Chuyên gia đầu ngành phẫu thuật Anh nói về tội ác thu hoạch tạng
Ngày 15/2/2021 vừa qua, tạp chí y khoa Health Europa đã đăng tải cuộc phỏng vấn với giáo sư Martin John Elliott, một chuyên gia đầu ngành phẫu thuật của Vương quốc Anh, về tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn. Đây là cuộc phỏng vấn nằm trong chuỗi bài chuyên đề về thu hoạch nội tạng được Health Europa đăng tải từ đầu năm 2020. Trước đó, tờ báo khoa học này đã có hai cuộc phỏng vấn chuyên gia về chủ đề này, với giáo sư Jacob Lavee, Chủ tịch Ủy Ban cấy ghép tim phổi tại Trung tâm Cấy ghép tạng quốc gia Israel, và với giáo sư Wendy Rogers, người được bình chọn là người dẫn đầu trong lĩnh vực Đạo đức y khoa (Bioethics) của Úc năm 2019.
Giáo sư Martin John Elliott là một chuyên gia phẫu thuật tim, đồng giám đốc y học bệnh viện Đường Great Ormond, giảng dạy phẫu thuật tim cho bệnh nhi tại Đại học London, giám đốc Dịch vụ Quốc gia cho Trẻ em bị Bệnh Khí quản Nặng, giảng sư Vật lý tại Cao đẳng Gresham. Ông là một trong những người hiếm hoi có khả năng tham gia vào việc phẫu thuật tạo hình khí quản kiểu trượt trên thế giới.
Giáo sư Elliott có hơn 260 nghiên cứu khoa học đã được bình duyệt, được thỉnh giảng tại hơn 300 khóa học trên toàn thế giới. Ông cũng tham gia vào nhiều bộ phim tài liệu khoa học và giảng dạy. Giáo sư Elliott đã huấn luyện nhiều chuyên gia phẫu thuật tim hàng đầu của thế giới, và tham gia vào việc cải tổ chất lượng dịch vụ y khoa ở một số quốc gia.
Là một bác sĩ phẫu thuật đầu ngành tầm cỡ thế giới, Giáo sư Elliott đã được mời làm thành viên trong ban bồi thẩm của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc vào năm 2018.
Chủ tọa của tòa án độc lập này là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Cùng với 5 chuyên gia cao cấp ở các lĩnh vực khác, ngài Geoffrey Nice và Giáo sư Elliott đã tuyên bố “chắc chắn đồng thuận không chút hoài nghi” rằng “tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép”. Đồng thời, tòa cũng tuyên bố chế độ ĐCSTQ đã phạm tội ác chống lại loài người. Nạn nhân chủ yếu là các tù nhân lương tâm, những người bị giam giữ chỉ vì đức tin của họ, bao gồm người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các tín đồ Kitô giáo.
“Tòa án của chúng tôi đã đưa ra bằng chứng thuyết phục về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc”, Giáo sư Elliott nhận xét, nói về việc Tòa đã thực hiện một cuộc điều tra kéo dài 1 năm, bao gồm nghiên cứu các báo cáo, các số liệu phân tích thống kê, lắng nghe các nhân chứng khác nhau bao gồm nhà báo, nhà điều tra, cựu bác sĩ lưu vong, nhân chứng gián tiếp, các cựu tù nhân chạy thoát khỏi Trung Quốc đang tị nạn ở nước ngoài,… trong đó đáng chú ý có cả Cựu Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu, ông Edward McMillan-Scott, người đã từng đến Trung Quốc trước Olympic Bắc Kinh 2008 và tiếp xúc trực tiếp với những cá nhân bị đàn áp tại đây.
Giáo sư Elliott cho biết “một số nội tạng đã được chuyển đến Israel, Úc và các khu vực khác của Đông Nam Á, và khả năng cao là phần lớn nội tạng sẽ được sử dụng bên trong chính Trung Quốc. Cuộc điều tra của chúng tôi đã định hình một quan điểm rằng có yếu tố thương mại đáng kể đối với hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc cũng như thực tế là có việc bỏ tù người vô tội, chẳng hạn như Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác. Có một hệ thống trại lao động để phục vụ cho quyết định chính sách chiến lược và thương mại này.”
