Tỷ phú công nghệ Elon Musk tuần này cảnh báo rằng Mỹ phải có biện pháp để giải quyết vấn đề lạm phát, nếu không sẽ giống như Venezuela xã hội chủ nghĩa.

Elon Musk la doi thu nang ky cua Nga trong nganh vu tru 1
Ông Elon Musk. (Ảnh: Par Naresh777/Shutterstock)

Mới đây, ông Elon Musk, người hiện đang mua lại Twitter, nói trong một hội nghị trực tuyến rằng chính phủ đã in quá nhiều tiền trong những năm gần đây.

Ông Musk nói, “Ý tôi là, nguyên nhân rõ ràng của lạm phát là do chính phủ in ra không biết bao nhiêu đô la.” Đương nhiên, điều mà ông chỉ ra chính là việc trong những năm gần đây, Mỹ đã thông qua cứu trợ kinh tế trong dịch COVID-19 và kích thích kinh tế với quy mô hàng ngàn tỷ đô la Mỹ.

Lạm phát ở Mỹ đã tăng 8,3% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm trước đó. Con số này thấp hơn một chút so với mức tăng 8,5% trong tháng Ba, nhưng vẫn gần mức cao nhất trong 40 năm.

Giám đốc điều hành Tesla nói: “Vì vậy, chính phủ không thể … phát hành séc nhiều hơn số tiền họ kiếm được mà không tạo ra lạm phát. Bạn biết đấy, tốc độ lưu thông của tiền tệ vẫn như cũ, và nếu chính phủ liên bang mở ra các tấm séc, các tấm séc của họ sẽ không giờ bị từ chối thanh toán. Vì vậy, điều đó thực sự tạo ra nhiều đô la hơn. Nếu nhiều đô la hơn được tạo ra, thì lượng hàng hóa và dịch vụ có thể được mua trên toàn nền kinh tế sẽ tăng lên và bạn bị lạm phát.”

Ông Musk hỏi rằng nếu chính phủ chỉ “phát hành nhiều tiền và không quan tâm đến thâm hụt, tại sao chúng ta không mở rộng thâm hụt lên 100 lần? Câu trả lời là bạn không thể, vì nó về cơ bản biến đồng đô la thành vô giá trị.”

Ông Musk nói: “Nhiều quốc gia đã thử thí nghiệm này nhiều lần. Bạn đã bao giờ thấy Venezuela chưa? Giống như những người nghèo ở Venezuela bị chính chính phủ của họ ngược đãi một cách thô bạo.”

Năm 2018, Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu khí khổng lồ, đã chứng kiến ​​tỷ lệ lạm phát tăng hơn 65.000% do khủng hoảng kinh tế gây ra bởi giá dầu lao dốc và các biện pháp kiểm soát giá của chính phủ. Sau đó, chính quyền của ông Nicolas Maduro bắt đầu in rất nhiều tiền, khiến đồng tiền của quốc gia này mất giá, khiến giá cả mọi thứ tăng lên nhanh chóng.

Tại hội nghị, Elon Musk cũng nói rằng chính quyền Biden “dường như chưa làm được gì” và đặt câu hỏi rằng ai mới thực sự nắm quyền điều hành nước Mỹ. Ông nói: “Tổng thống thực sự chính là người điều khiển máy nhắc chữ. Con đường đi đến quyền lực chính là con đường đi đến máy nhắc chữ.”

Ông còn cho biết: “Khi nói đến chính quyền Trump, bỏ qua việc bản thân ông Trump là người như thế nào, rất nhiều người trong chính quyền của ông ấy có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả.”

Trong khi ông Musk đưa ra những bình luận nói trên về ông Biden và Nhà Trắng, thì ông Jeff Bezos, một trong những người giàu nhất thế giới, cũng ngày càng chỉ trích các chính sách kinh tế của chính quyền Biden. Trong một loạt bài đăng trên Twitter, ông Bezos cho biết chi tiêu liên bang tăng nhanh là lý do tại sao lạm phát lại cao như vậy.

Ông Bezos viết hôm thứ Hai (ngày 16/5): “Hãy nhớ rằng chính quyền Biden đang làm mọi cách để tăng chi tiêu liên bang thêm 3.500 tỷ USD. Họ đã thất bại, nhưng nếu thành công, lạm phát sẽ cao hơn hiện nay, trong khi lạm phát hiện nay đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm.”

Chỉ trích của ông Bezos bắt nguồn từ một tweet của ông Biden đăng hôm thứ Sáu (13/5): “Muốn giảm lạm phát? Chúng ta nên đảm bảo các công ty giàu có nhất đóng thuế một cách công bằng”.

Tỷ phú Bezos cáo buộc tổng thống Mỹ gây hiểu lầm cho công chúng và chỉ ra vấn đề lạm phát tăng cao là do chính sách của Chính phủ Mỹ. Ông Bezos yêu cầu Ủy ban Thông tin giả mạo mới được Chính phủ Mỹ thành lập điều tra các tweet của Tổng thống. Ông Bezos viết hôm thứ Bảy (14/5): “Việc lẫn lộn làm một hai vấn đề gồm tăng thuế doanh nghiệp và giảm lạm phát là sai lầm”.

Hôm Chủ nhật (15/5) ông Bezos lại tweet: “Thực tế, chính quyền đã quá nóng vội bơm nhiều cho kích thích kinh tế… Lạm phát là một loại thuế lũy thoái (regressive tax) gây tổn hại nhiều nhất cho những người nghèo nhất và việc định hướng sai không giúp ích gì cho đất nước này”.

Trí Đạt (t/h)