Hai chiếc trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bị rơi vào đêm thứ Bảy (20/4) khi đang huấn luyện, vụ tai nạn khiến 1 người thiệt mạng và 7 người khác mất tích. Hiện có nghi vấn xảy ra va chạm giữa 2 máy bay.

truc thang Nhat Ban
Hai máy bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã rơi xuống biển trong lúc huấn luyện ban đêm. (Ảnh chụp màn hình video)

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara nói với giới truyền thông rằng, chiếc máy bay bị rơi đang tham gia “tập trận chống tàu ngầm”. Chưa xác định được nguyên nhân vụ tai nạn, hiện ưu tiên hàng đầu là cứu người. Cơ quan cứu hộ hàng hải đã tìm thấy mảnh vỡ có thể là của hai chiếc trực thăng.

Vài giờ sau, ông lại báo cáo: “Một trong những thành viên được cứu trước đó của đội bay đã được xác nhận thiệt mạng, 7 người còn lại vẫn mất tích…. Phát hiện vị trí hộp đen của 2 máy bay bay rất gần nhau, do đó khả năng xảy ra va chạm (giữa 2 máy bay) là rất cao”.

Hai chiếc trực thăng lần lượt mất liên lạc vào lúc 22:38 giờ địa phương khi đang thực hiện huấn luyện chống tàu ngầm trên bờ biển quần đảo Izu. Theo tờ NHK Nhật Bản đưa tin, thời gian chênh lệch mất liên lạc giữa hai chiếc trực thăng là khoảng 25 phút. Lực lượng Phòng vệ cho biết họ đang phân tích máy ghi âm được thu hồi và tìm hiểu thông tin từ nhân viên của chiếc trực thăng thứ ba tham gia huấn luyện nhưng không bị tai nạn.

Hai chiếc trực thăng này là trực thăng tuần tra SH-60K do hãng Mitsubishi của Nhật Bản sản xuất và thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

Theo AFP, một năm trước cũng đã xảy ra vụ máy bay trực thăng quân sự của Nhật Bản thuộc mẫu khác (UH-60JA) bị rơi ở vùng biển Okinawa, khiến 10 người trên máy bay thiệt mạng; hồi tháng 11 năm ngoái, một chiếc trực thăng Osprey của quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản đã rơi xuống biển khiến toàn bộ 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Vụ tai nạn đã khiến quân đội Mỹ mở cuộc điều tra, đồng thời ngừng cho phép bay đối với máy bay Osprey của họ trên toàn thế giới, thời gian kéo dài suốt 3 tháng. Sau khi quân đội Mỹ bảo trì máy bay và sửa đổi các quy trình, các chuyến bay của Osprey đã được nối lại vào đầu tháng Ba năm nay, bao gồm cả các chuyến bay ở Nhật Bản.

Được biết, với tư cách là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản đang tăng đáng kể ngân sách quốc phòng để đối phó với căng thẳng gia tăng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm tiêu biểu như các yêu sách lãnh thổ ngày càng phi lý và hung hăng của Trung Quốc cùng các mối đe dọa thường xuyên của Triều Tiên trong khu vực.