Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder tiết lộ “Người duy nhất có thể giải chiến tranh Ukraine là người Mỹ. Tại hòa đàm tháng 3/2022 ở Istanbul [Thổ Nhĩ Kỳ] mà Rustem Umerov tham gia, người Ukraine đã không đồng ý hòa bình vì họ không được phép. Họ phải hỏi người Mỹ về mọi điều họ thảo luận.” Bấy giờ người Mỹ tưởng rằng có thể hạ gục Nga, và đó là một sai lầm theo nhận định của ông Schroder.

Vladimir Putin in Germany 9 10 April 2002 1
Thời quan hệ Nga-Đức còn nồng ấm, Thủ tướng Đức Gerhard Schroder (phải) trong bữa tối với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày  10/4/2002. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Một cuộc phỏng vấn đặc sắc được đăng trên tờ Berliner Zeitung hôm Thứ Bảy 21/10, trong đó Cựu Thủ tướng Gerhard Schroder nói về rất nhiều chủ đề, từ xung đột Israel-Hamas đang diễn ra, cho đến các sự kiện trong quá khứ của chiến tranh Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian hòa giải, mở ra khả năng hòa bình vào tháng 3/2022, ngay sau khi mới chớm chiến tranh kể từ ngày 24/2/2022. Cựu Thủ tướng Schroder nói rằng hòa đàm đã bị người Mỹ chặn lại, bởi vì Mỹ tin rằng có thể hạ gục Nga:

“Người duy nhất có thể giải chiến tranh Ukraine là người Mỹ. Tại hòa đàm tháng 3/2022 ở Istanbul [Thổ Nhĩ Kỳ] mà Rustem Umerov tham gia, người Ukraine đã không đồng ý hòa bình vì họ không được phép. Họ phải hỏi người Mỹ về mọi điều họ thảo luận.”

Điều khoản hòa đàm, theo ông Schroder, có 5 điểm: (1) Ukraine không gia nhập NATO; (2) Tiếng Nga vẫn được dùng như ngôn ngữ chính thức ở Ukraine; (3) Donbass vẫn là một phần của Ukraine nhưng có quyền tự chủ cao hơn; (4) Ukraine cần được bảo đảm an ninh; (5) Crimea thuộc về Nga. Dù sao, Crimea vốn vẫn là một phần lịch sử của Nga, chứ nó không chỉ đơn thuần là một vùng đất bình thường.

Ông Schroder cũng nói rằng kỳ thực Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó đã ám chỉ câu chuyện này rồi, và được tờ báo Bild của Đức đăng hôm 14/3/2022. Trong báo cáo của Bild bấy giờ có đoạn viết:

“Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (44 tuổi) đã thể hiện sự nhượng bộ trong các cuộc đàm phán: Ông ấy không còn đòi hỏi [gia nhập] NATO nữa… và sẵn sàng thỏa hiệp về Crimea và các tỉnh ly khai ở Donbass. Ông đã nói với Bild: “Trong đàm phán, mục tiêu của tôi là chấm dứt chiến tranh với Nga.””

Tờ báo Berliner Zeitung đã hỏi phải chăng vụ Bucha đã ảnh hưởng tới cuộc hòa đàm. Ông Schroder bác bỏ điều đó, nói về thời điểm diễn ra sự kiện, và nói rằng nguyên nhân hòa đàm thất bại là do Mỹ muốn hạ gục Nga:

“Chưa có thông tin về sự kiện Bucha trong cuộc đàm phán của Umerov vào ngày 7 và ngày 13/3/2022. Tôi nghĩ người Mỹ không muốn có thỏa hiệp nào giữa Ukraine và Nga. Người Mỹ tin rằng Mỹ có thể hạ gục người Nga.”

Sau đó ông Schroder bình luận rằng theo ông, đó là sai lầm của Mỹ, vì cuối cùng Mỹ vừa không thể hạ gục được Nga như mong muốn, vừa khiến Nga và Trung Quốc hợp tác với nhau. Theo ông, trước đó thì Nga và Trung Quốc đã bị Mỹ tìm cách hạn chế hợp tác rồi:

“Lúc bấy giờ Trung Quốc và Nga đã bị Mỹ hạn chế hợp lực rồi. Người Mỹ tin rằng họ đủ mạnh để kiểm soát được cả hai bên. Theo quan điểm khiêm tốn của tôi, đây là một sai lầm [của Mỹ]. Hãy nhìn xem hiện nay Mỹ đang bị giằng xé như thế nào. Hãy nhìn vào những hỗn loạn trong Quốc hội [Mỹ].”

Thời ông Donald Trump còn làm tổng thống Mỹ, thì Mỹ theo đuổi đường lối ổn định quan hệ với Nga, đồng thời dùng kinh tế để cô lập và tấn công Trung Quốc. Có thể nói chính sách này khá thành công.

Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Joe Biden, thì chủ trương đối ngoại với Nga và Trung Quốc đã thay đổi. Mỹ tìm cách cùng một lúc đối đầu với Nga và Trung Quốc.

