Ngày 7/3, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, Hoa Kỳ đã ra lệnh triển khai thêm 500 binh sĩ đến châu Âu để tăng cường cho các lực lượng đang có mặt ở đó.

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby (Ảnh: Getty Images)

Phát biểu với các phóng viên tại Washington, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby giải thích: “Rõ ràng những quân nhân bổ sung này đang được bố trí để đáp ứng môi trường an ninh hiện tại do cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine gây ra, và chắc chắn sẽ giúp củng cố và tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh NATO.”

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ đã tiết lộ cho các phóng viên trong một cuộc gọi với điều kiện giấu tên rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh triển khai thêm quân đến châu Âu sau khi thảo luận với Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, và Tướng Tod Wolters, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Hoa Kỳ.

Nga đã xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

500 binh sĩ bổ sung này, chủ yếu là “các đơn vị nhỏ” và “các đơn vị hỗ trợ”, nằm trong số 10.000 đến 12.000 binh sĩ Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động cao độ để có khả năng được triển khai tới châu Âu vào tháng 2, khoảng thời gian chiến tranh bắt đầu.

Quan chức này nhận định: “Các binh sĩ này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các lực lượng [Hoa Kỳ] đã được điều đến trước đó.”

Ngoài việc điều máy bay tiếp dầu KC-130 và khoảng 150 binh sĩ đến Hy Lạp, Hoa Kỳ còn điều khoảng 40 quân nhân từ căn cứ Fort Stewart ở bang Georgia đến Ba Lan và Romania, hai quốc gia giáp biên giới với Ukraine, để giúp thực hiện các hoạt động hỗ trợ trên không. Đồng thời Bộ Quốc phòng Mỹ còn triển khai 300 binh sĩ thuộc một công ty hậu cần trong căn cứ Fort Bragg ở bang North Carolina và một nhóm quân nhân tương tự từ căn cứ Fort Stewart đến Đức, một đồng minh khác trong NATO.

Hoa Kỳ đã và đang tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở châu Âu kể từ đầu tháng 2 bằng cách triển khai hoặc ra lệnh triển khai khoảng 11.700 binh sĩ trong tháng đó, đồng thời tái bố trí các đơn vị khác vốn đã có mặt trong khu vực này đến các quốc gia gần Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, các binh sĩ Mỹ sẽ không chiến đấu bên trong Ukraine, nhưng sẵn sàng đáp trả nếu Nga tấn công bất kỳ thành viên NATO nào, viện dẫn các quy tắc của NATO coi một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của khối này.

Hôm 7/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lưu ý: “Chúng tôi sẽ không điều quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine chống lại Nga. Tổng thống sẽ không làm điều đó.”

Nga phản đối việc Ukraine xin gia nhập vào NATO và tuyên bố một trong các điều kiện để Nga rút quân khỏi Ukraine là Ukraine phải sửa đổi hiến pháp để ngăn cản nước này gia nhập vào các khối quân sự, chẳng hạn như liên minh NATO. Vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine đã kết thúc hôm 7/3 mà không có giải pháp nào cho cuộc xung đột.

Sau khi trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm cả Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói trong một cuộc họp vận động tranh cử ở Poissy, Pháp rằng ông không nghĩ sẽ có “một giải pháp thương lượng thực sự nào” trong những ngày tới, thậm chí trong những tuần tới.

Ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng như vậy, và chúng ta đang làm tất cả những gì có thể để giúp đạt điều đó [giải pháp cho cuộc xung đột]. Nó phụ thuộc vào cả hai bên [Nga và Ukraine], nhưng nó cũng phụ thuộc vào thực tế trên chiến trường. Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn, cuộc chiến này sẽ tiếp tục.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)