Ông Aleksey Danilov, lãnh đạo của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình quốc gia hôm thứ Sáu (4/8) đã thừa nhận rằng Ukraine gần như không có cơ hội tự sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ông Aleksey Danilov được hỏi khi xuất hiện trên truyền hình quốc gia rằng liệu Ukraine có thể hy vọng lấy lại được vị thế quốc gia hạt nhân mà họ đã đánh mất thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ hay không, ông đáp: “Nói về kho vũ khí [hạt nhân], thì đó là phức tạp với chúng ta, chúng ta hãy thực tế – điều này gần như là không thể. Và đó không chỉ vì một số vấn đề chính trị, mà còn do các vấn đề công nghệ”.

Ông Aleksey Danilov tiếp tục nói rằng kho chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Ukraine đã từng sử dụng để chứa loại vũ khí này “là một vấn đề phức tạp”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng đã đang có những trường hợp mà các cường quốc phi hạt nhân được các quốc gia đồng minh NATO cung cấp vũ khí hạt nhân.

Tôi không thể nói với bạn liệu điều này có xảy trong trường hợp của chúng tôi hay không”, ông Aleksey Danilov nói với phóng viên và cho biết thêm rằng mọi nỗ lực của Kyiv trong lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với những cản trở nghiêm trọng.

Những bình luận nêu trên của ông Aleksey Danilov là trái ngược với tuyên bố trước đó của ông Aleksey Arestovich, cựu cố vấn của Tổng thống Zelensky. Ông Aleksey Arestovich hồi tháng Sáu nói rằng Kyiv có thể nhanh chóng tự phát triển kho hạt nhân và có được vật liệu phân hạch cần thiết này.

Trong cuộc trao đổi với nhà hoạt động người Nga Mark Feygin hồi tháng Sáu, khi ông Arestovich được hỏi liệu Kyiv có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, ông đã đáp dứt khoát: “[Ukraine] có thể… trong thời gian ngắn”.

Cựu cố vấn của Tổng thống Zelenksy cũng nói nếu Ukraine trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân, thì “[Ukraine] nên hoặc là được chấp nhận vào NATO trong một ngày… hoặc là chúng tôi sẽ chế tạo vũ khí hạt nhân, bởi vì không có những đảm bảo an ninh nào khác”.

Ông Arestovich từ hồi tháng Tư cũng đã nói rằng Ukraine có thể phát triển một quả bom hạt nhân trong chưa đầy một năm, nhưng ông lưu ý thêm rằng Kyiv đang không làm vậy bởi vì một động thái như thế sẽ vi phạm các nghĩa vụ quốc tế mà quốc gia này đã cam kết.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Ukraine đã được thừa hưởng khoảng 1/3 đầu đạn hạt nhân của quốc gia cộng sản, cùng với cơ sở hạ tầng kèm theo.

Năm 1994, Ukraine đã tình nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại nhận được đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh Quốc và Nga theo Nghị định thư Budapest.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây các quan chức Nga đã nhiều lần cáo buộc phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine đã làm tổn hại đến thỏa thuận Budapest 1994.

Đầu năm 2022, thời gian ngắn sau khi Nga điều động quân đội tràn sang Ukraine, Tổng thống Zelensky đã bắn tín hiệu rằng Kyiv có thể nỗ lực giành lại vị thế quốc gia hạt nhân.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước khi xảy ra chiến tranh, Ukraine đã tham gia vào các cuộc đàm phán để lấy lại vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng tuyên bố rằng việc Kyiv đe dọa khởi động lại chương trình vũ khí hạt nhân là một trong những yếu tố chính thúc đẩy Nga phát động cuộc chiến tranh Ukraine mà Moscow gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Hải Đăng (Theo RT)