Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang bị truy tố trong bốn vụ án hình sự ở cả cấp độ tiểu bang và liên bang. Cùng với những tranh cãi xoay quanh các vụ án đó, hiện cũng đã đang nổi lên tranh luận về việc liệu ông Trump có thể bị loại khỏi cuộc bầu cử 2024 căn cứ vào Điều 3 – Điều khoản Nổi dậy – trong Tu chính án 14, Hiến pháp Mỹ hay không.

Câu hỏi đang được thảo luận là liệu “điều khoản nổi dậy” của Tu chính án 14 có áp dụng với ông Donald Trump hay không? Một số chuyên gia pháp lý nói điều khoản đó không ngoại lệ với ông Trump. Trong khi, một số khác cho rằng ông Trump đang ở trong vùng xám pháp lý chưa được kiểm chứng, bởi vì “điều khoản nổi dậy” đó chưa bao giờ được viện dẫn áp dụng đối với một vị tổng thống. Dù vậy, đa số đồng thuận rằng, Tối cao Pháp viện Mỹ có thể sẽ phải đưa ra phán quyết cuối cùng về trường hợp này.

Điều 3, Tu chính án 14 là gì?

Điều 3 của Tu chính án 14, Hiến pháp Mỹ đã có từ thời Nội chiến (1861-1865). Mục đích của điều khoản này là để ngăn chặn các cựu lãnh đạo của phe miền Nam – những người tham gia nổi dậy chống lại nước Mỹ – không được tái nhiệm các chức vụ công.

Điều 3, Tu chính án 14 tuyên bố: “Không ai sẽ là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội hoặc Tổng thống và Phó Tổng thống dân cử, hoặc giữ bất kỳ chức vụ nào, dân sự hay quân sự trong nhà nước Mỹ hoặc trong bất kỳ Tiểu bang nào mà những người đó trước đây đã từng tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Mỹ khi là thành viên Quốc hội, hoặc viên chức của nước Mỹ, hoặc là thành viên của bất kỳ cơ quan lập pháp Tiểu bang nào, hoặc là quan chức hành pháp hay tư pháp của bất kỳ Tiểu bang nào, nhưng đã tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại Hiến pháp Mỹ, hoặc cung cấp trợ giúp hoặc an ủi kẻ thù. Nhưng Quốc hội có thể bằng một cuộc bỏ phiếu 2/3 ở mỗi Viện để loại bỏ sự không đủ tư cách này”.

Nhìn chung điều khoản trên có nghĩa rằng những quan chức đã đắc cử mà phản bội lại lời thề nhậm chức và nổi loạn chống lại nước Mỹ sẽ bị cấm nắm giữ chức vụ công quyền thêm nữa.

Những người ủng hộ áp dụng Tu chính án 14 với ông Trump lập luận ra sao?

Đầu tháng Tám này, bộ đôi học giả luật bảo thủ có liên kết với tổ chức Federalist Society là ông William Baude của Đại học Chicago và ông Michael Stokes Paulsen của Đại học St. Thomas đã tuyên bố đồng thuận với giả thuyết áp dụng Tu chính án Tu để loại bỏ tư cách tranh cử tổng thống 2024 của ông Trump.

Trong bài viết đăng trên Tạp chí luật Pennsylvania Law Review, hai học giả nêu trên cho hay: “Nếu hồ sơ công khai [về các tội danh của ông Trump] là chính xác, thì vụ án này thậm chí chưa khép lại. Ông ta không còn đủ tư cách vào vị trí Tổng thống”.

Hai học giả luật Baude và Paulsen cho rằng Điều 3, Tu chính án 14 là “tự thực thi”. Họ nói điều đó có nghĩa rằng các quan chức bầu cử không cần sự cho phép đặc biệt từ các nhà lập pháp để loại bỏ tên ông Trump khỏi lá phiếu bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Hai học giả thậm chí cho rằng yêu cầu pháp lý đòi hỏi các quan chức bầu cử phải thực thi Điều 3, Tu chính án 14 và khẳng định nếu họ không làm vậy là sai, vi phạm lời thề hiến pháp khi từ bỏ trách nhiệm về thực thi Điều 3, Tu chính án 14.

