Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, Liên minh châu Âu sẽ tìm cách mở rộng biên giới phía Đông và thu hút Ukraine cùng phía Tây Balkan vào cuối thập kỷ này.

Embed from Getty Images

Phát biểu tại Diễn đàn Bled Stratic tuần này, ông Charles Michel – người đứng đầu cơ quan ra quyết định hàng đầu của liên minh – nhận định rằng EU phải tìm cách sáp nhập Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá vào năm 2030. Chính trị gia người Bỉ còn tiết lộ thêm ý định tiếp cận các nước Tây Balkan.

“Chúng ta phải đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng. Tôi tin rằng chúng ta phải sẵn sàng để mở rộng ở cả hai phía vào năm 2030. Đây là tham vọng nhưng cần thiết. Điều đó cho thấy rằng chúng tôi rất nghiêm túc,” ông Michel nhấn mạnh.

“Việc kết nạp các thành viên mới vào liên minh của chúng tôi sẽ không dễ dàng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính sách, chương trình của chúng tôi và ngân sách của họ. Ngoài ra, sẽ cần đòi hỏi cải cách chính trị, và lòng dũng cảm chính trị.”

Ông tiếp tục: “Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh khuôn khổ thể chế và các thủ tục của mình để tiến tới một EU mở rộng có thể đưa ra các quyết định hiệu quả và kịp thời… Đây sẽ là một vấn đề khó giải quyết. Nhưng không có cách nào né tránh.”

Tuy nhiên, mục tiêu cao cả có thể nói dễ hơn làm, bởi ngay cả Brussels cũng bị chia rẽ về vấn đề này, Politico đưa tin.

Ngày 29/8, phó phát ngôn viên của Ủy ban EU Dana Spinant đã bác bỏ ý tưởng về khung thời gian chắc chắn để đạt được việc mở rộng liên minh. Ông nói: “Chúng tôi không tập trung vào thời gian cụ thể, mà tập trung hợp tác rất chặt chẽ với các quốc gia ứng cử viên để sẵn sàng cho việc tham gia Liên minh châu Âu.”

Ông Spinant lưu ý thêm, ông Michel đã không thông báo cho Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen về ý định công bố mục tiêu năm 2030 trước khi phát biểu tại Slovenia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như cũng có quan điểm khác với ông Michel, khi đề xuất trong tuần này rằng cần có một quá trình tăng tốc cho từng quốc gia ứng cử viên.

Việc kết nạp các quốc gia phía Tây Balkan và Ukraine cũng sẽ là một điều khó khăn, vì điều đó yêu cầu liên minh phải thay đổi cấu trúc xung quanh việc phân bổ vốn và quyền biểu quyết của mỗi quốc gia thành viên.

Ngoài ra, còn có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến việc di chuyển tự do và tiền lương, vì người nghèo ở các quốc gia như Ukraine – nơi mức lương trung bình hàng tháng chỉ là 361 Euro trước cuộc xâm lược của Nga – có thể sẽ tìm cách di chuyển ồ ạt về phía Tây, từ đó dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư nội bộ ở các quốc gia như Đức và Ba Lan, nơi mức lương cao hơn đáng kể.

Một vấn đề đáng quan ngại khác, là việc EU mở rộng lãnh thổ như vậy có thể khiến nông dân trên khắp châu Âu bị thiệt hại do giá thực phẩm rẻ hơn được sản xuất ở Ukraine (vựa bánh mì của lục địa này), mà sẽ không còn bất kỳ mức thuế hoặc hạn chế nào áp dụng đối với hàng hóa của họ, khi nước này trở thành một phần của thị trường chung châu Âu.

Vấn đề mối quan hệ giữa Ukraine – Nga cũng là một điểm mấu chốt. Mặc dù EU không có hiệp ước phòng thủ chung như liên minh NATO, nhưng vẫn còn phải xem khối này sẽ phản ứng ra sao nếu tranh chấp lãnh thổ trở thành cuộc chiến bạo lực sau khi Ukraine được chấp thuận gia nhập EU.

Minh Ngọc (Theo Breitbart)