Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul hôm thứ Sáu (1/9) nói rằng mối quan hệ đối tác giữa hai nhà lãnh đạo tối cao Nga và Trung Quốc khiến ông lo lắng. Ông cũng nói: “Tôi cho rằng chúng ta chưa bao giờ thấy mối đe dọa ở quy mô lớn như thế này đối với châu Âu và [khu vực] Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II”.

Ông Michael McCaul là thành viên Đảng Cộng hòa, đại biểu cho tiểu bang Texas tại Hạ viện liên bang. Theo AP, ông nói hôm 1/9 trong chuyến thăm Thụy Điển rằng liên minh giữa lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin “đem đến một thách thức rất lớn cho thế giới tự do trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường mà chính chúng ta đang tham gia”.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Cánh hữu 2023 (CPAC 2023) hồi đầu tháng Ba cũng đã cảnh báo rằng chính quyền Biden không nên để Nga và Trung Quốc gần gũi nhau.

Ông Trump khi đó nói rằng lúc ông tại nhiệm, một mục tiêu an ninh quốc gia quan trọng là “không bao giờ cho phép Nga và Trung Quốc sát cánh bên nhau”. Ông chỉ trích Tổng thống Joe Biden đã khiến cho hai cường quốc hạt nhận này trở thành “những người bạn tâm giao”.

Phát biểu đó của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh chỉ một tháng trước đấy nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã họp mặt tại Moscow để mở rộng “hợp tác song phương cùng có lợi” giữa hai quốc gia. Trong cuộc gặp này, ông Putin đã nói tích cực về tiến triển trong mối quan hệ Nga-Trung, nhấn mạnh tiềm năng phát triển quan hệ song phương hơn nữa trong các lĩnh vực như thương mại hai chiều.

Chính quyền Biden, kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine, đã luôn cảnh báo chính phủ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình về những hậu quả không nêu rõ nếu họ hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow ở nước láng giềng phía Tây. Tuy nhiên, có vẻ như cảnh báo này của Nhà Trắng không mấy phát huy hiệu quả.

Một báo cáo tình báo Mỹ gần đây cho biết Trung Quốc khả năng đã cung cấp thiết bị được sử dụng tại Ukraine và những thiết bị này có thể đã được ứng dụng trong quân sự.

Báo cáo tình báo Mỹ đã trích dẫn số liệu hải quan của Nga chỉ ra rằng các nhà thầu quân sự quốc doanh Trung Quốc đã cung cấp cho Nga thiết bị điều khiển bay quán tính của máy bay, các linh kiện của chiến đấu cơ, máy bay không người lái (drone) và các hàng hóa khác. Tuy nhiên, báo cáo này không nói liệu hành động đó của Trung Quốc có thể kích hoạt trả đũa từ Mỹ hay không.

Mối quan hệ thương mại song phương Nga-Trung đã đang tăng cao kể từ năm 2022. Trung Quốc đặc biệt tăng cường mua dầu mỏ và khí đốt của Nga sau khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cắt giảm nguồn cung năng lượng từ Moscow.

Kim ngạch thương mại Nga và Trung Quốc đang tiếp tục tăng tốc sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022. Hãng tin RT của Nga dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch thương mại song phương Nga – Trung từ tháng Một tới tháng Bảy năm nay tăng 36,5% so với một năm trước, đạt 134,1 tỷ USD.

Trong cùng khoảng thời gian nêu trên, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 73,4% so với năm ngoái, đạt 62,5 tỷ USD. Trong khi đó, Nga xuất sang Trung Qốc tăng 15,1%, đạt 72 tỷ USD.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch thương mại Nga – Trung năm 2023 dự kiến sẽ vượt mục tiêu 200 tỷ USD. Cả Moscow và Bắc Kinh đều đã khẳng định rằng mốc kim ngạch thương mại song phương 250 tỷ USD một năm là “hoàn toàn thực tế”.

Trung Quốc lâu nay vẫn bác bỏ các chế tài thương mại và tài chính mà phương Tây đã đang áp lên Nga với lập luận rằng các lệnh trừng phạt đó không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuẩn thuận.

Xuân Thành