Ông Laurence Tribe, học giả hiến pháp của Đại học Luật Harvard và thẩm phán về hưu J. Michael Luttig mới đây cũng viết trên tờ The Atlantic bày tỏ ủng hộ quan điểm cho rằng Hiếp pháp chặn giữa ông Trump và Nhà Trắng.

Điều khoản về không đủ tư cách này hoạt động độc lập với bất kỳ tiến trình hình sự nào như vậy, thực tế cũng độc lập với các tiến trình luận tội và độc lập với luật của quốc hội. Điều khoản này được lập ra để áp dụng trực tiếp và ngay lập tức đối với những người phản bội lời tuyên thệ trước Hiến pháp, bất kể hành động phản bội đó là bằng vũ lực để lật đổ chính phủ của chúng ta hay bằng cách phát động chiến tranh với chính phủ của chúng ta thông qua nỗ lực luật ngược một cuộc bầu cử bằng một cuộc đảo chính không đổ máu”, ông Laurence Tribe và ông Michael Luttig viết.

Vấn đề nêu trên cũng đã xuất hiện trong cuộc tranh biện tổng thống sơ bộ đầu tiên của Đảng Cộng hòa hôm 23/8 khi mà ứng viên Asa Hutchinson, cựu Thống đốc Arkansas nói rằng ông sẽ không “ủng hộ bất cứ ai bị kết án nhiều trọng tội hoặc những ai bị loại bỏ tư cách ứng viên theo Hiến pháp của chúng ta”.

Hơn một năm trước, tôi đã nói rằng về mặt đạo đức Donald Trump đã bị loại bỏ tư cách trở lại làm tổng thống vì những gì đã xảy ra vào ngày 6/1. Thêm nhiều người đang hiểu tầm quan trọng của việc đó, bao gồm cả những học giả luật pháp bảo thủ”, ông Asa Hutchinson nói trên sân khấu tranh biện tại tiểu bang Wisconsin.

Những kế hoạch áp dụng Tu chính án 14 với ông Trump đã bắt đầu ở cấp tiểu bang

Theo ABC News, hôm thứ Ba (22/8), Bryant “Corky” Messner, luật sư sống tại tiểu bang New Hampshire, đã trở thành người đầu tiên loan báo kế hoạch cụ thể trong việc dùng Tu chính án 14 để loại ông Trump khỏi cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024.

Ông Messner năm 2022 khi tham gia tranh cử vào ghế Thượng viện liên bang đại diện cho New Hampshire nhưng thất bại đã được ông Trump chứng thực. Nhưng bây giờ ông Messner nói rằng ông với tư cách là cựu chiến binh và cựu học viên của Học viện Quân sự West Point, ông có trách nhiệm dân sự phải nỗ lực loại bỏ tên ông Trump khỏi lá phiếu bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Khi loan báo về kế hoạch của mình trên một chương trình phát thanh địa phương “NH Today” vào sáng 22/8, ông Messner nói ông vẫn đang thực hiện công việc thẩm định ban đầu về vấn đề này và đang tìm luật sư để khởi kiện. Ông cũng nói ông sẽ tự chi trả phí cho vụ kiện này và thông qua sự hỗ trợ của một số bạn bè thân cận.

Văn phòng Bộ trưởng Nội vụ của New Hampshire đã xác nhận với báo giới rằng ông Messner đã gặp Bộ trưởng Nội vụ David Scanlan hôm thứ Sáu để thảo luận về Điều 3, Tu chính án 14.

Bộ trưởng Nội vụ Scanlan sẽ trao đổi với Tổng chưởng lý của New Hampshire và các cố vấn pháp lý khác về vấn đề này; tuy nhiên, ông tin rằng bất kỳ hành động pháp lý nào chiếu theo điều khoản của Hiếp pháp sẽ phải được thực hiện dựa vào hướng dẫn Tư pháp”, Anna Sventek, giám đốc truyền thông của ông Scanlan nói với ABC News.

“Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức nghề nghiệp ở Washington” (CREW), một nhóm vận động pháp lý, cũng đã tuyên bố theo đuổi thúc đẩy loại bỏ ông Trump khỏi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Sau khi ông Trump loan báo ông sẽ tái tranh cử vào Nhà Trắng, CREW đã phát đi tuyên bố nói rằng tổ chức này sẽ làm việc để đảm bảo rằng ông Trump bị loại bỏ khỏi việc tiếp tục nắm giữ chức vụ công.