Tờ báo Berliner Zeitung hỏi lại: Phải chăng Mỹ đã tự đánh giá quá cao chính mình?

Và ông Schroder khẳng định: “Đúng thế.”

Một trong những lập luận của Mỹ về vấn đề Nga, đó là tuyên truyền rầm rộ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin theo đuổi giấc mộng bá quyền nước lớn, muốn đánh chiếm khắp nơi.

Hôm 19/10, trong diễn văn được thu hình từ trước và phát ra từ Phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ Biden lại lặp lại lập luận này, rằng nếu không nghe theo ông viện trợ cho Ukraine, thì Nga sẽ chiếm hết Ukraine, rồi sau đó sẽ đánh tung Châu Âu.

Thắc mắc này cũng được tờ báo đặt ra trong câu hỏi. Nhưng ông Schroder đã thẳng thừng bác bỏ luận điểm tuyên truyền đó.

“[Châu Âu] chúng ta không hề bị mối đe dọa đó. Nỗi sợ hãi rằng người Nga sẽ đến là điều vô lý. Làm sao Nga có thể đánh nổi NATO, chứ chưa từng nói đến chiếm đóng Tây Âu.”

Ông Schroder chỉ rằng điều người Nga muốn chỉ là như hiện trạng họ đã sáp nhập được ở Donbass và Crimea. Nói như vậy, ông Schroder đã gián tiếp thừa nhận rằng cái mà ông Putin gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine đã thành công như mục đích ban đầu mà Nga đặt ra. Ông Schroder nói:

“Người Nga muốn gì? Hiện trạng ở Donbass và Crimea. Không nhiều hơn.

Tôi cho rằng việc ông Putin khơi mào cuộc chiến là một sai lầm chết người.

Tôi thấy rõ rằng đó là vì Nga đang cảm thấy bị đe dọa.

Hãy nhìn xem: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO. Có những tên lửa có thể tiếp cận trực tiếp Moskva.

Ví dụ nữa, Mỹ muốn đưa NATO đến biên giới phía tây của Nga, với Ukraine là thành viên mới. Tất cả những điều này giống như một mối đe dọa đối với người Nga…

Người Nga đồng thời có 2 phản ứng: Họ sợ hãi, và đáp trả bằng cách chủ động phòng thủ [bằng cách đánh] trước.

Đó là lý do tại sao không một ai ở Ba Lan, vùng Baltic, và chắc chắn càng không phải ở Đức —nhân tiện, ý là nói tất cả các thành viên NATO— nghĩ rằng họ đang gặp nguy hiểm. [Vì họ tin rằng] người Nga sẽ không bắt đầu chiến tranh với bất kỳ thành viên NATO nào.” [1]

Tiếp đó tờ báo nói về khả năng hòa đàm với Nga vào thời điểm hiện nay. Ông Schroder nói rằng hiện nay người Nga thật sự rất lo ngại về mối đe dọa từ phương Tây. Bất kể là ai lên nắm quyền ở Nga thì cũng lo ngại điều này, chứ không chỉ là ông Putin. Cho nên hòa đàm sẽ có nghĩa phương Tây phải giải được khúc mắc đó.

“Có hai người quan trọng ở Moskva: Putin, người quan trọng nhất, và Medvedev.

Ông Medvedev có ảnh hưởng riêng của mình đối với xã hội Nga. Ông là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga.

Không ai ở phương Tây muốn nghe [sự thật] này: Bất kể ai nắm quyền ở Nga đều tin rằng phương Tây muốn mở rộng NATO hơn nữa… Không ai đứng đầu nước Nga sẽ cho phép điều đó đâu.

Có lẽ mối lo lắng về đe dọa là mang theo cảm tính, nhưng nó chính là tồn tại ở Nga.

Phương Tây phải hiểu điều này và phải chấp nhận những thỏa hiệp phù hợp, nếu không hòa bình sẽ khó mà đạt được.”

Ảnh chụp bài trên website Berliner Zeitung chuyển dịch sang tiếng Anh. (Nguồn: Twitter) 

Tờ báo nói rằng ông Putin là người thất hứa. Ông Schroder hỏi vặn lại: “Khi nào?”

Tờ báo nói rằng ông Putin đã nói không tấn công Ukraine, nhưng cuối cùng ông ta vẫn tấn công Ukraine.

Ông Schroder phản bác: “Tôi chưa từng nghe ông Putin bảo đảm điều đó.” [2]

Một vài quan điểm khác của ông Schroder

Bài phỏng vấn còn rất dài, và còn nhiều chủ đề khác nữa.

Bình luận về cách xử lý của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Gerhard Schroder tán đồng và cho rằng cách xử lý là hợp lý. Một mặt ủng hộ Israel, nhưng đồng thời kêu gọi kiềm chế hành động quân sự Israel nhắm vào người Palestine, không nên leo thang bạo lực.