Nói về vấn đề đạo đức trong cấy ghép nội tạng, Giáo sư Elliott bình luận: “Ghép tạng có đạo đức luôn cần có sự đồng thuận. Bất kỳ ai cần cấy ghép nội tạng đều sẽ khao khát tìm được nội tạng, vì thường phải chờ đợi rất lâu để có tạng phù hợp và họ sẽ chết nếu không có tạng để ghép. Từ quan điểm y tế, bạn có thể thấy lý do tại sao mọi người trở nên tuyệt vọng. Để có nội tạng, người ta phải lấy tạng ra từ một người khác và rồi ghép vào cho một người khác nữa, hơn thế, tạng của người hiến phải phù hợp với người nhận về nhóm máu và mô.”
“Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có cơ sở dữ liệu về những người đã đồng ý hiến tạng và cơ sở dữ liệu tương tự về những người đang chờ lấy tạng. Việc khớp hai cơ sở dữ liệu này là rất quan trọng về mặt đạo đức và tính an toàn.”
“Vấn đề đạo đức ở đây là không thể lấy nội tạng từ một người không đồng ý, vì điều này được tính là hành vi phạm tội. Trong trường hợp cưỡng bức thu hoạch nội tạng này, một người đã sử dụng kỹ năng phẫu thuật của mình để lấy nội tạng từ người khác mà không có sự đồng ý, đôi khi gây ra cái chết của họ, để ghép vào cơ thể người nhận. Trong mọi trường hợp, người nhận tạng cần biết được nguồn gốc của tạng đó và bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà người hiến tặng có thể mắc phải, chẳng hạn như ung thư, vì điều này có thể ảnh hưởng lớn đến người nhận.”
Giáo sư Elliott cho rằng các chính phủ và cộng đồng y tế thế giới có trách nhiệm đạo đức đối với tội ác thu hoạch tạng diễn ra tại Trung Quốc. Phán quyết của tòa án độc lập cũng đã nhấn mạnh sự thất bại của các chính phủ trên toàn cầu trong việc điều tra các cáo buộc, lưu ý rằng bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải nhận ra rằng họ đang “hợp tác với một quốc gia tội phạm”.
“Phản ứng của các chính phủ là khác nhau – một số đã hành động nhanh chóng để đảm bảo mọi người không thể tiếp cận những nguồn tạng này, trong khi một số chính phủ khác vẫn chưa chấp nhận bằng chứng. Thật không may, có rất ít sự minh bạch về cấy ghép tạng ở Trung Quốc và không có dữ liệu công khai để [họ tự] kiểm tra kỹ lưỡng”, Giáo sư Elliott nhận xét.
“Các trường đại học và bệnh viện trên thế giới đều muốn hợp tác với Trung Quốc vì một số lý do – bao gồm cả thương mại. Tôi nghĩ điều tối thiểu mà cộng đồng y tế có thể làm là giữ lại mức độ nghi ngờ cao và yêu cầu dữ liệu chính xác. Ví dụ, họ cần yêu cầu một giấy chứng nhận rằng không có nội tạng nào bị lấy đi trái với mong muốn của bất kỳ một ai đó.”
Ông cho rằng việc hợp tác với Trung Quốc “không được tách rời khỏi các hành vi vi phạm nhân quyền như giam giữ, gây sang chấn tâm lý và lạm dụng tình dục“.
“Một số lượng lớn người bị giam giữ trong các trại tạm giam ở Trung Quốc vì tín ngưỡng hoặc dân tộc của họ, và thu hoạch nội tạng chỉ là một phần của mô hình vi phạm nhân quyền kinh hoàng trong các trại đó, bao gồm tra tấn, lạm dụng tình dục và gây chấn thương tâm lý.”
Giáo sư Elliott nhận định, “Đã đến lúc các chính phủ cần chấp nhận phán quyết và hành động – và cách tốt nhất là cùng nhau hành động để gây áp lực lên Trung Quốc”. “Việc các chính phủ hay cộng đồng y tế bỏ qua việc này là không thể nào chấp nhận được trên trường quốc tế.”
Trong suốt quá trình hoạt động, các tuyên bố của Tòa án độc lập mà Giáo sư Elliott tham dự đã trở thành một nền tảng quan trọng để cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên tiếng về ngành công nghiệp ghép tạng tội ác của Trung Quốc. Các động thái lên án và lập pháp được thực hiện kéo dài suốt từ 12/2018 cho đến hiện nay:
Tại Hoa Kỳ, sau khi Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công khai lên án tội ác thu hoạch tạng của ĐCSTQ trong một cuộc họp báo. Ông Sam Brownback, Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nhấn mạnh: “ĐCSTQ thu hoạch tạng của tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, tín đồ Phật giáo Tây Tạng và Ki-tô giáo. Điều này gây chấn động với lương tâm mỗi người.” Tiếp đó ngày 2/8/2019, 168 thành viên thuộc Ủy ban Cộng hòa Quốc gia (RNC) của Hoa Kỳ đã đồng thuận thông qua một nghị quyết lên án việc thu hoạch tạng cưỡng bức do ĐCSTQ hậu thuẫn, gọi đó là “hành vi đồi bại”.
Trong “Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế” được công bố ngày 28/4/2020, Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tiếp tục liệt Trung Quốc vào nước cần chú ý đặc biệt và chỉ ra, ĐCSTQ tiếp tục thu hoạch tạng người tập Pháp Luân Công trên quy mô lớn. Ngày 27/5/2020, “Ủy ban về Nguy cơ Hiện tại: Trung Quốc” (Committee on the Present Danger: China – CPDC) đã gửi đến tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump danh sách 12 lời khuyên nhằm ứng phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong số đó kêu gọi tổng thống Donald Trump chú ý và hành động trước nạn “diệt chủng bằng thu hoạch tạng” (organ genocide) tại Trung Quốc.
Tại Canada, tháng 12/2019, một dự luật được đệ trình nhằm khiến những quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan tới hoạt động thu hoạch nội tạng bị cấm nhập cảnh vào Canada. Dự luật S-204 quy định các hành vi phạm tội hình sự là “bất cứ hành vi nào liên quan tới việc lấy nội tạng ra khỏi cơ thể một người, theo chỉ đạo hoặc hợp tác với người lấy tạng, biết rõ rằng người bị lấy tạng hoặc người có quyền hợp pháp đồng ý thay mặt cho người bị lấy tạng đã không đồng ý với việc lấy tạng, hoặc thiếu nhận biết về việc nội tạng lấy ra có được chấp thuận hay không.” Ngày 26/5/2020, một Đạo luật sửa đổi Bộ luật hình sự và một Đạo luật bảo vệ người nhập cư và tị nạn được Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau ủng hộ cũng xếp việc nhận được tạng mà không có sự đồng ý từ người bị lấy tạng vào hành vi phạm pháp.
Tại Đức, ngày 8/5/2019, Ủy ban Hạ viện Đức về Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo đã tổ chức một phiên điều trần về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số ở Trung Quốc. Nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm cũng được nhắc đến trong phiên điều trần này.
Tại Anh, cuối tháng 3/2019, một cuộc tranh luận đã được tổ chức tại Nghị viện Anh về vấn đề thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Tại đây, các nghị sĩ đã kêu gọi quốc hội xem xét các bằng chứng về tội ác thu hoạch nội tạng, tiến tới việc cấm hoạt động du lịch ghép tạng, và mở một cuộc điều tra quốc tế về tội ác này. Đến 6/2020, quốc hội Anh lại một lần nữa tổ chức tranh luận về vấn đề thu hoạch tạng tại Trung Quốc. Các nghị sĩ giận dữ yêu cầu các quan chức có trách nhiệm nghiêm túc xem xét tội ác thu hoạch tạng “kinh hoàng cùng cực” của chính quyền Trung Quốc. Ngoại trưởng Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung, ông Nigel Adams cho biết quốc hội Anh đang xem xét các báo cáo về thu hoạch tạng “vô cùng nghiêm túc”.
Ngày 11/2/2021, bản sửa đổi “Dự luật về Thuốc và Thiết bị Y tế” (Medicines and Medical Devices Bill) của Vương quốc Anh chính thức có hiệu lực. Mục đích của luật này là để đảm bảo mô, bộ phận cơ thể người và tế bào có thể từ nguồn bị cưỡng bức thu hoạch không thể nhập khẩu sử dụng trong cộng đồng y tế Anh, từ đó đặc biệt ngăn chặn việc đồng lõa với tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm của ĐCSTQ.
Tại Úc, một số nghị sĩ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc đã phát đi những thông điệp nặng nề. Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC, thượng nghị sĩ Eric Abetz đã gọi tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc là “man rợ” và là sự “sụp đổ mọi khái niệm về nhân quyền”. Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton phát biểu vào ngày 11/10/2020 rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác “vô cùng quan trọng” của Úc về kinh tế, nhưng các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không phù hợp với các giá trị quan của Úc.
Tại Séc, từ tháng 5/2019, chính phủ đã thúc đẩy và hoàn thiện một sửa đổi luật mới nhằm ứng phó với các hoạt động cấy ghép nội tạng phi pháp. Dự luật sửa đổi này nhằm chống lại tội ác buôn bán nội tạng người trên phạm vi toàn cầu. Thượng nghị sĩ Marek Hilser, đồng bảo trợ cho dự luật, đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc khi nói về dự luật này. Đến này 28/11/2019, năm đảng chính trị tại Séc lại đệ trình một nghị quyết lên án sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc, trong đó hướng sự chú ý đến việc đàn áp tín ngưỡng và thu hoạch tạng kéo dài nhiều năm.
Tại Pháp, Bản sửa đổi Luật Đạo đức Sinh học (Bioethics Law) của Pháp đã được chuyển lên Thượng viện vào tháng 1/2020. Bản sửa đổi này thiết lập một hệ thống đăng ký cho các công dân Pháp nhận cấy ghép tạng ở nước ngoài và theo dõi nguồn gốc của các cơ quan tạng. Bà Agnès Buzyn, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp, cho biết: “Hiệp ước này quy định, tại châu Âu và các quốc gia còn lại khác trên thế giới, việc mổ lấy nội tạng từ người sống hoặc người chết [mà không có sự đồng thuận] chính là tội ác. Đây là một nguyên tắc mà nước Pháp sẽ bảo vệ, và chiểu theo đó, chúng tôi xây dựng luật pháp của chúng tôi.”
Tại Bỉ, ngày 25/4/2019, toàn bộ 134 thành viên của Hạ viện Bỉ đã bỏ phiếu đồng ý thông qua dự luật cấm tất cả công dân Bỉ mua tạng tại bất kể địa điểm giao dịch nào trên thế giới, qua đó mở rộng sang cả việc cấm công dân Bỉ du lịch ra nước ngoài để cấy ghép tạng. Dự luật nhằm xử lý hình sự tất cả các bên liên quan đến việc mua và bán nội tạng người vì mục đích thương mại. Những người vi phạm phải đối mặt với án tù có thể lên tới 20 năm nếu tham gia vào tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Ngày 12/6/2020, Bỉ cũng phê chuẩn một nghị quyết lên án việc tiếp tục hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Tại Áo, ngày 23/6/2020, Nghị quyết chống buôn bán nội tạng người được Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Áo nhất trí thông qua. Quyết định này của Quốc hội Áo là nhằm đáp lại một thỉnh nguyện thu thập chữ ký của công dân Áo hồi tháng 10 năm ngoái, trong đó tuyên bố: “Người Áo chúng tôi không muốn nội tạng tới từ Trung Quốc, những nội tạng đã khiến những người vô tội bị giết hại.”
Minh Nhật
Tài liệu và tin bài kiểm chứng chéo được đính kèm tại các đường dẫn trong bài viết.
Mời xem video:
Từ khóa Dòng sự kiện Phẫu thuật ghép tạng Thu hoạch nội tạng Cấy ghép nội tạng