Chúng tôi đã cảnh báo ông ấy rằng nếu ông quyết định tái tranh cử, chúng tôi sẽ hành động để đảm bảo lệnh cấm của Hiến pháp đối với những kẻ nổi dậy nắm giữ chức vụ công được thực thi. Bây giờ chúng tôi sẽ làm thế”, CREW tuyên bố.

Tháng Chín năm ngoái, CREW đã thành công trong nỗ lực loại bỏ một ủy viên hội đồng địa hạt ở New Mexico khỏi chức vụ vì người này tham gia vào vụ hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Một thẩm phán liên bang tại New Mexico đã cấm ủy viên hội đồng Hạt Otero, ông Couy Griffin viện dẫn theo điều khoản của Tu chính án 14, trong đó cấm những người tham gia nổi dậy nắm giữ chức vụ công. Ông Griffin là người sáng lập tổ chức “Cowboys for Trump” và đã bị kết án tội nhẹ xâm phạm Điện Capitol hôm 6/1.

“Free Speech For People” (Tự do Ngôn luận cho Người dân), một tổ chức vận động dân sự cũng đã tuyên bố sẽ thực hiện các hành động tương tự để nỗ lực ngăn chặn ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng. Tổ chức này trong năm 2022 đã không thành công trong việc sử dụng Điều 3, Tu chính án 14 để thách thức nhiều ứng viên Quốc hội.

“Free Speech For People” cho biết họ sẽ thực hiện kế hoạch loại bỏ ông Trump theo hai cách: Cách thứ nhất là gửi thư cho tất cả 50 bộ trưởng nội vụ tiểu bang yêu cầu họ thực hiện thẩm quyền để phán quyết rằng ông Trump bị loại bỏ tư cách tranh cử chiếu theo Điều 3, Tu chính án 14. Cách thứ hai là khi thời gian thích hợp họ sẽ khởi kiện tư cách đảm nhiệm chức vụ công của ông Trump thông qua sử dụng các thủ tục luật pháp tiểu bang ở những nơi phù hợp.

Tại sao khó áp dụng Tu chính án 14 với ông Trump?

Theo VERIFY, một số học giả luật cho rằng Điều 3, Tu chính án 14 tuyên bố khá mơ hồ và để áp dụng chống lại ông Trump, thì trước hết có hai vấn đề cần phải được làm rõ.

Vấn đề thứ nhất là, ‘điều khoản nổi dậy’ đó có áp dụng với các tổng thống hay không?

Điều 3 hay còn gọi là “điều khoản nổi dậy” trong Tu chính án 14 liệt kê các loại lãnh đạo dân cử mà phản bội lời tuyên thệ Hiến pháp có thể bị loại bỏ tư cách đảm nhiệm chức vụ công tương lai. Danh sách đó bao gồm các nhà lập pháp, và “các quan chức của nước Mỹ”. Danh sách này không đề cập rõ ràng đến chức vụ tổng thống.

Thuật ngữ “quan chức của nước Mỹ” trong Điều 3 đó chưa được làm rõ. Các chuyên gia pháp lý nói gần như không thể giải thích thuật ngữ đó thành bao gồm chức vụ tổng thống.

Ông Doron Kalir, giáo sư luật của Đại học bang Cleveland nói rằng Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts đã bình luận về vấn đề này trong một vụ án vào năm 2010.

Trong quan điểm đa số cho một vụ án vào năm 2010, Chánh án Roberts viết: “Sự phổ biến quyền lực kèm theo nó là sự phổ biến trách nhiệm. Người dân không bỏ phiếu cho ‘các quan chức này của nước Mỹ’”.

Giáo sư Kalir nói rằng tuyên bố của ông Roberts có thể được diễn giải theo nghĩa rằng các quan chức dân bầu, chẳng hạn như tổng thống, thì không bao gồm trong từ “các quan chức”.

Ông Kalir nói: “Có một sự ủng hộ rất mạnh mẽ cho giả thuyết rằng [ông] Donald Trump không bao gồm trong danh sách những người mà [Điều 3, Tu chính án 14] sẽ áp dụng“.

