Quốc hội Armenia đã bỏ phiếu phê chuẩn Quy chế Rome, theo đó tán thành Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái này của Armenia chắc chắn sẽ gây hiềm khích với Nga, quốc gia từ lâu đã coi Armenia là đồng minh trong khu vực.

Thu tuong Armenia Nikol Pashinyan
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại thủ đô Yerevan, Armenia vào ngày 21 tháng 7 năm 2023. (Nguồn ảnh: KAREN MINASYAN/AFP via Getty Images)

Đầu năm nay, Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.

“Nghị quyết [ phê chuẩn] đã được thông qua”, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan cho biết sau cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 10 được phát sóng trực tiếp. 

60 nhà lập pháp đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 22 người bỏ phiếu chống. Nếu tổng thống Armenia thông qua quyết định này thì quyết định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày.

Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và kịch liệt bác bỏ cáo buộc ông Putin phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. 

Các nhà lập pháp Armenia ủng hộ quyết định phê chuẩn Quy chế Rome khẳng định động thái này không nhằm vào Nga. Thay vào đó họ tuyên bố điều này nhằm giúp Armenia truy tố tội ác chiến tranh mà Azerbaijan – kẻ thù truyền kiếp của Armenia – đã gây ra. 

Còn các nhà lập pháp bỏ phiếu không tán thành động thái này nói rằng quyết định này không có lợi cho Armenia và nhằm phục vụ các mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn.

Những người phản đối phê chuẩn Quy chế Rome cũng cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Nikol Pashinyan gây nguy hiểm cho liên minh hàng chục năm của Armenia với Nga.

Từ năm 1991, Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự gồm 6 quốc gia do Nga lãnh đạo.

Việc phê chuẩn Quy chế Rome có nghĩa là Armenia – thành viên CSTO – sẽ phải bắt giữ ông Putin nếu ông đến thăm đất nước này.

“Rõ ràng là, chúng tôi không muốn có bất kỳ lý do gì để tổng thống [Nga] chọn không đến thăm Armenia”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói khi được hỏi về quyết định ngày 3/10 của Armenia. 

Cùng ngày, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo rằng, động thái của Armenia có thể sẽ có “những tác động cực kỳ tiêu cực” đối với quan hệ Nga-Armenia.

Ra đời lần đầu tiên vào năm 1998, Quy chế Rome hiện có 123 quốc gia ký kết, chưa kể Armenia.

Quan hệ Nga-Armenia rạn nứt

Động thái Armenia phê chuẩn Quy chế Rome diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Moscow và Yerevan. 

Vào giữa tháng Chín, Armenia đã đón tiếp quân đội Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận quân sự chung kéo dài 10 ngày.

Cuộc tập trận đó đã khiến Moscow tức giận. Nga vốn luôn coi Armenia là đồng minh và xem khu vực Nam Caucasus là sân sau của mình.

Tuy nhiên, chính tranh chấp đang diễn ra giữa Armenia với Azerbaijan ở khu vực điểm nóng Nagorno-Karabakh đã khiến cuộc khủng hoảng ngoại giao lên đến đỉnh điểm.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, Armenia đã trải qua hai cuộc chiến tranh lớn với Azerbaijan ở khu vực miền núi Nagorno-Karabakh. 

Mặc dù Nagorno-Karabakh có dân cư chủ yếu là người dân tộc Armenia, nhưng lãnh thổ này lại được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.

Vào ngày 19 tháng 9, Azerbaijan đã thực hiện một cuộc tấn công quân sự thành công để khẳng định quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và giải giáp các nhóm ly khai dân tộc Armenia.

Hoạt động quân sự này kết thúc trong vòng 24 giờ sau khi các thủ lĩnh phe ly khai đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian.

Vào thời điểm đó, thủ tướng Pashinyan lặp lại tuyên bố rằng Nga đã chưa làm đủ để ngăn chặn “sự xâm lược” của Azerbaijan. Nga đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực Nagorno-Karabakh từ năm 2020.  

Sau cuộc tấn công, những người dân tộc Armenia bắt đầu lũ lượt rời khỏi Nagorno-Karabakh, tuyên bố rằng họ lo sợ bị chính quyền Azerbaijan đàn áp.

Ông Pashinyan đổ lỗi cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ông cho rằng người Nga đã “khoanh tay đứng nhìn” trong cuộc tấn công của Azerbaijan.

Vào ngày 24 tháng 9, ông Pashinyan cho biết Armenia đã quyết định phê chuẩn Quy chế Rome vì “mối quan hệ đối tác chiến lược” với Nga không đủ “để đảm bảo an ninh bên ngoài cho Armenia”.

Bộ Ngoại giao Nga khi đó mô tả những nhận xét đó của thủ tướng Armenia là “một nỗ lực chuyển rời trách nhiệm về thất bại trong chính sách đối nội và đối ngoại của [Yerevan] bằng cách đổ lỗi cho Moscow”.

Sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Armenia ngày 3 tháng 10, ông Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, cũng tỏ ra không hài lòng với những khẳng định của ông Pashinyan.

Ông Peskov nói: “Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan rằng quyết định tham gia Quy chế Rome của Armenia là do sự kém cỏi của CSTO và quan hệ đối tác Armenia-Nga”.

Ông Peskov nói thêm: “Hầu hết người Armenia hiểu rằng CSTO và quan hệ đối tác Armenia-Nga là không thể thiếu vào thời điểm này”.

Moscow cũng nhanh chóng chỉ ra rằng Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận, ngay cả chính ông Pashinyan cũng đồng tình rằng, Nagorno-Karabakh một phần của Azerbaijan.

Mặc dù Azerbaijan không phải là thành viên CSTO, nhưng nước này có quan hệ chặt chẽ với Nga.

‘Mỹ tìm cách lôi kéo Armenia’

Một số quan chức Nga tuyên bố rằng Mỹ đang tìm cách lôi kéo Armenia tách ra khỏi liên minh với Moscow và động thái này của Washington là nhằm mục đích thiết lập “chỗ đứng” ở Nam Caucasus.

Tuyên bố của các quan chức Nga nêu trên dường như có một số cơ sở thực tế. Tại phiên điều trần ngày 14 tháng 9 của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, bà Yuri Kim, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Châu Âu và Á-Âu, đã công khai kêu gọi tăng cường nỗ lực để “thuyết phục” Armenia hợp tác với phương Tây.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng “một số quan chức” (ám chỉ đến ông Pashinyan) ở Yerevan, đã tìm cách đưa Armenia vào con đường thân phương Tây.

Ông Lavrov nói: “Có rất nhiều quan chức [trong chính phủ Armenia] mong muốn bỏ liên minh với Nga và kết bạn mới”. 

Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại quốc hội Armenia về thông qua Quy chế Rome, ông Lavrov đã đề cập đến những đề xuất của Armenia rằng nước này cuối cùng có thể quyết định rút khỏi CSTO.

Ông Lavrov nói: “Như một số nhà lãnh đạo Armenia khẳng định, nếu đã không hài lòng với Nga và CSTO, giờ họ sẽ tìm kiếm các đối tác an ninh ở nơi khác, thì đây là chủ quyền lựa chọn của họ”.

Đề cập đến chính phủ của ông Pashinyan, ông Lavrov nói thêm: “Tôi chỉ hy vọng mối quan hệ hàng thế kỷ giữa người dân hai nước Nga và Armenia sẽ không bị phá hủy bởi một chính quyền tạm thời”.