Chính phủ Đức mới đây đã thông qua và lần đầu công khai “Chiến lược về Trung Quốc”, trong đó Berlin xác định Bắc Kinh vừa là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và địch thủ mang tính hệ thống”.

Chính phủ Đức của Thủ tướng Olaf Scholz đã phê chuẩn bản “Chiến lược về Trung Quốc” hôm thứ Năm (13/7). Đức sẽ sử dụng văn kiện này để đánh giá lại toàn diện mối quan hệ với Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, người tiền nhiệm của ông Olaf Scholz. Tuy nhiên, những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và những tuyên bố chủ quyền quyết đoán trên biển ngày càng tăng của chế độ này đã thúc đẩy chính phủ Đức đánh giá lại các mối quan hệ song phương.

Bản “Chiến lược về Trung Quốc” hơn 60 trang được đăng tải công khai trên trang web của Văn phòng Đối ngoại Đức tuyên bố rằng Trung Quốc đã thay đổi, và bởi vậy nên Đức cũng cần phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình.

Văn kiện mô tả Trung Quốc là đối tác, nhưng cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ của nước này với Nga đang ngày càng củng cố và hành động quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc theo đuổi tham vọng làm bá chủ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Văn kiện tuyên bố: “Hành động và quyết sách của Trung Quốc đã khiến cho những yếu tố địch thủ và cạnh tranh trong các mối quan hệ của chúng ta gia tăng trong những năm gần đây”.

Liên quan đến vấn đề Đài Loan, văn kiện cho hay: “Tính nguyên trạng của Eo biển Đài Loan chỉ có thể được thay đổi bằng các biện pháp hòa bình và có sự đồng ý của hai bên”.

Văn kiện cũng đưa ra nhận định rằng Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua, nên bây giờ họ đang theo đuổi chính sách kinh tế với “mục đích làm cho họ ít phụ thuộc hơn vào các nước khác, đồng thời cố gắng khiến các nước khác phải phụ thuộc hơn vào Trung Quốc”.

Văn kiện nêu rõ Đức không tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc, nhưng “tháo gỡ rủi ro là nhu cầu cấp bách”.

Văn kiện dẫn ra ví dụ về sự phụ thuộc trước đó của Đức vào Nga về nguồn cung năng lượng chính, và nhu cầu phải tránh tính huống như vậy nổi lên với các quốc gia khác trong các lĩnh vực được coi là trọng yếu đối với chuyển dịch năng lượng và đổi mới công nghệ.

Ưu tiên của chúng ta là giảm những rủi ro như vậy một cách nhanh chóng và với mức chi phí mà nền kinh tế Đức có thể chấp nhận được”, văn kiện tuyên bố.

Theo văn kiện, Đức đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nhiều loại kim loại, các nguyên tố đất hiếm, công nghệ y khoa và dược phẩm, cũng như công nghệ thông tin và các sản phẩm cần để sản xuất các sản phẩm bán dẫn.

Đức đặt mục tiêu mở rộng khả năng tự chủ công nghệ và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Văn kiện chiến lược mô tả “tháo gỡ rủi ro” là “sự bổ sung thiết thực cho sức mạnh thực sự của chúng ta, đó là sự cởi mở của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của chúng ta”.

Văn kiện mô tả Trung Quốc đồng thời là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và địch thủ mang tính hệ thống”. Bản chiến lược cũng chỉ rõ rằng bất chấp những lo ngại, Đức vẫn sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc và coi quốc gia này là “đối tác không thể thiếu” trong các lĩnh vực như giảm thiểu biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và xử lý các cuộc khủng hoảng nợ quốc tế.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt kỷ lục 337 tỷ USD vào năm ngoái.

Trong một bài phát biểu tại Berlin hôm 13/7, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã khuyến khích các doanh nghiệp Đức hãy hành động.

Bà Baerbock cảnh báo rằng các công ty đang phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các rủi ro tài chính lớn hơn trong tương lai.

Hải Đăng (T/h)