Năm 2022 thế giới đã nổ ra nhiều điểm nóng quân sự ở những quy mô khác nhau, nhà bình luận Thẩm Chu (Shen Zhou) mới đây có chỉ ra 5 vấn đề nhạy cảm.

Nga Trung Quoc Trieu Tien
(Nguồn: Andy.LIU/ Shutterstock)

Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24/2 đến nay, cuộc chiến đã kéo dài hơn 300 ngày nhưng vẫn trong trạng thái bế tắc. Với sự trợ giúp của phương Tây, Ukraine đã biến cuộc chiến vốn dĩ tưởng chừng quá chênh lệch sức mạnh quân sự thành cuộc chiến giằng co ngang tài ngang sức. Mặc dù cuộc chiến hiện có xu hướng chậm lại khi mùa đông đến nhưng vẫn đang trong tình trạng căng thẳng, mọi động thái của Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Vai trò của NATO trong cuộc chiến ở Ukraine

Sau khi Chiến tranh Lạnh sau Thế chiến II kết thúc, sự tồn tại của NATO luôn là chủ đề tranh cãi, có quan điểm cho rằng NATO đã “chết não”. Nhưng năm nay, việc Nga xâm lược Ukraine tạo điều kiện cho phép NATO một lần nữa đóng vai trò và cũng một lần nữa làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Mỹ. Không chỉ một số lượng lớn quân đội Mỹ được triển khai trên tiền tuyến của NATO, mà việc nâng cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine đã gián tiếp làm suy yếu mối đe dọa của Nga. Trong khi đó Nga cũng không dám manh động vì lo ngại đòn tấn công chung của các thành viên NATO.

Nếu ĐCSTQ tấn công xâm lược Đài Loan sẽ liên đới toàn thế giới

Nhà bình luận Thẩm Chu cho biết, so với cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine thì cuộc chiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Đài Loan (nếu bùng nổ) sẽ gây sức tàn phá lớn hơn nhiều. Bởi vì các nước trên thế giới thường dựa vào chip cao cấp do Đài Loan sản xuất và eo biển Đài Loan cũng là một trọng điểm giao thương ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Một khi ĐCSTQ gây chiến nhất định phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt toàn diện từ nhiều bên, khiến tình hình kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ chịu tác động nghiêm trọng và ảnh hưởng dây chuyền ra toàn thế giới.

Vào tháng 8 năm nay, ĐCSTQ đã tạo ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan mới với lý do Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Lập tức sau đó, ĐCSTQ cho bắn thử 11 tên lửa đạn đạo và điều động lượng lớn máy bay quân sự và tàu chiến tập trận quanh eo biển Đài Loan, thậm chí còn thường xuyên đi qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Dù Tổng thống Mỹ Biden nhiều lần lên tiếng luôn sẵn sàng bảo vệ Đài Loan, nhưng ĐCSTQ vẫn trình diễn tư thế đối đầu quân sự với Mỹ. Trong bối cảnh đó, quân đội Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh răn đe ở chuỗi đảo thứ nhất. Vì Đài Loan luôn là một trong những tâm điểm đối đầu giữa ĐCSTQ và Mỹ, nên quân đội Mỹ đã triển khai các hạm đội và vũ khí tinh nhuệ ở Tây Thái Bình Dương để cảnh cáo.

Đối đầu quân sự Trung-Nhật

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã công khai tuyên bố coi ĐCSTQ là thách thức chiến lược đối với hòa bình và an ninh của Nhật Bản cũng như hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế. Tài liệu phía Nhật Bản nhấn mạnh nhu cầu cần “năng lực phản công” có khả năng tấn công các căn cứ tên lửa của đối phương. Do trong hoạt động bắn thử tên lửa của ĐCSTQ quanh eo biển Đài Loan vào tháng 8 có 5 quả rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, đồng thời hải quân và không quân ĐCSTQ cũng thường xuyên vào vùng biển nhạy cảm giữa hai nước khiến Nhật Bản buộc phải xây dựng chiến lược quốc phòng mới. Gần đây, ĐCSTQ đã điều động một lượng lớn máy bay quân sự ở eo biển Đài Loan, thậm chí còn tiến hành tập trận chung với hạm đội Nga. Nếu ĐCSTQ có kế hoạch cùng lúc đồng tời tấn công Okinawa và Đài Loan sẽ tương đương với việc cùng một lúc thách thức cả Mỹ lẫn Nhật Bản và Đài Loan.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đối đầu ĐCSTQ, Nga, Triều Tiên

Trong nửa cuối năm 2022, số vụ thử tên lửa của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể, người ta đồn đoán rằng ĐCSTQ và Nga có thể đứng sau thúc đẩy để đánh lạc hướng Mỹ. Bất ổn hòa bình của khu vực Đông Bắc Á không chỉ là vấn đề Triều Tiên liên tục điều máy bay quân sự và nã đạn pháo khiêu khích Hàn Quốc mà các cuộc tập trận của Trung Quốc và Nga trên Biển Nhật Bản cũng làm vấn đề leo thang nhạy cảm. Mặc dù Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đang tư thế đối đầu căng thẳng với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng bối cảnh hiện tại thì Nga dường như không thể lao vào thêm một cuộc chiến khác, chỉ có thể cố gắng đẩy ĐCSTQ lên hàng đầu để đối đầu với Mỹ.

Có thể thấy ý định bành trướng của ĐCSTQ đã lộ rõ hơn nhiều trong những năm gần đây, dễ thấy trong số 5 điểm nóng quân sự lớn vừa nêu thì ĐCSTQ có liên quan đến 3. Theo góc nhìn của chuyên gia Thẩm Chu, chừng nào ĐCSTQ không sụp đổ thì các điểm nóng ở Đông Á sẽ không thuyên giảm; các điểm nóng quân sự ở Đông Á sẽ chỉ nóng dần lên: từ eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông, biển Philippines cho đến bán đảo Triều Tiên.