Trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 29/7 trên Strana Ukraine, ông Metropolitan Kliment của Giáo hội Chính thống Ukraine UOC —người thường đóng vai phát ngôn cho UOC và Tu viện Kyiv— nói rằng UOC vẫn sẽ tổ chức lễ Giáng sinh theo ngày truyền thống 7/1, bất chấp việc Tổng thống Ukraine Zelenksy, người liên tục tìm cách đàn áp UOC thời gian qua, đã ký luật đổi ngày lễ Giáng sinh thành 25/12 theo Công giáo phương Tây. Trong khi đó, giáo hội mới OCU do chính quyền nâng đỡ đã bắt đầu chuyển sang tổ chức lễ Giáng sinh vào 25/12 kể từ năm 2022. Ông Kliment cũng chỉ ra rằng ông Zelensky đã nói sai khi tuyên bố ngày lễ Giáng sinh 7/1 là của Nga. Theo ông Kliment đó là ngày lễ theo Chính thống Giáo nói chung, chứ không liên quan tới Nga. Lưu ý rằng với tình hình chính trị và chiến tranh ở Ukraine hiện nay, điều nào đó mà bị chụp mũ là “của Nga” hay “thân Nga” thì sẽ mang tính sát thương rất mạnh.

Lebedev baptism
Lễ rửa tội (baptism) tập thể ở dòng sông Dnepr năm 988 được người Ukraine nói riêng và Chính thống Giáo phương Đông nói chung coi là ngày đánh dấu Kitô giáo đặt chân tới phương Đông. (Nguồn ảnh Wikipedia)

Như tin đã đưa, sau các vận động và chuẩn bị nhiều tháng, ngày 28/7 ông Zelensky đã ký thành luật đổi ngày lễ Giáng sinh từ 7/1 sang 25/12. Cách đổi chênh nhau 13 ngày này là ứng với sự chênh lệch 13 ngày giữa lịch Julius và lịch Gregory.

Theo lập luận của ông Kliment, luật có nghĩa rằng “ngày 25/12 đã là một ngày nghỉ” mang tính hành chính của chính phủ. Một ngày nghỉ căn cứ theo nghi lễ của một tôn giáo. Điều đó ám chỉ rằng luật không buộc tất cả các tôn giáo phải tổ chức theo nghi lễ đó. Có thể theo, có thể không.

Là một tổ chức tôn giáo, UOC có thể tổ chức ngày lễ theo truyền thống của mình, và điều đó không phủ nhận và cũng không mâu thuẫn với luật của chính phủ.

“Hàng năm, khi đi qua các đường phố ở các khu phố của chúng ta vào ngày [25/12], thực tế không có gì gợi nhớ rằng đó là một ngày lễ,” ông Kliment nhận định rằng đại đa số người Ukraine không coi ngày 25/12 là ngày lễ, dẫn chứng rằng không có không khí ngày lễ vào hôm đó.

“Chắc chắn rằng đại đa số người Ukraine và tổ chức tôn giáo khác nhau sẽ tổ chức lễ Giáng sinh trong tương lai theo cách họ vẫn làm trước đó,” ông cho rằng luật chỉ lập ra ngày nghỉ hành chính, còn người dân và các tổ chức tôn giáo vẫn làm theo truyền thống. Theo ông, điều đó nên được tôn trọng và cũng không mâu thuẫn với luật. “Tất nhiên, [chúng tôi] tin rằng [chính quyền] sẽ tôn trọng những người này và truyền thống của họ. Mà [UOC] chúng tôi là có những gì chúng tôi có.”

Ông Kliment chỉ ra rằng theo các tổ chức Chính thống Giáo Jerusalem và Bethlehem —các địa danh mà Kitô giáo đã hiện hữu từ sớm nhất— thì ngày Giáng sinh cũng là 7/1, chứ không chỉ có Nga là như vậy. Một số tổ chức Chính thống Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đi đầu trong việc chuyển sang ngày 25/12, nhưng hiển nhiên điều đó không đại biểu cho toàn bộ Chính thống Giáo. Lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo, với trên 98% người dân theo Hồi giáo, và ngày 25/12 không phải là ngày nghỉ hành chính ở đó.

“Ngày 25/12, xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tổ chức lễ Giáng sinh của Chính thống giáo. Tôi thấy khó nói được tại sao các đại biểu [của Quốc hội Ukraine] lại quyết định rằng các truyền thống từ Thổ Nhĩ Kỳ là gần gũi với người Ukraine hơn các truyền thống từ Jerusalem và Bethlehem,” ông Kliment nói.

Tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7/1 “không phải là theo truyền thống của Nga, mà là theo truyền thống lịch của Giáo hội ở Jerusalem, nơi có các đền thờ linh thiêng nhất của Kitô giáo. Ở đó, tất cả các ngày lễ chính của Giáo hội Chính thống, cho đến tận hôm nay, vẫn được tổ chức theo lịch Julius,” ông Kliment phân tích.

Khi ông Zelensky ký luật đổi ngày lễ Giáng sinh, ông đã lấy lý do rằng ngày Giáng sinh 7/1 là “di sản lễ Giáng sinh của Nga.”

Với tình hình chính trị và chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine hiện nay, những cái nhãn hiệu “của Nga” hoặc “thân Nga” đều mang tính sát thương rất mạnh.

Ông Kliment cho rằng lý do “di sản lễ Giáng sinh của Nga”“thông tin không chính xác và không đầy đủ.”

Kỳ thực, cứ cho rằng điều nào đó đúng là văn hóa Nga, thì cách bài xích văn hóa Nga của chính quyền Kyiv hiện nay cũng được thế giới coi là hành động cực đoan. Ví dụ như ở Việt Nam, ai đó vì lý do nào đó bài xích Trung Quốc. Thế thì cũng dừng lại ở mức độ bài xích chế độ và chính quyền Trung Quốc thôi. Chứ không ai nói rằng tác phẩm văn học “Tây Du Ký” hay “Phong Thần” là những gì đó cần bài xích cả. Đó là văn hóa. Hiện nay chính quyền Kyiv bài xích cả Lev Tolstoi và Pushkin.

Cụ thể về luật đổi ngày lễ

Cụ thể ông Zelensky ký Luật 9431Nghị định 455. Trong nhiều ngày được thay đổi thì có các ngày tôn giáo như sau:

  • Ngày lễ Giáng sinh, đổi từ 7/1 sang 25/12, tức là sớm hơn 13 ngày, do chuyển từ lịch Julius sang lịch Gregory.
  • Ngày lễ Rửa tội Kiev Rus, đổi từ 28/7 sang 15/7. Đây là kỷ niệm ngày lễ rửa tội năm 988. Do luật ký đúng ngày 28/7, nên năm nay nó vẫn là ngày 28/7, và ngày này chính thức đổi là vào năm sau.

Đã từng có vận động đổi ngày lễ Phục sinh, nhưng đã không thành công.

Nhật Tân