Tuy nhiên, ông Kalir cũng nói do Chánh án Roberts đã không tuyên bố rõ ràng rằng Điều 3, Tu chính án 14 không thể áp dụng vào một vị tổng thống, nên vấn đề này có lẽ cần phải có phán quyết cụ thể của các tòa án.

Chưa có câu trả lời chính thức của Tối cao Pháp viện Mỹ cho vấn đề này”, ông Kalir nói.

Vấn đề thứ hai là, ông Donald Trump có tham gia nổi dậy không?

Tu chính án 14 cũng không định nghĩa “đã tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn” cụ thể là như thế nào. Và tu chính án này cũng không cung cấp tiến trình rõ ràng về cách thức quyết định liệu một ai đó bị cho là đã tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn.

Về mặt lịch sử, khi Điều 3, Tu chính án 14 được sử dụng, thì bằng chứng nổi dậy đến từ rất nhiều nguồn: các bản kết án hình sự, hành vi dân sự, và thậm chí là những hành động của Quốc hội.

Vụ tổ chức CREW dùng Điều 3, Tu chính án 14 để loại một ủy viên hội đồng ở một hạt ở New Mexico như đã nêu ở trên là vụ án gần nhất áp dụng thành công “điều khoản nổi dậy”. Trong vụ án này, ủy viên hội đồng Couy Griffin đã bị kết án khinh tội do ông tham gia trực tiếp vào vụ hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Tuy nhiên, bản cáo trạng của ông Trump được công bố hôm 1/8 vừa qua không bao gồm các cáo buộc nổi dậy cụ thể. Ông Trump bị cáo buộc 4 tội danh là: “Âm mưu lừa dối nước Mỹ”; “Âm mưu cản trở một tiến trình chính thức”; “Cản trở và nỗ lực cản trở một tiến trình chính thức”; và “Âm mưu chống lại các quyền hiến định”.

Ông Nicholas Creel, giáo sư luật của Đại học bang Georgia nhận định: “Ai đó có thể xem xét hợp lý một cách dứt khoát rằng ông Trump đã xúi giục vụ nổi dậy 6/1, hành vi đó sẽ khiến ông ta đủ điều kiện bị truy tố theo luật đó, nhưng đó không phải là một trong những cáo buộc phạm tội mà ông ta đang phải chịu”.

Ông Robert S. Peck, sáng lập và chủ tịch của “Trung tâm xử lý các Vụ kiện Hiếp pháp” đã nói với VERIFY: “Ai đó sẽ hy vọng rằng bằng chứng do Ủy ban 6/1 [của Hạ viện] và Bộ Tư pháp thu thập được sẽ được đưa ra tòa để các thẩm phán quyết định liệu bằng chứng đó có đủ để áp dụng Tu chính án 14 hay không”.

Ông Robert S. Peck nói thêm rằng dù quyết định của tòa án theo chiều hướng nào, thì gần như chắc chắn quyết định đó sẽ bị kháng cáo và sau đó sẽ cần phán quyết cuối cùng của Tối cao Pháp viện.

Ngay cả khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết chống lại ông Trump và quyết định loại bỏ ông khỏi nhiệm sở, thì “điều khoản nổi dậy” vẫn mở đường cho Quốc hội liên bang bỏ phiếu 2/3 tán thành ở mỗi viện để lật ngược phán quyết của tòa án tối cao.

Ông Alan Dershowitz, giáo sư danh dự Trường luật Harvard thì dấy lên nghi ngờ về quan điểm cho rằng ông Trump không thể tranh cử bởi vì Tu chính án 14. Ông Alan Dershowitz nói đó là “nguy hiểm trầm trọng” đối với Hiến pháp Mỹ.

Trả lời phỏng vấn chương trình TV show của Just the News, giáo sư Dershowitz cho rằng việc áp dụng Tu chính án 14 để loại bỏ ông Trump “sẽ đặt quyền quyết định ai là Tổng thống vào tay của các Bộ trưởng Nội vụ và các thống đốc Dân chủ ở các tiểu bang, thay vì đặt vào tay người dân”.

Xuân Thành