Theo một báo cáo tình báo nguồn mở của Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nâng cao khả năng nghiên cứu virus và công nghệ nano ứng dụng cho chiến tranh.

Vladimka production Shutterstock
(Ảnh minh họa: Vladimka production/ Shutterstock)

Theo tờ Washington Times, một tổ chức tư vấn cho tình báo Mỹ về nghiên cứu các mối đe dọa của Trung Quốc liên quan đến vấn đề sinh học đã đưa ra một báo cáo cho rằng ngoài mục đích dân sự thì chương trình nghiên cứu virus của ĐCSTQ có thể có cả mục đích dùng cho chiến tranh quân sự.

Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện có năng lực nội địa hùng mạnh, có thể cung cấp cho ĐCSTQ một loạt các lựa chọn tấn công đối thủ ở mức độ mà đối thủ hoàn toàn không lường được vì không có khả năng tương ứng.

Trước đây ĐCSTQ thúc đẩy hợp tác quốc tế chuyên sâu và có mục tiêu để có được công nghệ và chuyên môn cần thiết cho các chương trình công nghệ nano và virus học, nhưng bằng chứng mới cho thấy tình hình hiện đã thay đổi vì họ hoàn toàn đã có khả năng tự chủ.

Chiến lược vũ khí sinh học của ĐCSTQ

Chiến lược phát triển vũ khí sinh học của ĐCSTQ đã bị che đậy bởi nhiều nhà phân tích tình báo và chiến lược, thay vào đó họ tập trung vào việc nhà cầm quyền này xây dựng quân đội thông thường quy mô lớn. Báo cáo cho biết Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ và các đồng minh về mặt quân sự, nhưng việc phát triển vũ khí sinh học của nước này mang lại những lợi thế bất đối xứng đáng kể.

Báo cáo chỉ ra chiến lược lớn của ĐCSTQ là tiếp tục nghiên cứu về mầm bệnh có nguy cơ cao, họ đang tiếp tục nghiên cứu về các loại virus mà đối với phương Tây đó là loại cấm kỵ, chẳng hạn như loại SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 giết chết hàng triệu người trong đại dịch toàn cầu. Nghiên cứu về SARS-CoV-2 của Trung Quốc được biết đến gần đây cho thấy có biểu hiện mới nằm ngoài phạm vi kiểm soát hiện có của vắc-xin, phương pháp điều trị, phòng ngừa hoặc chẩn đoán, đặt ra câu hỏi về khả năng virus này được sử dụng cho mục đích quân sự.

Báo cáo cho biết: “Việc công việc này vẫn tiếp tục, bao gồm cả ở chính Vũ Hán, có thể chỉ ra logic chiến lược rộng hơn làm nền tảng cho việc tiếp tục nghiên cứu về các mầm bệnh có nguy cơ cao”.

Vào ngày 4/1 Trung tâm Trọng điểm Về khoa học và kỹ thuật vật liệu mềm – Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh đã tiến hành thí nghiệm có rủi ro cao trên loại virus gây ra dịch bệnh COVID-19 là SARS-Cov-2. Các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm cho biết một loại virus Corona mới được phân lập từ tê tê đã gây ra cái chết 100% ở chuột con được “gen hóa” (transgenesis) để có khả năng mang gen của con người. Trong phiên bản mới của công bố nghiên cứu vào ngày 24/1/2024, các nhà nghiên cứu đã lược bỏ diễn đạt ‘gây chết người’ nhằm biện minh cho nghiên cứu của họ như một phương pháp nghiên cứu để phát triển vắc-xin hoặc thuốc.

Nhà trường [Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh] tuyên bố trong thông báo tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài năm 2021 rằng công việc của trường bao gồm “lấy hội nhập công nghiệp-đại học và hội nhập quân sự-dân sự làm trọng điểm phát triển”.

Tình báo Mỹ vào tháng 8 năm ngoái đã xác định Đại học Công nghệ Vũ Hán là một trong những nguồn tiềm năng bùng phát SARS-CoV-2, do một nhóm nhà khoa học tại trường này đã tạo ra một chủng virus mà khi nhiễm vào những con chuột gây tỷ lệ chết cực cao, đặc biệt nghiêm trọng là loại virus này cũng có khả năng lây nhiễm sang người.

Công nghệ sinh học nano của Trung Quốc có liên quan đến quân sự

Báo cáo cho biết nghiên cứu công nghệ nano của ĐCSTQ cũng liên quan đến năng lực quân sự, bao gồm bao gồm việc sử dụng công nghệ nanomedicine để phát triển vũ khí, robot nhỏ và vũ khí tự động, vũ khí sinh học mạng nano, ám sát bí mật và chiến tranh sinh học có mục tiêu.

