Các báo cáo gần đây cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cung cấp công nghệ cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế và kiểm soát xuất khẩu.

Embed from Getty Images

Theo đánh giá của Tạp chí Phố Wall (WJS) về dữ liệu hải quan Nga vào ngày 4/2, các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã “vận chuyển thiết bị định vị, công nghệ gây nhiễu và các bộ phận máy bay chiến đấu cho các công ty quốc phòng thuộc sở hữu của chính phủ Nga”. Bản đánh giá thể hiện rõ, các công ty tư nhân và thuộc sở hữu của Trung Quốc đang xuất khẩu hàng hóa quân sự và dân sự lưỡng dụng sang Nga.

Đánh giá của WSJ đã phân tích hơn 84.000 lô hàng được cơ quan hải quan Nga ghi lại kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vào năm ngoái, đặc biệt là những hàng hóa quan trọng đối với quân đội Nga.

Hồ sơ hải quan Nga mà WSJ đã xem xét bao gồm thông tin chi tiết của từng chuyến hàng vào nước này, chẳng hạn như ngày tháng, người gửi hàng, người nhận, người mua, địa chỉ và mô tả sản phẩm. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì việc đánh giá đã chỉ ra rằng, hồ sơ thu thập đó có thể không bao quát đầy đủ toàn bộ ghi chép về các lô hàng.

Theo đánh giá của WSJ về hồ sơ hải quan và doanh nghiệp, đã gần một năm kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn có thể sở hữu được các hàng hóa công nghệ cho quân đội của mình, bao gồm cả chất bán dẫn, thông qua các quốc gia chưa tham gia kiểm soát xuất khẩu với Hoa Kỳ như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Trung Quốc.

Báo cáo trích dẫn nhận định của một nhà phân tích từ tổ chức phi chính phủ C4ADS: “Các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vẫn tiếp tục gửi các bộ phận có thể sử dụng trong quân sự cho các công ty quốc phòng Nga bị trừng phạt. Các công ty Nga này đã được ghi nhận là sử dụng trực tiếp các loại bộ phận này trong chiến tranh của Nga.”

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ phủ nhận việc “Trung Quốc cung cấp ‘viện trợ’ cho Nga.”

Chất bán dẫn từ Trung Quốc và Hồng Kông

Chất bán dẫn, còn được gọi là chip, được sử dụng trong tên lửa và máy bay không người lái.

Một số hãng truyền thông quốc tế khác cũng đưa tin, hàng triệu con chip sản xuất tại Hà Lan đã chảy sang Nga thông qua các công ty Trung Quốc và Hồng Kông để né tránh các lệnh trừng phạt.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng giá trị mua chất bán dẫn của Nga đạt 2,45 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 1,8 tỷ USD trong toàn bộ năm trước. Đáng lưu ý, 40% giao dịch mua là từ Trung Quốc và Hồng Kông.

IIF cho hay, Trung Quốc và Hồng Kông đã thay thế các nước thuộc Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS đưa tin, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, hàng triệu con chip do Hà Lan sản xuất đã được bán lại cho Nga thông qua các công ty Trung Quốc.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ, ông Wang He, nhận xét với The Epoch Times, chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách hiện tại của mình, “không công khai lên án Nga, thậm chí còn hỗ trợ Nga một cách riêng tư. Trong việc đối phó với Hoa Kỳ, họ sẽ thẳng thừng từ chối rằng các công ty nhà nước Trung Quốc đang hoạt động thay mặt cho chính quyền Trung Quốc.”

Ông Su Tze-yun, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan cũng nói với The Epoch Times rằng, chiến lược lớn của Hoa Kỳ trong việc giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc và Nga trước tiên là tiếp tục cô lập Nga, sau đó tập trung đối phó với chế độ cộng sản Trung Quốc. 

Ông dự đoán: “Trong khoảng tháng 3 đến tháng 4 năm nay, cuộc phản công của Ukraine có thể khiến Chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc, đây sẽ là bước ngoặt cho cục diện chính trị toàn cầu. Khi đó các nước lớn trên thế giới sẽ tập trung bao vây chế độ Trung Quốc, và các biện pháp đối phó của họ đối với Bắc Kinh sẽ tăng lên.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)