Gần đây, có thông tin tiết lộ rằng cựu Thủ tướng Anh Liz Truss, người luôn công khai chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã vận động hành lang tư nhân để đẩy nhanh việc xuất khẩu thiết bị rà phá bom mìn quân sự cho ĐCSTQ, gây tranh cãi gay gắt.

Liz Truss
Ngày 16/5/2023, cựu Thủ tướng Anh Liz Truss (trái) được Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) chào đón tại sân bay quốc tế Đào Viên. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Đài Loan)

Ngày 15/1, truyền thông Mỹ Politico đưa tin, họ thu được tài liệu cho thấy vào tháng 8/2023, bà Truss, một thành viên của Đảng Bảo thủ nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với ĐCSTQ, đã viết thư cho Bộ trưởng Thương mại Kemi Badenoch, yêu cầu quá trình phê duyệt Hệ thống Phòng thủ Richmond phải được “xúc tiến”.

Công ty quốc phòng này có trụ sở tại khu vực bầu cử hạt Norfolk nước Anh do bà Truss đại diện, và có kế hoạch xuất khẩu thiết bị rà phá bom mìn quân sự cho ĐCSTQ.

Người phát ngôn của bà Truss trả lời rằng bà ấy chỉ đơn giản là đang thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là nghị sĩ của Tây Nam Norfolk. Bà ấy chỉ thay mặt một cử tri báo cáo tình hình với chính phủ, và kêu gọi chính phủ thực hiện các hành động tiếp theo để có được câu trả lời mà cử tri cần.

3 tháng trước khi bà Truss viết thư cho Bộ trưởng Thương mại Kemi Badenoch, vào tháng 5/2023, trong chuyến thăm Đài Loan, bà Truss đặc biệt kiến nghị Thủ tướng Rishi Sunak cần tuyên bố ĐCSTQ đang đe dọa đến an ninh quốc gia của Anh.

Bà Truss cũng kêu gọi tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Đài Loan, để đối phó với khả năng xâm lược của ĐCSTQ.

Bà Alicia Kearns, Nghị sĩ đảng Bảo thủ người Anh, kiêm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, cho biết việc tích cực vận động hành lang để xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng cho các công ty Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát là trái với lợi ích quốc gia của Anh, và vi phạm lợi ích của Đài Loan – đồng minh của nước này.

Báo cáo nói trên cũng cho biết, các chuyên gia cảnh báo những thiết bị này có thể được ĐCSTQ sử dụng để chống lại Đài Loan.

Ông Darren G. Spinck, cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Hiệp hội Henry Jackson, cho biết dù lệnh cấm vận vũ khí hiện tại của Anh đối với Trung Quốc không bao gồm các thiết bị này, thì việc cho phép xuất khẩu chúng cũng sẽ là một hành động liều lĩnh.

Đặc biệt là khi Đài Loan mới mua một hệ thống rải mìn từ Hoa Kỳ vào năm ngoái, để triển khai mìn chống tăng nhằm đáp trả các hoạt động đổ bộ của Quân đội ĐCSTQ.

Ông Vu Khôn Thái (Michael Mo Kwan Tai), một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Leeds ở Anh, tin rằng hệ thống phòng thủ của công ty này đã bị từ chối, vì lo ngại về sự tàn bạo về nhân quyền ở Trung Quốc.

Công ty Hệ thống phòng thủ Richmond (Richmond Defense Systems) đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Ngoài ra, VOA còn đưa tin Joshua Bellingham, trợ lý chiến lược tranh cử của bà Truss khi tranh cử thủ tướng năm 2022, cho rằng lập trường phe diều hâu (cứng rắn) của bà Truss đối với ĐCSTQ là lợi thế chính trong cuộc bầu cử, nhưng hiện tại thái độ thực sự của bà đối với ĐCSTQ vẫn chưa chắc chắn.

Ông Bellingham cho rằng lập trường của bà Truss có thể sẽ có nhiều phương diện, có lẽ bà ấy đang tìm cách sử dụng ảnh hưởng của Anh một cách hiệu quả nhất.