Sự ra đời của Thỏa thuận quốc phòng mới AUKUS vào tuần trước nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã bổ sung thêm vào danh sách các thỏa thuận giữa các nền dân chủ nhằm chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Đối tác Bộ Tứ – vốn được tạo ra sau trận sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương năm 2004, và thậm chí liên minh gián điệp “Ngũ Nhãn” từ thời chiến tranh thế giới lần thứ hai hiện nay dường như đều tập trung chủ yếu vào Bắc Kinh.

Mạng lưới ngày càng phát triển này đã khiến Trung Quốc giận dữ.

Embed from Getty Images

Thỏa thuận AUKUS  

Thỏa thuận đối tác an ninh mới của Mỹ – Anh – Úc sẽ hỗ trợ Canberra xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (nhưng không phải vũ khí hạt nhân).

Thỏa thuận mới cho thấy, Mỹ đang tìm cách hình thành một liên minh quốc phòng bền chặt hơn tại châu Á để làm đối trọng với việc Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng vũ trang của họ.

Từ lâu, Úc đã cố gắng cân bằng quan hệ an ninh với Mỹ và quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, cho rằng không cần lựa chọn phe. Nhưng việc Bắc Kinh liên tục trả đũa trừng phạt về thương mại sau khi Thủ tướng Scott Morrison thúc đẩy cuộc điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 dường như đã làm thay đổi mạnh mẽ những tính toán chiến lược của Canberra.

>> Xem thêm: Phân tích: AUKUS cho thấy sự chuyển dịch trọng điểm chiến lược, ĐCSTQ bất an 

Tầm quan trọng của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân

Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân có ưu thế hơn hẳn so với tàu chạy bằng năng lượng điện-diesel: Chúng nhanh hơn, có thể lặn dưới nước thời gian lâu hơn nhiều, và cũng lớn hơn – cho phép chúng chở được nhiều vũ khí, thiết bị và vật tư hơn.

Do vị trí địa lý xa xôi của Úc và thực tế là tàu ngầm có thể hoạt động trong các vùng nước trải dài từ Ấn Độ Dương tới Nhật Bản, nên những đặc điểm trên mang lại nhiều ưu thế lớn đối với Úc. Cho tới nay, chỉ có sáu nước – Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ – có công nghệ để triển khai và vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Bộ Tứ Kim Cương

Bộ Tứ đã gắn kết Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc với nhau trong một liên minh không chính thức của các nền dân chủ, chia sẻ các lợi ích kinh tế và an ninh trải dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Được thành lập để phối hợp các nỗ lực cứu trợ sóng thần năm 2004, nó đã không hoạt động trong nhiều năm cho tới tận 2017 khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách thách thức Trung Quốc trên diện rộng. 

TT Joe Biden hiện vẫn duy trì việc kết nối với Bộ Tứ, đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đầu tiên với các lãnh đạo Bộ Tứ hồi tháng Ba và vừa tổ chức cuộc họp trực tiếp với họ tại Nhà Trắng hôm 24/9 vừa qua. 

Dù tuyên bố của Bộ Tứ không đề cập thẳng đến Trung Quốc, nhưng các cuộc thảo luận về chiến lược an ninh, chuỗi cung ứng, công nghệ viễn thông 5G, cơ sở hạ tầng… đều nhắm đến việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

 

Liên minh Ngũ Nhãn

Đây là một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo trong nhiều thập kỷ giữa Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Nó từng bí mật tốt tới mức sự tồn tại của nó không được tiết lộ công khai tận tới giữa những năm 2000. 

Các dấu hiệu cho thấy sự hợp tác giữa liên minh tình báo bắt đầu từ 3 năm trước khi Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ.

Sau đại dịch virus corona và việc Trung Quốc áp đặt Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, đã xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng về hành động phối hợp của năm thành viên trong “Ngũ nhãn” để đối phó với Trung Quốc, với bằng chứng là các nước này đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố chung về Hồng Kông và tuyên bố về đối thoại kinh tế trong nhóm để điều phối việc sản xuất các mặt hàng chiến lược.

Tuy vậy, gần đây New Zealand đã có động thái xem chừng đảo ngược cam kết trước đó với các đồng minh khi tuyên bố không tham gia lên tiếng các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc trong tư cách thuộc mạng lưới tình báo Ngũ Nhãn.

Vì sao đều tập trung vào Trung Quốc?

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại không chỉ đối với Mỹ, mà đối với hầu hết các nền dân chủ và các nước láng giềng của Trung Quốc trên khắp thế giới.

Sự phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc là một mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với các nước láng giềng như Ấn Độ và Philippines. Đồng thời, nó cũng đe dọa sự hiện diện quân sự của Mỹ – vốn là cơ sở cho cấu trúc an ninh châu Á trong nhiều thập kỷ.

Ví dụ, các nhà quan sát tại Đại học Sydney năm ngoái đã cảnh báo rằng kho tên lửa ngày càng lớn của Trung Quốc có thể xoá sổ các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á ngay từ “những giờ đầu tiên” trong bất cứ cuộc xung đột nào. 

Việc kinh tế Trung Quốc vươn ra toàn cầu đã đang được mở rộng đáng kể khi các công ty thuộc sở hữu nhà nước mua các tài sản chiến lược như các cảng biển khắp thế giới. 

Nghệ thuật quản lý nhà nước của Trung Quốc – dẫn đầu là các nhà ngoại giao “”sói chiến”- đã ngày càng  trở nên hung hãn hơn, đặc biệt trong suốt đại dịch COVID-19.

Phản ứng của Trung Quốc và các nước láng giềng

Bắc Kinh đã không ngừng chỉ trích điều được họ gọi là “tâm thái chiến tranh lạnh,” lên án các quan hệ đối tác như vậy là bè đảng chống Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cho rằng AUKUS sẽ khuấy động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, các thành viên trong nhóm không chỉ cố gắng cạnh tranh, mà còn cố kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách giăng mạng lưới quân sự quanh họ tại các tuyến đường thuỷ sống còn như biển Đông và phá hoại sự phát triển kinh tế của đất nước họ. 

Ấn Độ và Nhật Bản hoan nghênh thỏa thuận AUKUS dù không nằm trong liên minh này.

Tại Đông Nam Á, Philippines cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với AUKUS. 

Trong khi đó, Malaysia và Indonesia bày tỏ lo ngại sâu sắc về khả năng bùng nổ một cuộc chạy đua vũ trang hoặc hoạt động gây hấn trong khu vực. Singapore và Việt Nam giữ lập trường trung lập hơn.

Đất nước anh em của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên đã hùa theo Bắc Kinh lên án AUKUS là “không được mong đợi và gây nguy hiểm.” Bình Nhưỡng nói rằng động thái chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Úc sẽ càng làm nổi bật sự cần thiết đối với việc Triều Tiên tiếp tục phát triển kho vũ khí nguyên tử của họ.

Ngân Hà (t/h)

Xem thêm: