Cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel đã gây ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị mới. Sẽ là sai lầm nếu coi cuộc phản công này của Israel đáp trả khủng bố Hamas là dạng sự kiện lẻ tẻ. Tiến sĩ Daniel Lacalle – nhà kinh tế trưởng tại Quỹ phòng hộ Tressis – nhận định biến cố này là có vấn đề quan trọng đối với an ninh và tăng trưởng kinh tế thế giới.

Israel Gaza Hamas Palestine 2
Israel pháo kích vào Dải Gaza sau khi bị phiến quân Hamas bất ngờ tấn công. (Ảnh chụp màn hình video)

Cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel đã kéo theo một cuộc khủng hoảng địa chính trị mới, gây nhiều ảnh hưởng khó lường. Chúng ta không thể quên hàng trăm người đã thiệt mạng trong vụ tấn công này – một sự mất mát khủng khiếp về những sinh mạng vô tội. Israel hứng chịu cuộc tấn công đẫm máu nhất trong nhiều năm. Trên thị trường, chỉ số chứng khoán chính của Tel Aviv giảm khoảng 7% và trái phiếu chính phủ [Israel] giảm 3%.

Cuộc xung đột đã gây ra những hậu quả đáng kể. Iran ủng hộ các cuộc tấn công của Hamas khiến mối quan hệ giữa nước này với Mỹ lại leo thang căng thẳng. Ngoài ra, cuộc chiến chống Israel này có thể sẽ tạo ra sự chia rẽ ngày càng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc – hai cường quốc quân sự và kinh tế lớn nhất thế giới. Thật khó để tưởng tượng Trung Quốc ủng hộ Hamas và Iran, nhưng cũng khó tưởng tượng họ ủng hộ Israel.

Tác động lên thị trường dầu mỏ là đáng kể nhưng có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Với thực trạng thị trường đang theo hướng thắt chặt, bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào tiềm ẩn nguy cơ cắt giảm nguồn cung hơn nữa, đều có thể kéo theo phản ứng mạnh về giá hàng hóa. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng giá dầu đã giảm xuống còn 82,79 USD/thùng sau những dấu hiệu rõ ràng về nhu cầu suy yếu ở Mỹ trong tuần qua. Rủi ro địa chính trị gia tăng có thể bù đắp cho nhu cầu yếu hơn, qua đó giữ giá tăng trong thời gian lâu hơn.

Xung đột này không chỉ ảnh hưởng đến năng lượng. Sẽ là khinh xuất nếu bỏ qua những tác động kinh tế vĩ mô của cuộc xung đột này – ảnh hưởng tài chính rất lớn vì có thể gây ra các biện pháp trừng phạt và hạn chế tài chính bổ sung đối với các nước ủng hộ Iran và Hamas. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, xung đột có thể là lý do chính đáng để tăng cường các biện pháp giám sát và bảo hộ ở nhiều nước phát triển. Rủi ro an ninh sẽ gia tăng, chúng ta phải thừa nhận rằng các chính phủ luôn mong muốn áp đặt các biện pháp bảo hộ đối với [ứng phó] các nền kinh tế khác.

Sẽ là sai lầm nếu coi cuộc phản công này [của Israel đáp trả khủng bố Hamas] là dạng sự kiện lẻ tẻ. Biến cố này là có vấn đề quan trọng đối với an ninh, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, cuộc tấn công xảy ra vào thời điểm hiệu ứng cấp số nhân của gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ USD đã không còn tồn tại, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại nghiêm trọng. Do đó, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và gánh nặng kinh doanh cao hơn sẽ đồng nghĩa với việc nợ tăng và áp lực lạm phát tiếp tục.

Tôi hy vọng thảm họa này sớm kết thúc và Hamas thả con tin, nhưng chúng ta phải thừa nhận tác động kinh tế. Tất cả các yếu tố cho thực trạng suy giảm mạnh của nền kinh tế toàn cầu đều đã có, bao gồm chỉ số quản lý mua hàng yếu và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu. Ngay cả khi thảm họa này sớm kết thúc, hậu quả địa chính trị từ cuộc tấn công kinh hoàng này sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Daniel Lacalle
(Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của Tiến sĩ Daniel Lacalle, được đăng trên Epoch Times.)

Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà Kinh tế trưởng tại Quỹ phòng hộ Tressis, ông đã xuất bản nhiều sách như: Freedom or Equality (Tự do hay bình đẳng), Escape from the Central Bank Trap (Thoát khỏi bẫy ngân hàng trung ương), và Life in Financial Markets (Cuộc sống trên thị trường tài chính)…