Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào hôm thứ Năm (4/4) đã bay tới Quảng Châu, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm. Nhiệm vụ của bà trong chuyến đi này bao gồm cố gắng thuyết phục Trung Quốc từ bỏ việc ‘bán phá giá’.

Janet Yellen
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào hôm thứ Năm (4/4) đã bay tới Quảng Châu. Bà Yellen nổi tiếng ôn hòa trong chính giới Mỹ. (Ảnh chụp màn hình video AP)

Theo Reuters, hôm thứ Năm (4/4) Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sau khi đến trung tâm công nghiệp phía Nam của Trung Quốc là Quảng Châu, bà đã gửi thông điệp cứng rắn: Trung Quốc sản xuất dư thừa quá nhiều thứ, đặc biệt là các sản phẩm năng lượng sạch, thế giới không thể hấp thụ được.

Từ thứ Sáu (5/4) đến thứ Hai tuần sau (8/4), bà Yellen sẽ tổ chức một loạt cuộc họp với các quan chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc để cố gắng truyền đạt quan điểm của bà rằng: Sản xuất quá mức là không tốt cho Trung Quốc.

Mối lo ngại về vấn đề sản xuất dư thừa tại Trung Quốc đang gia tăng ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Mexico và các nền kinh tế lớn khác.

Ngoài ra, bà Yellen cũng muốn giải thích với nhà chức trách Trung Quốc: “Nếu có những hành động thương mại trên khắp thế giới đối với Trung Quốc, đó sẽ không phải là chống Trung Quốc, mà là phản ứng đối với các chính sách của [Đảng Cộng sản] Trung Quốc”.

Trên đường đến Quảng Châu, bà Yellen từ chối cho biết trong các cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Tỉnh trưởng Quảng Đông Vương Vĩ Trung, liệu bà có nêu ra áp lực mới về thuế quan của Mỹ hay không.

Nhưng bà cho biết chính quyền Tổng thống Biden quyết tâm sử dụng biện pháp thuế để phát triển chuỗi cung ứng của Mỹ bao gồm như xe điện, năng lượng mặt trời và các sản phẩm năng lượng sạch khác, ngoài ra “không loại trừ những cách khả thi khác mà chúng tôi có thể dùng để bảo vệ những chuỗi cung ứng đó”.

Việc hàng hóa sản xuất của Trung Quốc tiêu biểu như xe điện (EV), pin, tấm pin mặt trời, chất bán dẫn… tràn ngập thị trường toàn cầu được cho là kết quả của nhiều năm trợ cấp lớn của chính phủ và nhu cầu nội địa yếu ở Trung Quốc. Điều đó khiến giá của nhiều mặt hàng tại khắp nơi đang không ngừng sụt giảm, gây áp lực lớn đối với các nhà sản xuất ở các nước.

Theo RFI