khác nhau và hơn một nửa trong số họ là người Hà Lan.

Cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu, với sự tham gia của Ukraine, Malaysia, Úc và Bỉ.

Trí Đạt