Bộ Quốc phòng Mỹ đã cáo buộc Iran sắp đặt một vụ tấn công hôm thứ Bảy (23/12) bằng máy bay không người lái (drone) vào một tàu chở dầu tại Ấn Độ Dương. Vụ tấn công này không gây thiệt hại về người và cũng không khiến tàu hư hỏng nặng.

Trong tuyên bố gửi Reuters hôm Chủ nhật (24/12), một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc rằng tàu chở hóa chất Chem Pluto “treo cờ Liberia, thuộc sở hữu của Nhật Bản và do Hà Lan vận hành” đã bị tấn công ở vùng biển cách bờ biển Ấn Độ 200 dặm (370km) “bởi một chiếc drone một chiều được phóng đi từ Iran”.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vụ tấn công xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 23/12 (6 giờ sáng giờ GMT), không gây thương vong và không làm tàu hư hỏng nặng. Đám cháy trên tàu cũng được dập tắt và khi đó không có tàu Hải quân Mỹ nào hoạt động gần.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội nước này “vẫn duy trì liên lạc với chiếc tàu [bị tấn công] đó khi nó tiếp tục di chuyển về điểm đến tại Ấn Độ”.

Cảnh sát biển Ấn Độ nói rằng không có nguy hiểm tới tính mạng của 21 thành viên thủy thủ đoàn và họ đã dập tắt được lửa trên thuyền sau khi “bị drone tấn công”.

Công ty an ninh hàng hải Anh Quốc Ambrey tuyên bố rằng chiếc tàu bị tấn công nêu trên là “có liên kết với Israel”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Công ty Ambrey cũng nói rằng chiếc tàu chở dầu đó đang di chuyển trên tuyến đường biển quen thuộc từ Ả Rập Saudi tới Ấn Độ.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng công ty Hà Lan vận hành chiếc tàu MV Chem Pluto vừa bị tấn công đó “có liên quan đến tài phiệt tàu biển Israel Idan Ofer”.

Hải quân Ấn Độ nói rằng họ đã phản hồi với yêu cầu hỗ trợ từ tàu Chem Pluto. Hiện chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công nêu trên.

Tháng trước, một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Israel đã bị tấn công trên Ấn Độ Dương bởi một drone của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, theo một quan chức Mỹ. Theo công ty Ambrey, chiếc tàu treo cờ Malta do một công ty có liên kết với Israel quản lý này đã bị hư hại khi drone phát nổ gần nó.

Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo về vụ tàu biển bị tấn công tại Ấn Độ Dương vào thời điểm chỉ một tuần sau khi nhóm Houthi tại Yemen thề sẽ tấn công các tàu có liên kết với Israel đi qua Vịnh Aden hướng đến Biển Đỏ. Houthi được cho là có sự hậu thuận của Iran đưa ra tuyên bố đó nhằm phản ứng các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Israel vào Gaza từ ngày 8/10 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Với sự đe dọa của Houthi, hàng nghìn tàu biển đã buộc phải thay đổi lộ trình, đi vòng qua châu Phi để tránh rủi ro bị tấn công dù tốn thêm thời gian và chi phí di chuyển.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Israel – Hamas, Bộ Quốc phòng Mỹ công khai cáo buộc Iran nhắm mục tiêu trực tiếp vào các tàu biển. Iran ủng hộ Hamas, trong khi Mỹ, Anh Quốc, EU và một số đồng minh của họ liệt nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine này là nhóm khủng bố.

Mỹ trước đó cũng đã cáo buộc Iran “liên quan sâu sắc” tới các cuộc tấn công của nhóm Houthi vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ. Washington cáo buộc Tehran cung cấp cho Houthi drone, tên lửa và thông tin tình báo. Iran đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định rằng “các nhóm kháng chiến” đang hoạt động độc lập và “không nhận lệnh từ Tehran”.

Tuy vậy, một quan chức cấp cao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm thứ Bảy (23/12) đã cảnh báo rằng họ sẽ đóng cửa các tuyến đường thủy khác nếu Israel không dừng cuộc chiến với Hamas.

Hãng tin nhà nước Iran Tasnim dẫn lời Thiếu tướng Mohammad Reza Naqdi tuyên bố: “Với việc tiếp tục những tội ác này, Mỹ và các đồng minh của Mỹ nên chuẩn bị cho sự nổi lên của các lực lượng kháng chiến mới và việc đóng cửa các tuyến đường thủy khác”. Trong các tuyến đường thủy mà ông Naqdi đề cập có Biển Địa Trung Hải, nhưng ông ta không nêu thêm chi tiết.

Hải Đăng (T/h)