Bình luận về Ngoại trưởng Annalena Baerbock, ông Gerhard Schroder cho rằng bà không đủ lý tính như người tiền nhiệm Joschka Fischer. Ông dẫn chứng rằng bà công nhiên gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “kẻ độc tài”, ông nói:

“Tại sao ngoại trưởng lại khiêu khích trong hoàn cảnh mà còn bao nhiêu vấn đề khác?”

Lưu ý rằng công nhiên gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “kẻ độc tài” là điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm. Theo ông Schroder, thì Đức không nên làm như thế:

“Việc lên mặt đạo đức của Baerbock sẽ không thành công về mặt chính trị trong nước đây, mà sẽ gây hại cho nước Đức và nền kinh tế Đức.”

Tờ báo cho rằng bà Baerbock làm như thế là để nịnh bợ người Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Đức.

Ông Schroder không phủ nhận lối nghĩ đó nhưng ông cho rằng không nên làm thế:

“Nói vậy có thể là đúng. Tôi là nói rằng chúng ta phải giữ quan hệ đồng minh cho tốt, nhưng không phải là với bất cứ một giá nào. Chúng ta [ngoại trưởng tiền nhiệm] đã từng theo đuổi một chính sách ngoại giao chú trọng vào chủ quyền. Tiếc rằng ngày nay chúng ta đã không còn điều đó nữa.”

Chú thích:

[1] Việc truyền thông phương Tây tuyên truyền Nga ôm mộng bá quyền nước lớn là không có cơ sở. Chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2022 chỉ chiếm 3% GDP và chỉ bằng 1/13 của Mỹ. Có thể 3% là không nhỏ, nhưng còn lâu mới so được với thời Chiến tranh Lạnh. Với chi tiêu chỉ bằng 1/13 của Mỹ mà đòi bá quyền nước lớn thì chính là không có khả năng.

Giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago chỉ ra rằng nếu Nga thật sự đặt mục tiêu quân sự là chiếm toàn bộ Ukraine, thì Nga phải điều động quân đội gấp nhiều lần mới đúng. Ông dẫn chứng các cuộc chiến tranh trước đó (Đại Thế chiến II), Đức phải điều động trên 1 triệu quân khi tấn công Ba Lan. Trong khi đó, các đánh giá lớn nhất của phương Tây, thì lần tấn công năm 2022, Nga điều động nhiều nhất là 190.000 quân.

Giáo sư Mearsheimer, người chuyên ngành về quan hệ quốc tế, cho hay quốc gia Ukraine có đặc thù chia đôi. Nửa phía Đông nhiều người gốc Nga và thân thiện với Nga. Nửa phía Tây thì không phải, và những người thù địch với Nga là nằm ở phần này. Do đó, theo ông Mearsheimer, thì Nga nhiều nhất là chỉ sáp nhập phần mà có người gốc Nga ở phía Đông, bởi vì chỉ có ở đó họ mới có thể quản lý được. Nga sẽ gặp phải rắc rối rất lớn nếu tìm cách thôn tính vùng đất mà dân ở đó rất thù địch với mình ở phía Tây. Do đó, dù Nga có chiến thắng về quân sự, thì họ chỉ nhiều nhất là mở rộng phần đã chiếm đóng thêm một chút, chứ không thể sáp nhập toàn bộ Ukraine.

[2] Việc hứa hẹn không tấn công Ukraine thường được miêu tả trong truyền thông phương Tây căn cứ theo hiệp ước Minsk 1 và Minsk 2. Kỳ thực, điều này đã được các nhà quan sát trung lập như giáo sư John Mearsheimer chỉ ra. Hiệp ước đó là Nga đứng vai trò quan sát và Kiev cam kết hòa bình với Donbass, bảo đảm quyền lợi người gốc Nga. Việc Kiev phá vỡ cam kết đã khiến Nga có lý do để biện minh cho “hoạt động quân sự đặc biệt” của mình. Nga không hứa là vĩnh viễn không tấn công Ukraine một cách vô điều kiện.

Cũng có nhắc tới năm 1994, Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, với bảo đảm của Mỹ, Anh, và Nga. Cho nên Ukraine thường tuyên bố rằng Nga thất hứa. Tuy nhiên thỏa thuận 1994 là kèm theo điều kiện Ukraine phải là trung lập. Nga không thể bảo đảm một cách vô điều kiện được. Giáo sư John Mearsheimer năm 1994 đã là một trong số cực ít người đưa ra lời khuyên rằng Ukraine không nên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ukraine sau này nói rằng họ bị Mỹ và Nga ép buộc phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên cũng có một số quan chức Ukraine thừa nhận rằng Ukraine không đủ năng lực bảo trì kho vũ khí này. Cho nên thà rằng bỏ đi và nhận được bảo đảm an ninh còn tốt hơn. Trên thực thế, một số ngành công nghiệp mà Ukraine kế thừa từ Liên Xô đã bị tàn lụi sau khi Ukraine ra ở riêng.

Nhật Tân