Báo cáo cho biết những khả năng này có thể thay đổi từ căn bản tính chất của thế hệ nghiên cứu lưỡng dụng tiếp theo của ĐCSTQ. Việc ĐCSTQ ưu tiên có chủ ý đối với nghiên cứu mầm bệnh sử dụng kép (dân sự và quân sự) và công nghệ nano, cho thấy họ ý thức rõ việc cần thiết phát huy điểm mạnh của họ, đồng thời đánh giá điểm yếu của đối thủ.

Viện Khoa học Vật lý Hợp Phì của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc gần đây đã phát triển mô hình robot nano phân tử DNA “thông minh” dùng cho hoạt động y dược, tuy nhiên chúng cũng tiềm ẩn khả năng sử dụng cho vũ khí sinh học. Báo cáo chỉ ra khả năng chuẩn xác của robot nano này ứng dụng đưa các tác nhân sinh học trực tiếp đến các tế bào mục tiêu với độ chính xác như vậy, nhưng cũng có thể có tác dụng kép [dùng trong quân sự], đặc biệt là với mối quan hệ đã được thiết lập giữa Viện Hợp Phì và quân đội Trung Quốc.

Chiến lược về khoa học – công nghệ cao trong chiến tranh của Mỹ

Là một phần trong chiến lược thúc đẩy các công nghệ tiên tiến, Ủy ban Khoa học Quốc phòng của Lầu Năm Góc đang nỗ lực phát triển các loại vũ khí và khả năng chiến lược mới, mục tiêu nhằm mang lại lợi thế bất đối xứng duy trì địa vị thống trị tác chiến của quân đội Mỹ.

Trong một bản tóm tắt điều hành được công bố vào tháng 11/2023, Ủy ban đã vạch ra chiến lược và cung cấp một số manh mối về công việc bí mật mà họ đang triển khai.

Chủ tịch Ủy ban Eric Evans cho biết trong bản tóm tắt của mình rằng nhóm lựa chọn chiến lược của Ủy ban đã được chuyển đổi thành một tiểu ban DSB thường trực mới, tiểu ban này chuyên về vũ khí và khả năng chiến đấu mới. Tiểu ban sẽ nghiên cứu những hệ thống hiệu quả để nâng cao khả năng của quân đội Mỹ trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột, và trong trường hợp việc ngăn chặn thất bại thì sẽ giành chiến thắng trong các cuộc chiến với chi phí thấp nhất.

“Nhóm công tác đã tập trung đánh giá các nguồn lực dưới biển và quan điểm tác chiến, các cách phát huy mới về không gian, phát triển các biện pháp đối phó tác chiến điện tử mới, sử dụng vũ khí mạng…, xem xét năng lực của đối thủ trong các vấn đề trên nhằm phá vị phế thống trị của Mỹ”, ông Evans nói.

Một bản ghi nhớ về các lựa chọn chiến lược ban hành vào ngày 5/10 năm ngoái do Thứ trưởng Heidi Shyu của Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách, tuyên bố rằng tiểu ban mới chịu trách nhiệm phát triển và sử dụng các hệ thống không gian, công cụ tác chiến mạng, vũ khí tác chiến điện tử, các ứng dụng tốt hơn về hậu cần và hệ thống cung cấp để chống lại các mối đe dọa chiến lược.

Bà cho hay, một lĩnh vực trọng tâm mới là về chiến lược phản gián.

Chiến lược phản gián nhắm vào các cơ quan tình báo nước ngoài của Trung Quốc và Nga, những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc đối thủ bí mật thúc đẩy các mục tiêu quân sự. Một cách để vô hiệu hóa các tổ chức này là sử dụng chiến lược lừa dối hoặc nội gián. Chiến lược này từ lâu đã được các quan chức phản gián Mỹ khuyến khích, nhưng phần lớn lại bị các quan chức cơ quan tình báo phản đối vì đánh giá rằng hoạt động phản gián sẽ làm phức tạp thêm các hoạt động và mạng lưới gián điệp của họ.

Các lĩnh vực trọng tâm khác của tiểu ban DSB mới bao gồm những gì Lầu Năm Góc đã định nghĩa một cách mơ hồ là “răn đe tổng hợp theo từng khu vực và theo tình huống cụ thể”. Chiến tranh tiên tiến dưới đáy biển và chiến tranh chống tàu ngầm sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ cao khác cũng đang được nghiên cứu.

Cuối cùng, ủy ban cũng đang thúc đẩy nghiên cứu “ngưỡng leo thang” và quy luật hành vi của đối thủ, cũng như ngăn chặn các hoạt động cưỡng bức và ác ý mà quân đội gọi là “chiến tranh vùng xám” (các cuộc xung đột hoặc hành động quân sự xảy ra ở mức độ thấp hơn so với cuộc chiến tranh thực tế).